
Hai người mẹ, một nỗi đau. Nỗi đau vo lại thành hình, hiện hữu trong tấm thân què quặt và nụ cười ngây dại của đứa con thân yêu. Con nằm đó, như thực vật, chỉ biết khóc, cười ú ớ như trẻ lên 3. Người mẹ ngồi đây, im lặng như người mất hồn. Hơn 20 năm con nằm là hơn 20 năm mẹ nuốt nỗi đau vào trong, nhưng đến một ngày giật mình, thảng thốt “Một mai mạ chết, ai chăm mi đây, con ơi”.
Đong vạn nỗi buồn
Ngôi nhà của mẹ Kăn Lay (ở xã A Ngo huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên – Huế) trống trơn, chỉ có hai chiếc giường là tài sản. Tiếng ú ớ của người con nằm một chỗ trên chiếc chiếu ngay giữa nhà, báo cho mẹ biết nhà đang có khách. Mẹ sinh anh Kê Văn Pắc năm 1988. Chưa khi nào Pắc phát âm rõ một lời vì cái lưỡi luôn lè to ra, chân tay co rút, người không thành hình người, không tự ăn, chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều được mẹ làm thay.

Mỗi khi chị Duyên khát nước, cậu em trai 5 tuổi là người tiếp tế khi mẹ không có ở nhà.
“Mấy hôm mẹ nằm viện cắt khối u, nghĩ đến chuyện cho Pắc ăn cơm mà mẹ chỉ muốn trốn viện về với con thôi. Nhà có đứa em gái nhưng nó còn quá nhỏ để cho ăn. Pắc ăn là quậy lắm, vì cái lưỡi luôn lè ra, nên khi ăn, cơm không vào miệng mà đổ ra ngoài. Mẹ phải lấy tay đè lấy đầu của Pắc mới đưa cơm vào miệng của con được”. Không biết bao nhiêu nước mắt của mẹ đã lăn dài theo nỗi đau cùng đứa con.
Nhìn những chiếc khăn đã rách nát phơi đầy ngoài dậu, tôi ngạc nhiên hỏi “Khăn làm gì mà nhiều vậy mẹ?”, “Để nhét vào miệng nó trước mỗi tối đi ngủ đó con”. Thấy tôi ngạc nhiên, mẹ kể: “Khi vui vẻ thì không sao, nhưng khi bực tức một điều gì, Pắc chỉ biết la hét.
Nửa đêm, khi Pắc ngủ rất hay nằm mớ, Pắc cong người lại, đạp vào người mẹ, không tự làm chủ được cái lưỡi của mình, nếu không nhét khăn vào miệng, Pắc sẽ tự cắn vào lưỡi, máu chảy cả tối, người tím tái. Không còn cách nào khác, 10 năm nay mẹ đành phải nhét khăn vào miệng của nó”. Khi con yên giấc, mẹ trằn trọc. Khi mẹ mệt thiếp đi, con lại thức giấc. Hai mươi năm qua, chưa đêm nào người mẹ này được tròn giấc ngủ.
Cùng ở huyện A Lưới, cũng hoàn cảnh như mẹ Kăn Lay là mẹ Nguyễn Thị Hồng ở tổ 4 khu vực I thị trấn A Lưới. Con gái mẹ - cô Nguyễn Thị Hồng Duyên đã 23 tuổi mà vẫn như một đứa trẻ. Mẹ Hồng tâm sự: “Khi sinh ra, vì thiếu tháng nên hộp sọ của Duyên cứ phập phều. Nghĩ con mình thiếu tháng nên vậy, nhưng càng lớn, không những hộp sọ không cứng được, mà chân tay cũng không thể tự điều khiển. Sau này mới biết con mình bị nhiễm chất độc da cam...”.

Mẹ Kăn Lay đau đớn nhét khăn vào miệng cho anh Kê Văn Pắc.
Cô gái tuổi 23 này nằm bất động trên giường, mọi hoạt động đều nhờ vào đôi tay người mẹ. “Ngày trở thành con gái, con bé khóc rất to. Mẹ rất mừng, nhưng chạnh lòng nghĩ đến chuyện chồng con của con, buồn thắt ruột”. Tháng 6-2008, cô gái bất hạnh này lại nhận thêm một nỗi đau lớn: bị u nang buồng trứng. Cả gia đình phải chuyển về tạm trú ở bệnh viện…
Mỗi lần con nằm viện, những thứ trong nhà lại lần lượt đội nón ra đi. “Mẹ chỉ mong đừng có bệnh tật nào đến với Duyên nữa. Con gái mà đi nằm viện còn nhiều hơn nằm nhà. Mấy năm trước mẹ có đưa đi phục hồi chức năng, nhưng 1 tháng tại bệnh viện, các cô y tá, bác sĩ cũng… lắc đầu”.
Còn đó bao trăn trở
Để có tiền duy trì cuộc sống của ba mẹ con, cô em gái của Kê Văn Pắc là Kê Thị Đe, 16 tuổi, phải bỏ học từ rất sớm, thay mẹ lên núi mót củi. Một ngày của Đe bắt đầu từ 5 giờ sáng, đi bộ hơn 7km đường rừng, mót củi gùi về nhà vào lúc chập choạng tối. Những ngày mùa, vừa phải ra ruộng, vừa phải kiếm củi, công việc càng nặng nhọc hơn.
Đe tâm sự: “Nhìn anh Pắc như rứa tội lắm, suốt ngày mẹ cứ phải chạy ngược chạy xuôi theo anh. Ăn cơm mẹ phải đút, uống nước mẹ phải bưng, đi ngoài mẹ phải lau rửa. Đáng ra tuổi như mẹ phải được nghỉ ngơi, nhưng chưa đêm nào em thấy mẹ được ngủ một giấc ngon lành. Anh Pắc rất thích ăn cá, mỗi khi có tiền, em đều mua cho anh ấy ăn. Mẹ nói chừ con thương anh được chừng nào thì mẹ vui chừng đó, vì mẹ đã già rồi, không thể ở mãi để chăm anh”. Nói đến đây, cô gái quay mặt chạy ra ngoài để giấu đi những giọt nước mắt.
Ngôi nhà không một vật gì đáng giá nhưng tình yêu thương và đức hy sinh của người làm mẹ, làm em thật lớn lao. Khi Đe quay trở lại, đôi mắt đỏ hoe, miệng gượng nở nụ cười nhưng không giấu được sự lo lắng trong đôi mắt. “Biết mình lành lặn là may mắn hơn anh, nhưng em là con gái, em sẽ lấy chồng, nếu một mai mẹ mất đi, không biết ai chăm anh nữa, nhiều đêm thấy mẹ ngồi khóc mà em chẳng biết làm răng được. Lòng đau lắm”, Đe thủ thỉ với tôi.
Tình yêu thương một ngày một lớn, nhưng tuổi già thì ngày một đến gần hơn, không chỉ với mẹ Kăn Lay. Ngồi chải tóc cho con gái, mẹ Hồng tâm sự “Bây chừ mẹ còn sức, mẹ còn chăm được con. Cứ nghĩ đến nỗi đau mà con đang mang trên mình, không biết khi chết mẹ có nhắm mắt được không?”.
Nhìn những đôi mắt thâm quầng của hai người mẹ sau bao đêm dài không trọn giấc ngủ, tôi chỉ biết thở dài. Nỗi đau da cam vẫn chưa vơi trên đại ngàn A Lưới ª
DƯƠNG THÙY UYÊN