Tháng 4 vừa qua, trung tá, cựu thủy quân lục chiến Mỹ, James G.Zumwalt đã quay trở lại Việt Nam, vượt qua nỗi ám ảnh dai dẳng gần nửa thế kỷ để công bố quyển sách “Bare foot, Iron will” với bản tiếng Việt “Chân trần, chí thép” về đất nước và con người của dải đất hình chữ S. Ông chính là con trai của cố Đô đốc, Tư lệnh Hải quân Mỹ Elmo Russell Zumwalt, người đã ra lệnh rải chất độc da cam dọc bờ sông rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Chuỗi ngày hủy diệt
Sự kiện ra mắt quyển sách của một cựu binh Mỹ được đánh giá là cột mốc quan trọng trong cuộc chiến vì công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Cuộc chiến này đang diễn ra từng giây, từng phút trên mọi mặt trận, từ nhiều quốc gia, tất cả chỉ vì đạo lý và lương tri của con người.
Chiến dịch rải chất diệt cỏ ở Việt Nam kéo dài hơn 10 năm, từ ngày 10-8-1961 đến 31-10-1971. Khoảng 95% chất diệt cỏ rải xuống Việt Nam do các máy bay trong chiến dịch Ranch Hand (Bàn tay lực điền) thực hiện. Ngày 12-4-1961, Tổng thống Mỹ John F.Kennedy lúc bấy giờ nhận được bản đề xuất 9 hoạt động quân sự tại Việt Nam từ Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó có kế hoạch rải chất diệt cỏ. Một tháng sau đó, Phó Tổng thống Mỹ Lyndon B.Johnson đến Sài Gòn gặp Tổng thống Việt Nam Ngô Đình Diệm để xúc tiến việc thành lập một trung tâm nghiên cứu quân sự nhằm phát triển các vũ khí mới. Trung tâm này có nhiệm vụ xem xét việc sử dụng chất diệt cỏ để diệt tận gốc các khu rừng nơi quân giải phóng miền Nam và bộ đội miền Bắc ẩn náu. Đi cùng mục tiêu chính yếu này là phá hủy cây lương thực trên những cánh đồng màu mỡ. 4 tháng sau, vào ngày 10-8, đợt rải chất độc đầu tiên được tiến hành. Một máy bay trực thăng của quân đội Sài Gòn đã rải chất diệt cỏ chứa dioxin ở phía Bắc Kon Tum.
Đến ngày 3-11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara nhận lệnh triển khai chiến dịch khai quang theo 3 giai đoạn, đồng thời yêu cầu lực lượng không quân dồn sức hỗ trợ chiến dịch quan trọng này. Ngày 30-11, Tổng thống Kennedy chính thức phê chuẩn chương trình sử dụng chất diệt cỏ tại Việt Nam, được đặt tên Trail dust (Vệt bụi mù) gồm việc rải chất diệt cỏ từ trên không (máy bay và trực thăng) và rải từ dưới thấp (tàu thủy và xe tải). Riêng các chiến dịch do lực lượng không quân thực hiện có tên Hadès (nghĩa là Thần chết trong thần thoại Hy Lạp), sau đó được đổi thành Ranch Hand. Chiến dịch được cho là chính thức bắt đầu vào ngày 15-12-1961, khi chuyến tàu chở 416.350 lít chất diệt cỏ màu tím và 185.465 lít chất màu hồng rời cảng Oakland, California của Mỹ để đến Việt Nam. Đến năm 1965, hai loại chất diệt cỏ mới được sử dụng có chất màu da cam (chiếm 60% tổng số chất diệt cỏ được dùng tại Việt Nam và thường được giới truyền thông gọi tên “chất độc màu da cam”) và chất trắng được đưa vào sử dụng. Chuỗi ngày hủy diệt đã hình thành như thế.
Im lặng cũng là tội ác
Từ tháng 9-1961, trong lòng Bộ Quốc phòng Mỹ bắt đầu xuất hiện những ý kiến phản đối chiến dịch diệt cỏ nhưng tiếng nói của họ không đủ mạnh nên cuối cùng đã lọt thỏm vào dòng xoáy của chiến dịch trên.
Năm 2009, tờ Chicago Tribune của Mỹ đã có loạt phóng sự điều tra của hai tác giả Jason Grotto và Tim Jones về những chi tiết quan trọng liên quan đến quyết định thực hiện chiến dịch đầy sai lầm trên của Bộ Quốc phòng Mỹ. Ở bài thứ 5, các tác giả đã đưa ra những số liệu dẫn chứng cho thấy những cá nhân và tổ chức liên quan đã cố tình “lờ” đi trách nhiệm “phải hiểu rõ” những gì mình đang làm.
Từ năm 1957, theo nhiều tài liệu chưa được công bố, Công ty Hóa chất Dow Chemical đã nắm rõ kỹ thuật giảm thiểu hàm lượng dioxin có trong chất diệt cỏ nhưng họ vẫn làm ngơ. Và năm 1965, thời điểm chất độc da cam bắt đầu được sử dụng trên chiến trường miền Nam, trong văn bản nội bộ của Công ty Hóa chất Dow Chemical cho rằng ghi nhận chất độc da cam không chỉ gây tổn thương da mà còn có khả năng gây tổn hại đến cơ thể sống.
Lần giở những tài liệu từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia và hồ sơ tòa án, Chicago Tribune đã chứng minh được, bất chấp những mối đe dọa được chứng minh vào năm 1965, chiến dịch trên vẫn tiếp tục được thực hiện trong suốt 6 năm sau đó. Những hồ sơ này cũng chỉ ra đã có rất nhiều tranh cãi liên quan đến cách thức sử dụng chất diệt cỏ như thế nào để đúng với mục tiêu “khai quang” được đưa ra trước đó.
Trong bài phân tích của Chicago Tribune, tờ báo này cho rằng cả Bộ Quốc phòng Mỹ và các công ty hóa chất đều không làm hết trách nhiệm của mình. Năm 1961, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định cắt giảm kinh phí và nhân lực cho việc nghiên cứu cải thiện mặt trái của những hóa chất độc hại có trong thuốc diệt cỏ theo hướng bảo vệ sức khỏe con người. Cơ quan này chỉ lờ mờ nghĩ đến tác hại để rồi bị chi phối bởi những hướng dẫn sử dụng không đi kèm khuyến cáo rõ ràng từ các công ty hóa chất. Những công ty này mãi chạy theo chỉ tiêu sản xuất trước sức ép phải đáp ứng nhu cầu của lực lượng quân sự.
Báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Các vấn đề về cựu binh Mỹ năm 1990 chỉ ra, quân đội Mỹ dẫu biết chất độc da cam cực kỳ nguy hiểm với con người nhưng hầu như chẳng làm gì để phòng ngừa phơi nhiễm. Báo cáo này cũng trích nội dung bức thư của nhà khoa học James Clary (từng làm việc cho bộ phận vũ khí hóa học thuộc Phòng thí nghiệm phát triển vũ khí không quân) gửi thượng nghị sĩ Tom Dasschle vào năm 1988, người đang thúc đẩy sự trợ giúp pháp lý cho các cựu chiến binh bị mắc các bệnh tật liên quan tới chất diệt cỏ tại thời điểm lúc bấy giờ. Trong thư có đoạn: “Khi khởi động chương trình sản xuất chất diệt cỏ với số lượng lớn, chúng tôi đã biết được khả năng hủy hoại tiềm tàng của chất dioxin. Chúng tôi thậm chí còn biết được công thức theo đơn đặt hàng của quân đội Mỹ đòi hỏi hàm lượng dioxin cao hơn mức độ của chất diệt cỏ theo yêu cầu dân sự thông thường. Chúng tôi được bảo rằng sản xuất chất diệt cỏ với những tiêu chuẩn trên là nhằm đối phó với “kẻ thủ”, vì thế chẳng ai trong chúng tôi quan tâm đến việc phản đối kế hoạch trên”.
Vì sự vô trách nhiệm và cố tình giữ im lặng của những cá nhân liên quan, thảm họa chiến tranh kinh hoàng nhất của lịch sử nhân loại vẫn chưa ngừng gây đau đớn về thể xác lẫn tinh thần đối với hàng triệu người.
Nỗi đau qua nhiều thế hệ
Gia đình Zumwalt có truyền thống binh nghiệp ở Mỹ. Tác phẩm “Chân trần, chí thép” của tác giả James G.Zumwalt có đoạn: “Anh trai tôi (Elmo R.Zumwalt III, từng là lính hải quân tham chiến tại Việt Nam) nằm trong số những nạn nhân bị ung thư liên quan tới chất độc da cam… Vào ngày 13 tháng 8 năm 1988, ở tuổi 42, anh Elmo qua đời… Sau cái chết của Elmo, cha tôi bắt đầu một sự nghiệp mới – thuyết phục Chính phủ Mỹ thừa nhận ảnh hưởng của chất độc da cam lên sức khỏe con người và bồi thường tài chính cho các cựu chiến binh” (Chương 1 - Trở lại Việt Nam).
Những điều này được lặp lại ở Chương 7 – Bước qua ngưỡng cửa hận thù: “Vào năm 1988, người anh của tôi đã chết do tác động của chất độc da cam, bị nhiễm khi còn chiến đấu tại chiến trường Việt Nam. Thật sự là một nỗi trớ trêu của cuộc chiến đối với gia đình tôi, vì chính cha tôi là đô đốc Elmo R. Zumwalt, người chỉ huy tất cả lực lượng hải quân Mỹ ở Việt Nam, đã ra lệnh rải chất độc da cam dọc bờ sông rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã đưa đến cái chết của người anh tôi”.
Bài báo đăng trên tờ New York Times ngày 14-8-1988, một ngày sau cái chết của Elmo R. Zumwalt III, cho rằng người con trai này chưa bao giờ oán hận bố mình. Điều anh đối mặt chính là chứng ung thư bạch huyết được chẩn đoán từ tháng 1-1983 và nỗ lực hàn gắn nỗi đau không của riêng ai. Năm 1986, Elmo R. Zumwalt III và cha của mình đứng tên chung ở vị trí tác giả quyển sách 224 trang có tựa “My father, my son” (Cha tôi, con trai tôi) với sự hỗ trợ của nhà xuất bản nổi tiếng Macmillan. Sau đó, đài truyền hình Mỹ đã dựng một bộ phim cùng tên chuyển thể từ tác phẩm trên.
Không chỉ con trai Đô đốc Elmo Zumwalt mà cháu nội ông, sinh năm 1977, do di chứng của người cha để lại, cũng bị ung thư và dị dạng não.
Dù những phiên tòa vì nạn nhân da cam Việt Nam chưa có được kết quả như mong đợi nhưng điều những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và những nhà hoạt động vì cuộc chiến giành công lý có thể hy vọng và tin tưởng vào “tòa án lương tâm” sẽ là “án lệ” đặc biệt cho những cuộc chiến tranh đã để lại những “tàn tích” không mong đợi đang và sẽ diễn ra. Thời hiệu khởi kiện của nguyên đơn với tư cách pháp lý đã được công nhận vẫn còn giá trị, một tiền đề pháp lý quan trọng cho cuộc đấu tranh vì công lý.
NHƯ QUỲNH