Tôi hoàn toàn đồng ý với đánh giá bãi biển Nha Trang tồi nhất trong top các bãi biển đẹp trên thế giới của National Geographic. Từ lâu báo chí Việt Nam đã cảnh báo rất nhiều về vấn đề này, không chỉ Nha Trang mà còn Đà Lạt và những thành phố du lịch khác, từ thái độ phục vụ không thân thiện, xem thường du khách đến việc khai thác đầu tư thiếu khoa học, tự phát, không đồng bộ…
Tuy nhiên, chúng ta dường như đã quen với những lời nói tự huyễn hoặc ru ngủ mình như: “Đất nước ta rừng vàng biển bạc, tài nguyên phong phú; hàng năm hàng triệu du khách đến Nha Trang, Đà Lạt tham quan…”.
Không ai nhìn nhận một thực tế đau lòng là những danh lam thắng cảnh thiên nhiên ngày càng mất đi nhường chỗ cho bê tông hóa, biết bao hécta rừng bị khai thác triệt để, những đồi thông chỉ còn là đồi trọc… Hàng triệu du khách đến Nha Trang nhưng phần nhiều là khách nội địa, trong đó không ít khách còn thiếu quan tâm đến môi trường. Họ đến biển tận hưởng thiên nhiên xinh đẹp, nhưng rồi sau cuộc vui chơi, cuộc nhậu hải sản, lại thoải mái đứng lên để lại biển một bãi rác! Du khách nước ngoài chẳng nhiều, thực tế họ đi tour Campuchia-Lào và Việt Nam… chứ không phải họ bay từ đất nước họ đến Việt Nam.
Bãi biển Nha Trang cách nay hơn hai mươi năm thật đẹp. Những hàng dương, phi lao và dừa chạy dài. Bãi biển Vũng Tàu cũng thế, thật nên thơ. Giờ nhìn lại, còn những gì?
Hàng năm, hè về hoặc những ngày lễ tết, đại gia đình tôi đều đi du lịch vài ngày. Sau mỗi chuyến đi, tôi lại cảm thấy buồn. Du lịch trong nước, chuyến của năm sau luôn tệ hơn năm trước. Thác Ponguar hùng vĩ, tung bọt trắng xóa mà ngày trước chúng tôi phải thận trọng đặt từng bước chân khi xuống hay phải nắm những bụi cỏ, để leo lên thì giờ đây đã bị “bêtông hóa”, nước về thác ít hơn, chảy uể oải. Đến Đà Lạt, vùng cao nguyên, nhưng còn đâu những suối thác, những loài hoa vang bóng pensée, tigôn… thay vào đó là những cảnh quan nhân tạo của Thung lũng Vàng và Đồi Mộng mơ…
Viện Hải dương học Nha Trang với những hồ cá nhám, cá mập… phong phú thu hút du khách trước đây, giờ cũng ít cá, ít sinh vật biển. Một quốc gia có bờ biển dài, với những loài động - thực vật đa dạng, phong phú, nhưng xem ra ta còn thua một số nước trong khu vực. Còn Thảo Cầm viên Sài Gòn, còn gọi Sở Thú, giờ nhắc đến mà ngậm ngùi.
Đến xứ Chùa Tháp (Campuchia), thắng cảnh đa phần là phế tích, vậy mà không tìm ra một cọng rác. Phế tích nằm giữa rừng, lá vàng rơi rụng được thu gom từng đống nhỏ và đốt sạch sẽ. Còn nữa, đất nước này cũng từng chịu bao cuộc chiến, cũng mới gượng dậy trên đống hoang tàn, đổ nát, thế mà đến đây không hề bắt gặp một người ăn xin. Người dân tham gia làm du lịch, như được huấn luyện gia nhập những ban nhạc lề đường, biết chơi những bản nhạc của các nước để phục vụ du khách. Trong thành phố rất nhiều những xe tuk tuk tự chế với chiếc xe gắn máy kéo theo một rơ-moóc chở thực phẩm, hành khách, không hiện đại nhưng trong mắt du khách đó là một nét “đặc trưng” của đất nước Chùa Tháp. Người dân tự mưu sinh theo cách của họ miễn sao lương thiện. Có lẽ nhờ vậy đến Campuchia du khách an tâm dạo phố, không bị ăn xin làm phiền, không bị hàng rong chèo kéo và nhất là không lo nạn cướp giật…
Ngành du lịch Campuchia quan niệm các vị vua trước đây xây dựng đền đài để cho con cháu hưởng. Bất cứ ai sinh ra tại Campuchia, cho dù là con cái của cán bộ đại sứ quán các nước, đều được miễn vé vào thăm. Những em bé nước ngoài dưới 12 tuổi cũng được như thế. Điều này khiến tôi chạnh lòng, ở nước ta không tính các di tích, chỉ là những cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng cho dân Việt như Thung lũng Tình yêu (Đà Lạt)… con nít vào cũng phải trả tiền. Tôi thấy trên phố xá, các điểm tham quan tại Campuchia hay Thái Lan có rất đông người nước ngoài. Ở Việt Nam, lượng khách nước ngoài xem ra chẳng được như thế. Tại sao?
NGUYỄN NGỌC HÀ
>> Nha Trang và Mũi Né bị xếp hạng bãi biển “tệ” nhất - Cơ hội nhìn lại mình
>> Nỗi buồn cho ngành du lịch biển