Nỗi buồn sân ga

Nhân dịp Tuần lễ văn hóa du lịch Đà Lạt diễn ra vào tuần cuối của năm 2013, chúng tôi cùng về lại phố núi để hòa mình vào không khí của Festival Hoa. Và ga Đà Lạt là một trong những điểm nhấn của tuần lễ hội này. Nhưng cái ồn ào bất chợt của một sân ga có kiến trúc đẹp nhất Đông Dương một thời, lại gợi lên trong chúng tôi một ký ức buồn về những sai lầm của quá khứ, đã tước đi mất của Đà Lạt nhiều cơ hội để phát triển.
Nỗi buồn sân ga

Nhân dịp Tuần lễ văn hóa du lịch Đà Lạt diễn ra vào tuần cuối của năm 2013, chúng tôi cùng về lại phố núi để hòa mình vào không khí của Festival Hoa. Và ga Đà Lạt là một trong những điểm nhấn của tuần lễ hội này. Nhưng cái ồn ào bất chợt của một sân ga có kiến trúc đẹp nhất Đông Dương một thời, lại gợi lên trong chúng tôi một ký ức buồn về những sai lầm của quá khứ, đã tước đi mất của Đà Lạt nhiều cơ hội để phát triển.

        Quá khứ

Khác với cảnh vắng vẻ thường ngày, sân ga hôm ấy đông đúc và nhộn nhịp hẳn lên với cảnh “ngựa xe như nước”. Đó là vì có các hoạt động tặng sách, hội chợ du lịch, vẽ chân dung ký họa diễn ra tại đây. Không chỉ có khách từ TPHCM và các tỉnh mà còn thu hút đáng kể một lượng khách nước ngoài. Nhiều khách Việt Nam thích thú chụp ảnh với đầu máy xe lửa hơi nước đang trưng bày trong sân ga. Trong khi một cặp vợ chồng du khách nước ngoài đã đứng tuổi, ngồi thả hồn theo tiếng nhạc du dương trong một toa tàu khách được thiết kế mô phỏng toa tàu khách hạng nhất cách đây 8 thập kỷ. Nhưng trong tôi gợi lên một nỗi buồn khó tả.

Khách du lịch thích thú chụp ảnh với đầu máy hơi nước ở nhà ga Đà Lạt trong dịp Festival Hoa.

Khách du lịch thích thú chụp ảnh với đầu máy hơi nước ở nhà ga Đà Lạt trong dịp Festival Hoa.

Năm 1901, sau 8 năm kể từ ngày tìm ra Đà Lạt, người Pháp đã quyết định đầu tư một tuyến đường sắt từ Tháp Chàm đi Đà Lạt. Đường được làm từng đoạn: Tháp Chàm - Sông Pha, Sông Pha - Eo Gió, Eo Gió - Trạm Hành và Trạm Hành - Đà Lạt. 31 năm sau ngày khởi công, tuyến đường sắt dài 84km được đưa vào sử dụng. Tàu phải dùng hệ thống bánh trục răng cưa gắn ở giữa song song với đường ray, móc trong đầu máy để lên và xuống dốc. Tuyến đường đi qua 5 hầm chui - trong đó dài nhất là hầm số 3 trên đoạn Trạm Hành - Cầu Đất dài khoảng 600m. Hàng ngày có 3 đôi tàu xuôi ngược từ Đà Lạt về Nha Trang hoặc vào tới Sài Gòn. Thời ấy tuyến đường sắt từ Phan Rang đi Đà Lạt rất nổi tiếng nhờ cảnh quan đồi núi trùng điệp, hoang sơ và nhờ cách cấu tạo đặc biệt của loại đường xe lửa răng cưa. Khách đến du lịch vào mùa hè chủ yếu là khách người Âu.

Lịch sử đấu tranh cách mạng của TP Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức (cũ) qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ gian khổ cũng gắn liền với tuyến đường sắt này với các trận đánh ngăn chặn, làm tê liệt việc chuyên chở vũ khí từ biển lên cho các tỉnh Tây Nguyên, góp phần cho ngày toàn thắng 30-4-1975.

        Sai lầm

Sau ngày Đà Lạt hoàn toàn giải phóng, cùng với ổn định sản xuất, ổn định an ninh trật tự thì việc khôi phục lại tuyến đường sắt này cũng được ưu tiên hàng đầu và sau vài năm đã thông đường đến ga Trạm Hành và mọi việc tiến triển tốt đẹp, chỉ chờ ngày thông đường toàn tuyến thì bất ngờ ngành đường sắt vì đang cần tập trung khôi phục lại tuyến đường sắt Bắc - Nam nên đã vội vàng gỡ thanh ray đem đi khiến tuyến đường bị tê liệt. Người dân sống hai bên đường cũng gỡ trộm thanh ray nên tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt chính thức bị khai tử. Ông Phạm Khương - một người hoạt động cách mạng trên tuyến đường sắt này và là công chức của Hỏa xa Đà Lạt, chua xót nói: “Trong lịch sử của ngành đường sắt thế giới chưa từng có tiền lệ như thế”.

Đến năm 1988, ông Ralph Schorno - một kỹ sư cơ khí của Thụy Sĩ, đã phát hiện những đầu máy hơi nước cổ đang còn hoạt động ở Việt Nam. Trong đó, tại nhà ga Đà Lạt có 3 cái với các số hiệu VHX 31-201, VHX 31-203, VHX 40-308, ga Krông Pha 1 cái và Tháp Chàm 2 cái. Điều đặc biệt là 2 cái đầu máy hơi nước để trong đì-pô nhà ga Đà Lạt vẫn còn chạy tốt và đều do chính hãng Furka (Thụy Sĩ) chế tạo từ năm 1913 đến 1929, và trên thế giới chỉ còn duy nhất ở Việt Nam. Một vụ mặc cả với ngành đường sắt nhanh chóng diễn ra và theo ông Phạm Khương thì giá bán chỉ có 650.000USD cho 7 đầu máy và các thiết bị kèm theo như goong, đường răng cưa… trong đó có cả một số goong của Mỹ sản xuất còn rất tốt. Số đầu máy này đã được sửa chữa để chạy các đoàn tàu du lịch tại một vùng núi của Thụy Sĩ và được hãng Furka in thành sách.

        Bảo tồn

Nhiều người trong đoàn chúng tôi đều có chung nhận xét “Đà Lạt bây giờ không còn đẹp như ngày trước.” Và trong cái sự “không còn đẹp ấy” có chuyện không biết gìn giữ di sản kiến trúc mà giới kiến trúc đã gọi là “đô thị di sản”. Với hàng ngàn biệt thự cổ và một tuyến đường sắt răng cưa, Đà Lạt rất có điều kiện được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Rất tiếc, việc quản lý các biệt thự cũng hết sức lỏng lẻo nên để xảy ra tình trạng xà xẻo đất biệt thự, mà trường hợp khu biệt thự Trần Hưng Đạo là một điển hình. Toàn bộ phần đất phía sau có tầm nhìn trải dài về phía thung lũng phía dưới đã bị chiếm dụng, xây dựng nhà cửa và hợp thức hóa thành một con phố mới. Toàn bộ khu cư xá Hỏa xa Đà Lạt ngày trước với hàng chục biệt thự nằm trên một quả đồi đối diện với ga Đà Lạt đã được ngành đường sắt giao cho các công ty thành viên sử dụng đang ngày một xuống cấp…

Vấn đề bây giờ là cần có một dự án quy mô, tham vọng về di sản kiến trúc, trong đó có những công trình tiêu biểu đã được xếp hạng như nhà ga Đà Lạt, trường Yersin, các khu biệt thự cổ. Theo đó, cần đánh giá lại một cách chính xác di sản kiến trúc hiện có, phân loại, lên kế hoạch trùng tu, bảo tồn kèm theo là kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, địa phương và xã hội hóa. Và từ bài học của đô thị cổ Hội An, thành phố Đà Lạt rất cần chọn ra một số con đường tập trung các công trình kiến trúc cổ để bảo tồn, làm hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản kiến trúc cổ châu Âu là di sản văn hóa thế giới, qua đó mới có thể nâng tầm vóc đô thị Đà Lạt trở thành một điểm đến thu hút được khách quốc tế.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục