Mùa đông năm nay ở Tây Úc kéo dài quá chừng. Thời tiết ở đây cũng hơi trái khoáy. Trong khi tôi thường rên rỉ với bạn về cái lạnh thấu xương, về làn môi nứt nẻ thì ở Hà Nội, các cô gái duyên dáng đang tung tăng trong váy hoa giữa khí trời nắng trong.
Ôi chao, cái guồng máy xã hội vẫn vận hành, vẫn quay, vẫn chống chọi với thiên tai, giông gió, vẫn luôn có kẻ vui như hội, và vẫn có người sầu muôn nơi. Tôi thường hay mè nheo với bạn và thích được nghe bạn nói chuyện thời sự. Bạn bảo, tôi nói chuyện cho cô biết tin tức để mà cập nhật thôi, chứ cô buồn rầu thì cũng không giải quyết được gì, nhưng mà tôi nói cho cô hay, xung đột và những muộn phiền trong xã hội là điều không thể nào tránh khỏi, nhưng đất nước vẫn đang mở cửa và đang đi lên, vẫn rực rỡ trong mùa lễ hội, vẫn giữ được phong thái đặc trưng của mỗi vùng mỗi miền và con người vẫn không ngừng thi đua, học hành, phát kiến.
Bạn còn cao hứng đọc cho tôi nghe một bài thơ rất dài của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng mà bạn yêu mến: “Nơi ấy bốn mùa nơi ấy một trái tim”. Bài thơ bắt đầu thế này:
Nơi ấy có mùa hạ
Ngan ngát sen thơm
Ngực gió phập phù
Nơi ấy có mùa thu
Bảng lảng sương mù
Nồng nàn hương sữa
Nơi ấy có mùa đông
Run run lá bàng thắp lửa
Thấp thoáng bóng ai nép mình bên cửa
Nghe gió mùa thắt thỏm đợi tình nhân
Nơi ấy có mùa xuân
Nô nức đào son, quất vàng, mai trắng
Chảy như sông lặng như hồ sâu lắng
Đi hết ngày chưa hết một chợ hoa
Nơi ấy có ngàn năm suy-thịnh, chiến-hòa
Máu đỏ nên sông
Xương chồng nên núi
Có thuở xênh xang có khi lầm lũi
Vẫn hào hoa thanh lịch “nhất kinh kỳ…”
Hóa ra bạn đang mơ màng về Hà Nội có bốn mùa rõ rệt với “sen thơm”, “hương sữa”, “lá bàng”, “đào son, mai trắng”; Hà Nội của những ký ức bi hùng không thể nào phai, Hà Nội với đại lễ ngàn năm diễn ra sôi động và Hà Nội “thanh lịch” gợi mở cảm hứng cho biết bao thi nhân. Câu chuyện của chúng tôi lần nào cũng thế, loay hoay mãi rồi cũng hướng về nơi ấy.
Tôi yêu Hà Nội qua tình yêu thiêng liêng của bạn dành cho miền đất này, qua những bài hát làm đắm say lòng người, qua những bài cảm nhận của những người sống trong lòng Hà Nội và những người đi xa. Một đồng nghiệp của tôi đã đến Hà Nội đến ba lần. Cô ấy bảo rằng dự định của hai lần sau là đi Singapore và Hong Kong thôi, nhưng lần nào cũng “ghé lại” Hà Nội và ở lại đó đến bốn, năm ngày.
Bạn đọc bài thơ này mà như hát. Qua điện thoại, tôi có thể hình dung bạn đang nhắm mắt đắm mình vào trong từng con chữ và thế giới cảm xúc về thiên nhiên đất trời, hoà nhịp vào mạch ngầm cảm hứng của bài thơ với những hình ảnh về ấn tượng của một Hà Nội vô cùng thân thương.
Tác giả phải là người có một trái tim thổn thức và một tâm hồn lắng đọng mới có thể vẽ lên một bức tranh Hà Nội qua những hình ảnh đặc trưng và thổi vào những hình ảnh này hồn thơ man mác bằng những từ luyến láy gợi cảm như thế: “ngan ngát”, “phập phù”, “bảng lảng”, “nồng nàn”, “run run”, “thấp thoáng”, thắt thỏm”, “nô nức”, “xênh xang”. Nghệ thuật sử dụng từ láy ở đây không những diễn đạt được sắc thái cảnh vật mà còn biểu lộ rõ nét tâm trạng con người.
Khi còn học phổ thông, tôi rất thích những bài thơ về quê hương đất nước của Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm và Giang Nam qua lời phân tích đầy xúc động của cô giáo, và sau này được nghe lại khi đi dự giờ của đồng nghiệp.
Giờ đây được thưởng thức bài thơ của Nguyễn Ngọc Hưng, tôi bỗng nhớ đến da diết lời giảng bài của cô giáo mình, làn điệu man mác âm hưởng sử thi với những yếu tố cổ điển và hiện đại hòa quyện nhau trong bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm, niềm cảm xúc dâng trào với những hồi tưởng êm ái về mùa thu Hà Nội cuả Nguyễn Đình Thi hay cái da diết trong tâm khảm khi đọc Giang Nam.
Những bài giảng tha thiết ngày ấy tưởng chừng như không có một mối liên quan nào với cuộc sống bộn bề của hiện tại, thế mà trong phút chốc bỗng quay về thật trìu mến thân thương.
Roman Jakobson đã từng nói rằng “Thơ gìn giữ chúng ta chống lại tính máy móc, sự han gỉ hăm dọa tâm hồn.” Xin cảm ơn bạn, cảm ơn nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã cho tôi những giây phút được hướng về nguồn cội của mình qua một bài thơ viết về một chủ đề lớn, chủ đề đất nước
VÕ THỊ NHƯ MAI