Thật bất ngờ chỉ vì sau chưa tới 2 tuần được cấp phép lưu hành, đầu tháng 12 này, 3 sản phẩm Pegnano của Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen (quận 9, TPHCM) bị Công ty F.Hoffmann-La Roche AG, Thụy Sĩ, nhà sản xuất độc quyền thuốc Pegasys điều trị viêm gan B và C tại Việt Nam khiếu nại vi phạm sở hữu trí tuệ.
Không hiểu sao, vốn dĩ thông tin về thuốc được quy định là bảo mật nhưng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) lại tiết lộ ra ngoài. Phải chăng, hãng Roche có “tay trong” ở Cục Quản lý dược? Điều này đã khiến các công ty dược trong nước bất bình vì biết đâu một ngày đẹp trời nào đó, thông tin về sản phẩm của họ đăng ký lên Cục Quản lý dược cũng sẽ bị la toáng lên là… vi phạm bản quyền.
Ở đây, xin được đề cập đến chuyện thuốc Pegnano đã được Công ty Nanogen, với nỗ lực của đội ngũ khoa học trong nước nghiên cứu từ 9 năm qua và sản xuất thành công nhằm điều trị viêm gan B và C, căn bệnh nan y khiến 18% dân số Việt Nam mắc phải mỗi năm. Với giá thành chỉ bằng 1/3 so với giá Pegasys của Roche, Pegnano thực sự là cứu tinh của hàng triệu người bệnh nghèo.
Tuy nhiên, liệu Pegnano có vi phạm bản quyền của Roche? Đây là vấn đề mà Roche phải chứng minh rõ ràng. Ở đây, Bộ Y tế đã nghiêm túc và khách quan khi cấp phép lưu hành cho Pegnano. Sự nghiêm túc và khách quan đó thể hiện ở chỗ đã thành lập Hội đồng xét duyệt với đủ thành phần thẩm định của 5 nhóm chuyên gia ngoài Cục Quản lý dược (chuyên gia pháp chế, chất lượng, bào chế, dược lý và lâm sàng) và có giấy cam kết chịu trách nhiệm về vấn đề sở hữu trí tuệ của thuốc đăng ký lưu hành. Trình tự, thủ tục như vậy là đúng quy định, vả lại chất lượng tương đương Roche mà giá cả lại rẻ hơn nhiều. Biết rằng thuốc Pegasys của Roche được bảo hộ tại Việt Nam đến hết năm 2017 nhưng bao năm qua, hãng dược phẩm Thụy Sĩ này đã thu về lợi nhuận không ít.
Điều đáng nói, dù bán với giá “cắt cổ” trên thị trường Việt Nam, nhưng liệu có ai biết từ trước đến nay, Roche đã bảo hộ độc quyền những gì cho Pegasys tại Việt Nam? Theo các chuyên gia sở hữu trí tuệ, một sản phẩm thuốc phải bảo hộ nhiều chi tiết như tên biệt dược, tên hóa chất, cấu trúc, quy trình sản xuất, thương hiệu… và để bảo hộ cho mỗi chi tiết phải tiêu tốn không ít tiền. Liệu Roche đã bảo hộ toàn bộ các chi tiết trên cho Pegasys? Đây là vấn đề mấu chốt giúp các cơ quan chức năng phán xét Nanogen có vi phạm bản quyền hay không?
Mỗi năm, trên thế giới có tới 25 loại thuốc hết bảo hộ và được phép sản xuất thoải mái nhưng ngành dược trong nước cũng chưa bắt kịp được thông tin cũng như khả năng để tiếp cận. Đó là một thiệt thòi lớn. Chúng ta hoàn toàn ủng hộ chống độc quyền vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích cộng đồng. Đừng chỉ vì lợi ích của một nhóm người được Nhà nước giao quản lý dược để các công ty dược nước ngoài tha hồ tung hoành làm mưa làm gió.
Nên chăng, chúng ta vận dụng tối đa các hiệp ước, quy định của Tổ chức Y tế thế giới cũng như luật lệ trong nước và quốc tế để cho phép các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất các loại thuốc đang bị nước ngoài độc quyền nhưng là thuốc cứu chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo, dịch bệnh với giá rẻ.
Quỳnh Chi