Nối duyên thiện ở chùa


Ông tên Nguyễn Văn E (thường được gọi là Ba E, 68 tuổi), là cư sĩ quản lý Phước Bửu tự ở xóm Rạch Chùa (ấp Tân Lộc A, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Đúng như cái tên mộc mạc cha mẹ đặt cho, ông rất e dè, ngần ngại khi nói về việc thiện của mình. 
Ông Ba E (bìa trái) cùng cô bác thiện nguyện ở cơ sở thuốc nam Phước Bửu tự
Ông Ba E (bìa trái) cùng cô bác thiện nguyện ở cơ sở thuốc nam Phước Bửu tự

Ông tâm sự: “Tôi chẳng có gì cả! Tất cả đều của bà con đóng góp cho tôi có phương tiện thực hiện tâm nguyện của mình. Dù làm phước trả ơn đời hay chỉ mới bắt đầu gieo hạt, nhưng ngày nào không làm thuốc là ngày ấy tôi, buồn lắm”.  

Hơn 60 năm qua, Phước Bửu tự từng ghi dấu công đức của các bậc cao tăng khám bệnh, hốt thuốc cứu người; hiện nơi đây vẫn là cơ sở cung ứng thuốc nam cho các nơi trong và ngoài tỉnh. Với ông Nguyễn Văn E, gần 40 năm âm thầm lặn lội, việc làm của một cư sĩ thuần nông đã có sức lay động lòng nhân ái của mọi  người xung quanh, để rồi từ chỗ thờ ơ, nhiều người đã cảm kích, trân trọng và đồng hành ông trên những ngã đường thiện nguyện. 

Lúc nhỏ, ông E thường đến chùa phụ tiếp cô bác phơi thuốc. Từ năm 1981, ông tranh thủ lúc nông nhàn một mình đi tầm thuốc nam mang về chùa chặt phơi. Nhìn trời mà canh giờ phơi gom thuốc, nhìn con nước mà đi, nước lớn thì chèo ghe tam bản 1,4m vào những con rạch hoang sơ hun hút; nước ròng thì cho ghe về với đầy ắp cỏ cây đồng nội.

Thấy ông gò lưng cặm cụi bào từng lát thuốc bằng dao bào thủ công, suốt ngày chỉ được 2 bao thuốc, bà con rủ nhau hùn tiền mua dao xắt thuốc, vật liệu cần thiết rồi bàn bạc tự chế một máy làm thuốc “2 trong 1” vừa chặt vừa bào thuốc. Ngày khai trương khởi động máy vui như hội, bà con kẻ công người của nô nức đến chùa nấu ăn, tham gia tìm hiểu cách sử dụng máy, hẹn nhau đến chặt và phơi thuốc. Từ đó, ngôi chùa quê đạm bạc mỗi ngày có hơn 20 người đến chặt, phơi thuốc. Đủ mọi giới, từ các bà các chị sau giờ tan chợ về, những giáo viên tranh thủ dịp hè hay buổi nghỉ dạy ở trường, cho đến anh em lao động bình dân vùng lân cận… cũng thường có mặt ở nơi thiện nguyện. 

Cũng như những ngôi tịnh độ đơn sơ đạm bạc, Phước Bửu tự không có nguồn thu nhập ổn định. Chút tịnh tài của cô bác làm công quả đều được dành dụm làm chi phí cho mỗi chuyến tầm thuốc, dè sẻn lắm mới tạm đủ lo những đợt tầm thuốc xa tận Bến Tre, Long An, miệt núi An Giang… Tiền của chúng sanh được sử dụng vào mục đích độ sinh là tâm nguyện không chỉ của ông Ba E, mà là của cả tập thể cô bác thiện nguyện ở một góc quê Đồng Tháp, dưới những manh áo giản dị luôn đầy ắp những tấm lòng son…

Tin cùng chuyên mục