Nỗi ám ảnh bên kia chiến tuyến

Tuy không trực tiếp tham gia vụ thảm sát tại Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), nhưng cựu binh Mỹ Mike Hastie (phóng viên ảnh đi theo đoàn chăm sóc y tế ở chiến trường An Khê - Gia Lai, giai đoạn 1970 - 1971) lại cảm thấy hổ thẹn khi đối diện với dân làng hôm nay. 
Nhiều lần trở lại, ông Mike Hastie lục lọi để tìm hiểu những gì mà đồng đội mình đã gây ra ở đây. Vì theo Mike Hastie, hầu hết lính Mỹ khi trở về đều rất giận dữ khi nhận ra Chính phủ Mỹ lúc ấy đã dối gạt họ.
Tạ lỗi
Mike Hastie rất vui vì năm nay có đến 60 cựu binh Mỹ thuộc Tổ chức Veterans For Peace (Cựu chiến binh vì hòa bình) đến Việt Nam. Mike Hastie nói: “Chúng ta phải đối diện vì nó là một phần quan trọng để hàn gắn vết thương chiến tranh. Ngày nay, chính phủ 2 nước đã bình thường hóa quan hệ, muốn cùng nhau xây dựng quan hệ và phát triển kinh tế”.
Ronald Haeberle (phóng viên chiến trường quân đội Mỹ) chưa một lần hối hận khi chụp và công bố những bức ảnh mà lính Mỹ đã xả súng tàn sát 504 thường dân vô tội tại Sơn Mỹ ngày ấy. “Tuy hôm nay Mỹ Lai (Sơn Mỹ) không được nhắc nhiều trong sách giáo khoa Mỹ, nhưng người Mỹ muốn bỏ lại quá khứ, quay lại để tạo dựng quan hệ tốt với Việt Nam”, ông Ronald Haeberle nói.
Năm 1968, Mike Poehm bắt đầu đến Việt Nam để gia nhập sư đoàn bộ binh Mỹ đóng quân tại Củ Chi (Sài Gòn). Sau đó, Mike Poehm nhận được tin về cuộc thảm sát tại Sơn Mỹ và bị ám ảnh. Mike Poehm cảm thấy cần phải có trách nhiệm về những gì đồng đội đã gây ra tại Sơn Mỹ. Trước tiên, để được “tạ lỗi”, Mike Poehm đã đứng ra điều hành tổ chức Madison Quakers nhằm hỗ trợ hàng tỷ đồng giúp phụ nữ Sơn Mỹ có vốn mua bò giống thoát nghèo, xây nhà tình thương và trao học bổng cho trẻ em nơi đây trong suốt 25 năm qua. 
Vào năm 1998, trong không khí tưởng niệm yên ắng, ông Mike Poehm đã sử dụng tiếng vĩ cầm của mình kể về nỗi lòng của người phụ nữ đợi chồng trong nội chiến nước Mỹ hơn 200 năm trước, để tưởng nhớ 504 thường dân Sơn Mỹ. Về sau, người ta vẫn thường nghe thấy tiếng vĩ cầm của Mike Poehm ở Sơn Mỹ, tại lễ tưởng niệm những lần sau đó. “Hôm nay, nhìn về Sơn Mỹ, tôi đã thấy cả tương lai, ở đó có những đứa trẻ lớn lên trong hòa bình, hạnh phúc”, cựu binh Mỹ xúc động nói.
Nỗi ám ảnh bên kia chiến tuyến ảnh 1 Ông Mike Poehm thăm hỏi người già ở làng Sơn Mỹ
Lánh nạn
Escape for safe (Lánh nạn) là tên 1 bức ảnh đã đoạt giải Pulitzer năm 1966, do phóng viên chiến trường Kyoichi Sawada (Nhật Bản), thuộc Hãng thông tấn UPI (United Press International), chụp được tại làng Lộc Thượng, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước (Bình Định) năm 1965. Sở dĩ gọi là Lánh nạn, bởi trong bức ảnh nhắc đến 2 người phụ nữ và 3 đứa bé đang dắt nhau vượt sông trốn chạy khỏi cuộc truy kích của lính Mỹ và quân chư hầu. Các nhân vật trong bức ảnh, hiện có 3 người vẫn đang sống, là ông Nguyễn Văn Anh (67 tuổi, ở làng Lộc Thượng), em gái ông Anh là Nguyễn Thị Kim Liên (61 tuổi, xã Phước Hiệp, Tuy Phước) và bà Nguyễn Thị Huệ (55 tuổi, xã Phước Sơn, Tuy Phước); 2 người phụ nữ còn lại đã mất. 
Trò chuyện với chúng tôi, ông Anh nhớ lại: “Ngày ấy như cơm bữa, làng Lộc Thượng luôn phải hứng chịu những đợt càn quét của máy bay Mỹ. Lính Mỹ tràn vào làng truy đuổi, dồn dân, hễ thấy ai chướng mắt là bắn giết. Bởi vậy, cứ nghe có tiếng máy bay là cả làng lại dắt nhau trốn vào rừng lánh nạn”.
Trưa 6-9-1965, máy bay Mỹ bắt đầu kéo đến ngôi làng, chúng như quát tháo trên bầu trời. Làng Lộc Thượng lặp lại cảnh trốn chạy. Sawada vào vai lính Mỹ đến ngôi làng, tình cờ bắt gặp nhóm người hốt hoảng vượt sông tìm đến vách núi để tránh bom. Sau đó, ông đã đưa máy ảnh lên ghi lại khoảnh khắc đó, rồi không quên giải cứu, động viên nhóm người đang đi lánh nạn.
Theo ông Anh, mãi đến sau này, nhiều lần Sawada vẫn tìm thăm lại gia đình ông. “Ông ấy báo tin về tấm ảnh đã đoạt giải, rồi trao quà và ảnh cho chúng tôi. Một lần khác, do chiến tranh ác liệt, gia đình tôi phải tản cư vào Quy Nhơn (nay là TP Quy Nhơn, Bình Định) cũng để lánh nạn. Sau đó, nhà báo người Nhật này đã lặn lội tìm đường đến thăm, chúng tôi vô cùng xúc động. Về sau, chúng tôi nhận được tin báo rằng, Kyoichi Sawada đã tử nạn khi đang tác nghiệp ở chiến trường Campuchia năm 1970. Điều này làm cho gia đình tôi vô cùng đau buồn”, ông Anh chùng giọng. Đối với gia đình ông Anh, Sawada là người nhân hậu, một nhà báo luôn quay lại và quan tâm đến số phận từng nhân vật của mình.
Tháng 4-2018 này, Lộc Thượng lại đón mùa no ấm. Những nơi từng in dấu bom đạn nay đã trở thành “bờ xôi ruộng mật”, đem lại bạc tỷ cho dân làng.

Tin cùng chuyên mục