Diện mạo thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai sẽ như thế nào? Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã thông tin về vấn đề này.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngày nay. Ảnh: Mạnh Linh
TPHCM là đô thị đặc biệt
Trên cơ sở định hướng phát triển của các đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trong tương lai (từ 15 đến 20 năm), tôi luôn có niềm tin rằng TPHCM của chúng ta sẽ trở thành “Đô thị đặc biệt có quy mô lớn, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực…”. Với dân số trên 10 triệu người, trong phát triển không gian đô thị, thành phố sẽ có diện mạo của một đô thị ngày càng to đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại; phát triển hài hòa, đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang nâng cấp đô thị cũ; giữa phát triển không gian đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển thành phố vừa hiện đại vừa có bản sắc dân tộc; phát huy được thế mạnh của một vùng đất có đặc thù nhiều sông nước, tạo được sức hấp dẫn và hướng tới phát triển bền vững.
Trong 5 - 10 năm tới, diện mạo đô thị của TPHCM sẽ phát triển phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Thành phố tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị, huy động các nguồn lực hoàn thành việc tái bố trí nhà ở cho những hộ dân trước đây sống trên và ven kênh rạch, các khu phố lụp xụp, chung cư xuống cấp, triển khai mạnh các dự án phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân; tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường...
TPHCM đã thực hiện thành công nhiều dự án di dời nhà trên kênh rạch và cải tạo môi trường dòng kênh, nâng cao chất lượng sống của người dân. Ảnh: CAO THĂNG
Việc phát triển hiện nay của TPHCM là từng bước thực hiện theo quy hoạch, ổn định trong từng thời kỳ phát triển, phù hợp với tầm nhìn quy hoạch lâu dài. Việc lựa chọn mô hình phát triển đô thị đa trung tâm và phát triển thành phố theo 4 hướng nhằm phát huy lợi thế, vị trí vai trò, tiềm năng của thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữa cải tạo và xây dựng mới, đồng thời khắc phục những bất hợp lý trong cấu trúc của đô thị do lịch sử để lại. Tuy nhiên, sự phát triển của thành phố hiện nay cũng chưa thể đáp ứng được hết yêu cầu thực tế của người dân. Nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị còn hạn chế so với nhu cầu rất lớn của thành phố. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật, chưa được tập trung, đồng bộ nên vẫn có tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường ở một số khu vực. Trong phát triển không gian đô thị, việc triển khai xây dựng các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh… ở các hướng phát triển thành phố chưa nhiều, dẫn đến tình trạng dân cư tập trung quá đông tại khu vực nội thành, gây ra tình trạng quá tải ở đây.
Phát triển theo hướng bền vững
Xây dựng phát triển TPHCM trong tương lai theo hướng bền vững là nhu cầu và hướng đi tất yếu, với mục tiêu phát triển nhanh về kinh tế nhưng hài hòa trong phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tiêu cực của biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất nước, nguyên vật liệu xây dựng, năng lượng, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu cuộc sống của người dân. Để đáp ứng yêu cầu này thì hai yếu tố về nguồn lực và con người là rất quan trọng. Theo tôi, thành phố cần tập trung, chỉ đạo công tác quản lý đô thị trong việc xây dựng các chính sách, các giải pháp thích hợp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý; đổi mới cơ chế, tổ chức phối hợp và phân cấp quyền hạn rõ ràng, linh hoạt, nhiều quyền hơn cho các cấp chính quyền đô thị, nhằm hoạt động có hiệu quả hơn nữa trong quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, xây dựng, quản lý đất đai, kiện toàn cơ chế chính sách nhằm tạo ra nguồn vốn, phát huy sức mạnh của cộng đồng vào mục tiêu xây dựng phát triển thành phố.
Định hướng phát triển thành phố đã được xác định rõ. Vấn đề quan trọng là trong từng giai đoạn phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, thành phố cần xây dựng các chương trình, các giải pháp thích hợp thực hiện trong mọi lĩnh vực phát triển đô thị, mang tính khả thi cao, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn này, nhằm vừa đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế mà vẫn đảm bảo tầm nhìn quy hoạch xa trong lâu dài. Trong quá trình thực hiện quy hoạch của từng giai đoạn, thành phố cần tổ chức rà soát, đánh giá các nội dung đã triển khai so với định hướng quy hoạch được phê duyệt, nếu cần thiết sẽ đề xuất điều chỉnh định hướng quy hoạch cho phù hợp.
NGUYỄN KHOA
Đổi đời theo những dòng kênh
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền TPHCM không ngừng tìm kiếm, thực hiện nhiều chương trình để nâng cao chất lượng sống của nhân dân, của người nghèo, đặc biệt là với người dân lao động sống quanh khu vực những con kênh đen. Việc cải tạo những con kênh đen trở thành “con kênh xanh xanh” đã kéo theo sự đổi đời của triệu người dân sinh sống nơi đây.
Nụ cười buổi sớm bên dòng kênh mới
Khoác “áo mới” cho những dòng kênh đen
Bên chiếc bàn nhỏ đặt trước hiên nhà, ông Phạm Ngọc Sang (50 tuổi, ngụ tại 240/110/22 Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6, TPHCM) tiếp khách bằng tách trà nóng. “Ngồi uống trà, ngắm người qua lại, nay cũng là cách thư giãn của nhiều người dân trên con đường này”, ông Sang mở đầu câu chuyện. Ông nhớ lại, chỉ mấy năm trước thôi, ngồi trong nhà còn không chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc hắt lên từ con kênh với dòng nước đen ngòm đầy rác rưởi, chứ nói chi là ra đường. Mà cũng không thể ngồi trước hiên nhà uống trà, bởi trước nhà ông là con hẻm chỉ rộng có 1,2m và bên kia là các nhà trên kênh rạch san sát nhau. “Còn rác dưới dòng kênh thì ôi thôi không kể xiết, nước kênh đen kịt. Nhiều lúc phải bỏ dở chén cơm vì không chịu nổi mùi hôi xộc lên mũi”, ông Sang kể.
“Vì hoàn cảnh, mình đành chấp nhận sinh sống ở nơi ô nhiễm này, chứ thực lòng tôi rất muốn chuyển đi nơi khác”, ông Sang nhớ lại. Ông ngán nhất là những lúc vận chuyển máy móc từ đầu hẻm vào nhà để phục vụ công việc. Đoạn đường chỉ 50m nhưng vì hẻm quá nhỏ nên phải mất đến hơn 3 giờ và 1,7 triệu đồng để thuê người đẩy máy vào. Nay thì nhà ông đã ra mặt tiền, chỉ cần tốn 500.000 đồng là xe cẩu bon bon vào trước cửa nhà. Với ông Sang và bà con sống dọc tuyến kênh này, dòng kênh đen đầy rác nay chỉ còn lại trong ký ức.
Sự đổi thay trên dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm thể hiện rõ nét nhất là đoạn kênh dài hơn 3km từ đường Âu Cơ (quận Tân Phú) đến Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11). Dòng kênh hôi thối trước đây đã được thay bằng cống hộp, bên trên là con đường trải nhựa rộng rãi, thoáng mát với hai hàng cây xanh được trồng dọc theo hành lang đường. Bà Trần Thị Bê (65 tuổi, ngụ kênh Tân Hóa, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) phấn khởi cho biết: “Hơn 25 năm nay, gia đình tôi phải chịu cảnh hôi thối, việc đi lại thì khó khăn, chưa kể cứ phải nơm nớp lo dịch bệnh. Nay nhà tôi được ra mặt tiền thoáng mát. Nỗi ám ảnh về dòng kênh đen ngòm, hôi thối nay đã lùi xa”.
Người dân thư giãn bên dòng kênh. Ảnh: Thái Bằng
An cư quanh những dòng kênh
Không chỉ có kênh Tân Hóa - Lò Gốm, những công trình cải tạo các dòng kênh tiêu biểu như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé cũng đã ghi đậm dấu ấn của chính quyền thành phố trong việc đem lại cuộc sống an cư cho người dân.
Tuyến đường Bến Vân Đồn dọc theo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé ngày nay được xem là con đường đẹp nhất trên địa bàn quận 4. Dọc theo bờ kênh là công viên chạy dài với hoa và cây cối xum xuê. Rải rác dọc bờ kênh được trang bị những bộ dụng cụ thể dục dành cho người dân sử dụng. Từ ngày con kênh được cải tạo, bà Nguyễn Thị Loan (62 tuổi, sinh sống từ nhỏ nơi đây) ngày ngày ra tập thể dục cùng mấy bà hàng xóm. Bà phấn khởi cho biết: “Ngày xưa nơi đây là dãy nhà trên kênh rạch, con đường này cũng nhỏ xíu, người qua lại nơi đây rất ngại vì mùi hôi thối và sợ bị cướp giật. Nay thì đã không còn tình trạng ấy. Con kênh trong xanh, cây cối tạo màu xanh tươi, đường sá mở rộng, chung cư cao cấp thì thi nhau mọc lên đã giúp cho nơi này thay da đổi thịt”. Tương tự, dọc hai bên đường trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (khu vực quận 3) cũng thu hút nhiều người đến tản bộ, tập thể dục, tiếng cười nói vang cả một đoạn đường.
Không chỉ những hộ dân ở lại bên các dòng kênh mới thấy cuộc sống mình đổi thay, mà cả những người dân bị giải tỏa nay có cuộc sống an cư ở một nơi khác cũng rất hài lòng. Là hộ bị giải tỏa trắng trong công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm, sau khi nhận tiền đền bù, gia đình ông Nguyễn Long đã chọn căn hộ tại khu tái định cư xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Gần 3 năm nay, căn hộ gần 70m² với 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và nhà bếp là tổ ấm mới của gia đình ông. Ngồi trong căn hộ khang trang, gió thổi vào mát rượi, ông Long chia sẻ: “So với căn nhà hơn 100m² ở bờ kênh với gần 40 người sinh sống thì căn hộ này là mơ ước của gia đình tôi. Dù xa trung tâm thành phố một chút nhưng ở đây có siêu thị, có chợ, có trường học từ mẫu giáo đến cấp 3 nên rất thuận tiện trong sinh hoạt”. Trước đây, ông và vợ con phải sống cùng với 10 gia đình anh chị em khác trong một căn nhà chật chội. Khi nhận tiền đền bù, các anh em khác được chia tiền, còn gia đình ông nhận căn hộ tái định cư. Giá căn hộ là 475 triệu đồng, vợ chồng ông trả trước một phần, còn nợ lại 108 triệu đồng và được trả dần trong 15 năm. “Lúc mới lên ở đây cũng có hơi bỡ ngỡ, nhưng ở dần rồi quen và nay thì thấy ổn định, rất thoải mái”, ông Long bày tỏ.
THÁI PHƯƠNG - MAI ANH