Lại thêm một vụ đau lòng xảy ra với thân phận cô dâu Việt Nam lấy chồng nước ngoài. Người mẹ 23 tuổi mới sinh con được 19 ngày Hoàng Thị Nam, quê ở vùng biển Phan Thiết nước ta, bị người chồng Hàn Quốc đâm đến chết bởi 53 nhát dao. Trước thông tin này, người ta hình dung thủ phạm chỉ có thể là một kẻ tâm thần hoặc kẻ thù truyền kiếp. Nhưng không, theo khẳng định của cơ quan chức năng Hàn Quốc, thủ phạm Lim Chae Won không có tiền sử mắc bệnh tâm thần!
Cách đây chưa đầy một năm, thảm kịch tương tự cũng đã xảy ra đối với một cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc. Cô gái 20 tuổi Thạch Thị Hồng Ngọc quê ở Cần Thơ bị người chồng có tiền sử bệnh tâm thần Jang Do Hyu sát hại, khi cô vừa theo chồng về Hàn Quốc được 8 ngày. Năm 2007, một cô dâu Việt khác là Huỳnh Mai, cũng bị người chồng Hàn Quốc đánh gãy 18 xương
sườn, chết tại xứ người. Năm 2006, một cô dâu Việt mang họ Nguyễn, 25 tuổi đã bị chồng là Shuang-chuan (lãnh thổ Đài Loan) sát hại để đoạt tiền bảo hiểm nhân mạng. Đó là chưa kể hàng loạt cô dâu Việt khác thường xuyên bị chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
Theo số liệu thống kê, từ năm 1998 đến cuối năm 2010, Bộ Tư pháp đã làm thủ tục cho 294.280 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài ở trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc rồi đến Đức, Canada, Pháp, Hoa Kỳ… Số lượng trên chưa tính đến những vụ buôn bán phụ nữ ra nước ngoài hoặc hôn nhân với người nước ngoài và dịch vụ mang thai thuê với người ngoại quốc mà không đăng ký.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, 3/4 số cô dâu đi lấy chồng người nước ngoài đều là con của những gia đình có 5 con trở lên, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình éo le, trình độ văn hóa thấp, thậm chí chưa biết chữ... Đa số việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài mang tính chất phong trào, xuất phát từ mục đích kinh tế hoặc mong muốn đổi đời ở nước ngoài. Bên cạnh đó, một lý do khiến phụ nữ nông thôn, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, lấy chồng nước ngoài ngày càng nhiều là do tình trạng bất bình đẳng giới và nạn bạo hành gia đình.
Kết hôn với ai, ở đâu, là quyền tự do cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, do hoàn cảnh, trình độ hiểu biết, văn hóa khác nhau mà mỗi cá nhân lại có quan điểm và quyết định khác nhau khi kết hôn. Và quyết định đó nhiều khi thiếu sáng suốt, không dựa trên một nền tảng truyền thống vững chắc, dẫn đến những hậu quả ngoài mong muốn.
Trường hợp cô dâu Hoàng Thị Nam vừa bị sát hại dã man, rồi đây kẻ thủ ác sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật Hàn Quốc; hậu quả của vụ án cũng sẽ được hai Chính phủ phối hợp giải quyết một cách rốt ráo như những vụ việc tương tự từng xảy ra. Thế nhưng, câu chuyện đau lòng từng có nhiều tiền lệ này giờ đây tiếp tục đặt ra cho các cơ quan chức năng Việt Nam những câu hỏi lớn về trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ.
Như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, việc lấy chồng nước ngoài đang trở thành phong trào ở nước ta, đặc biệt là nông thôn, vì mục đích kinh tế và hoàn cảnh gia đình. Lẽ ra, trách nhiệm của cơ quan chức năng là phải làm thế nào để ngăn chặn triệt để những xu hướng xã hội không lành mạnh, đồng thời định hướng chúng đi theo một hướng tích cực. Do vậy, về lâu dài, nó đòi hỏi Nhà nước phải có một chính sách vĩ mô được thực hiện đồng bộ để làm sao giải quyết được công ăn việc làm, cải thiện đời sống kinh tế cho người dân nông thôn, đồng thời nâng cao dân trí, đảm bảo quyền và lợi ích bình đẳng cho phụ nữ.
Trong thời gian trước mắt, để giảm thiểu những nhận thức sai lệch, thiếu hiểu biết, dẫn đến những hậu quả đau lòng xảy ra đối với những người phụ nữ chạy theo xu hướng lấy chồng nước ngoài mà không dựa trên nền tảng tình yêu, đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, đặc biệt là các hội đoàn, phải tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc tư vấn, cung cấp thông tin một cách đầy đủ, cập nhật về mọi vấn đề cần thiết đến từng hộ dân. Bên cạnh đó, phải giám sát chặt chẽ để phát hiện và xử lý triệt để những hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những phụ nữ có ý định kết hôn với người nước ngoài.
PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG