Nội chiến bùng phát khốc liệt tại Bờ Biển Ngà

Abidjan hỗn loạn
Nội chiến bùng phát khốc liệt tại Bờ Biển Ngà

“Đây là thời điểm để tấn công thần tốc”, Tổng thống Bờ Biển Ngà được LHQ công nhận - ông Alassane Ouattara tuyên bố. Trong bối cảnh lực lượng ủng hộ ông Ouattara siết chặt vòng vây ở TP Abidjan, còn lực lượng thân Tổng thống mãn nhiệm - ông Laurent Gbagbo thề tử thủ, cứ địa cuối cùng của ông Gbagbo đang cận kề một cuộc giao tranh đẫm máu.

Lực lượng trung thành với Tổng thống Ouattara tại Abidjan.

Lực lượng trung thành với Tổng thống Ouattara tại Abidjan.

Abidjan hỗn loạn

Thủ tướng của chính quyền Bờ Biển Ngà được LHQ công nhận - ông Guillaume Soro cho biết, sau khi quân đội thân ông Ouattara tăng cường bao vây Abidjan vào đêm 3-4, đã có dấu hiệu lo sợ trong hàng ngũ của lực lượng ủng hộ ông Gbagbo. Hơn nữa, phe ông Ouattara đã nắm được chính xác con số xe thiết giáp đang hoạt động của phe ông Gbagbo.

Ông Soro cũng khẳng định, thời điểm mở cuộc tấn công nhanh đã chín muồi. Ngày 4-4, thêm hàng chục xe quân sự trang bị vũ khí hạng nặng của phe ông Ouattara tiếp tục tiến vào TP Abidjan. Tiếng súng máy, tiếng nổ xuất hiện gần như tức thì khi lực lượng ủng hộ ông Ouattara tiến vào các khu vực có quân lính của ông Gbagbo.

Hãng Reuters dẫn lời sĩ quan chỉ huy phe ông Ouattara, ông Issiaka Wattao Ouattara, cho biết tổng cộng binh lính ủng hộ ông Ouattara vào khoảng 9.000 người. Theo ông Wattao, khi trận đánh cuối cùng sắp tới diễn ra, phải mất 48 giờ để “quét sạch” binh lính của ông Gbagbo.

Trong khi đó, tình trạng hỗn loạn, cướp bóc đã xuất hiện tại Abidjan trong những ngày này. Anh Didier Amani, một cư dân của TP, cho biết rất nhiều nhóm thanh niên, không biết ủng hộ phe nào, lăm lăm AK trong tay. Những chiếc xe ô tô chở những người được vũ trang làm náo loạn TP. Các cửa hàng bị cướp bóc, đốt phá.

Trước những diễn biến căng thẳng tại Abidjan, có thêm 167 người nước ngoài tiếp tục rời bỏ TP này để tới thủ đô Dakar của Senegal. Trước đó, phái bộ của LHQ tại Bờ Biển Ngà cũng ra lệnh sơ tán khoảng 200 nhân viên sau những cuộc tấn công thường xuyên của lực lượng trung thành với ông Gbagbo vào trụ sở của họ.

Nhằm đảm bảo an toàn cho dân thường và người nước ngoài, trong đó có khoảng 12.200 người Pháp, lực lượng quân đội Pháp tại quốc gia Tây Phi này đã nắm quyền kiểm soát sân bay chính ở TP Abidjan và điều động thêm 300 binh lính tới TP này.

Nỗi lo khủng hoảng nhân đạo

Lực lượng ủng hộ Tổng thống Ouattara tiến vào Abidjan.

Lực lượng ủng hộ Tổng thống Ouattara tiến vào Abidjan.

Tình cảnh người dân Bờ Biển Ngà trong những ngày này mới thật sự cực khổ. Họ đang phải sống trong điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn. Nước sinh hoạt đã bị cắt tại phần lớn các khu vực ở Abidjan. Trong khi đó, giá lương thực tăng cao cũng đẩy người dân vào tình trạng khó khăn. Bánh mì từ 0,54 USD/ổ đội lên 1,5 USD/ổ, khoai tây từ 0,2 USD/kg tăng lên 1,06 USD/kg… Các loại thực phẩm như cá, thịt thậm chí cả rau, củ hiện giờ rất hiếm. Mặc dù có một số cửa hàng đã mở cửa trở lại vào ngày 3-4, nhưng hầu hết các sản phẩm có bán chỉ là dầu hỏa, muối và sữa bột với số lượng hạn chế. Cô Marie-Laure Djiboly cho biết, cô rất lo sợ gia đình cô sẽ chết đói trong những ngày tới do lương thực cạn kiệt.

Trong khi đó, các tổ chức nhân đạo quốc tế đã bày tỏ sự lo ngại về làn sóng người Bờ Biển Ngà chạy nạn sang quốc gia láng giềng Liberia. Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn, khoảng 250.000 người dân Bờ Biển Ngà đã chạy sang Liberia kể từ cuối tháng 6-2010. Tổ chức Oxfam cảnh báo lương thực dành cho người tị nạn đang dần cạn kiệt. Mùa mưa sắp đến sẽ khiến việc vận chuyển lương thực cứu trợ càng trở nên khó khăn. Trong khi đó, người tị nạn còn phải đối mặt với cuộc “khủng hoảng” hệ thống vệ sinh. Nếu không sớm được giải quyết, dịch bệnh bùng phát là điều không thể tránh khỏi.

Trước những cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo, LHQ, Liên minh châu Phi (AU), Mỹ đã kêu gọi ông Gbagbo từ chức ngay lập tức, không để bạo lực gia tăng như hiện nay. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết, ông “đặc biệt quan tâm” và lo ngại về vụ thảm sát ít nhất 800 người tại Duekoue do xung đột sắc tộc. Hiện cả 2 phe ông Gbagbo và ông Ouattara đều bác bỏ liên quan đến vụ thảm sát trên.

* Xung đột tại Bờ Biển Ngà nổ ra từ tháng 11-2010 sau khi ông Alassane Ouattara giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Ông Laurent Gbagbo đã bác bỏ kết quả trên và cương quyết không từ bỏ chiếc ghế tổng thống. Cuộc chiến giữa 2 phe tại quốc gia Tây Phi này đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục