Nơi gặp gỡ những tấm lòng

Người từ Hà Nội, người từ TPHCM, TP Vinh,... cùng gặp nhau đầu nguồn sông Nậm Nơn, tại bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Có lẽ, nếu không có tấm lòng, không có trách nhiệm vì cộng đồng,... thì chẳng ai tới nơi được xem là thâm sơn cùng cốc này. Nhưng, từ “kết nối” của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (NTTS) - Báo SGGP, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An, Công ty CP Sáng Ban Mai (SBMPower),... đã cùng về bản Huồi Bắc, đem đến cho bà con người Khơ Mú, người Thái,... một trạm quân dân y đầy ý nghĩa.
Nơi gặp gỡ những tấm lòng

Người từ Hà Nội, người từ TPHCM, TP Vinh,... cùng gặp nhau đầu nguồn sông Nậm Nơn, tại bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Có lẽ, nếu không có tấm lòng, không có trách nhiệm vì cộng đồng,... thì chẳng ai tới nơi được xem là thâm sơn cùng cốc này. Nhưng, từ “kết nối” của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (NTTS) - Báo SGGP, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An, Công ty CP Sáng Ban Mai (SBMPower),... đã cùng về bản Huồi Bắc, đem đến cho bà con người Khơ Mú, người Thái,... một trạm quân dân y đầy ý nghĩa.

        Chuyến đi nghĩa tình

Thời điểm khánh thành Trạm Quân dân y thời tiết rất xấu do ảnh hưởng của bão số 6. Trước đó một ngày, đoàn cán bộ của Vietinbank và một số anh em của BĐBP Nghệ An đã phải lên trước “tiền trạm”. Đại tá Nguyễn Việt Hà, Phó Chính ủy BĐBP Nghệ An, đại diện Chương trình NTTS và Công ty SBMPower “hành quân” sau. Và quả như dự tính, đoàn đã phải rất trầy trật mới lên được trung tâm xã Bắc Lý. Từ trung tâm xã đi vào Huồi Bắc, dù chỉ một quãng đường tầm 10km nhưng vô cùng gian nan. Đến khe Huồi Xiến (bản Puộc), một xe trong đoàn không thể vượt qua vì nước chảy xiết. Đang loay hoay không biết làm thế nào, bất ngờ bà con trong bản chạy ra. Không quản quần áo bị ướt, bị bẩn, cánh đàn ông đã nhảy xuống nước đẩy xe, còn phụ nữ và trẻ em đứng trên bờ reo hò cổ vũ. Tình cảm của người dân nơi đây thật khó nói thành lời. Nhưng đi thêm được một đoạn thì xe sa lầy. Anh em phải lội bộ, sau đó mấy chiến sĩ biên phòng dùng xe máy chở từng người một vào. Vào đến nơi, định gặp anh Hòa, đại diện đơn vị thi công, để hỏi về những khó khăn khi xây dựng công trình nơi thâm sơn cùng cốc này. Giật mình khi biết anh bị thương chưa khỏi nên không thể lên được.

Trước đó, trong một lần vận chuyển vật liệu, máy móc lên điểm xây dựng, anh đã gặp tai nạn trên dốc bản Puộc. Khi ấy, vì phía sau thùng xe bán tải chở đầy vật liệu, dốc nhiều nên anh đưa bộ máy thủy bình lên buồng lái. Khi xe đang leo dốc thì bất ngờ bị tuột xuống, đuôi lao vào vách núi. Chiếc máy thủy bình đã “ép dội” vào người khiến anh bị gãy và rạn 5 xương sườn.

Bà con chờ đến phiên khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tại trạm xá Huồi Bắc.

Bà con chờ đến phiên khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tại trạm xá Huồi Bắc.

Trạm Quân dân y Huồi Bắc có được thực sự là “kết nối” của những tấm lòng. Tháng 1-2013, anh Trần Thành Trọng, Giám đốc Công ty SBMPower cùng Chương trình NTTS đi trao quà trên vùng “cổng trời” Mường Ải của Nghệ An. Theo lịch, ngay sau khi trao quà xong ở đây, anh Trọng sẽ phải về ngay vì bận công việc, thời điểm cũng đã áp tết. Khi ấy, anh Đức Quang, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Chương trình NTTS tâm sự: Khu vực đầu nguồn sông Nậm Nơn có xã Bắc Lý, Đoọc Mạy của huyện Kỳ Sơn là nơi đặc biệt khó khăn của Nghệ An. Nơi mà người dân chưa biết đến điện, ti vi, điện thoại,... là gì. Bà con thiếu thốn đủ bề, trong đó đặc biệt là việc khám chữa bệnh. Trước đề nghị của BĐBP Nghệ An, Vietinbank đã quyết định thông qua Chương trình NTTS của Báo SGGP xây tặng bà con một Trạm Quân dân y tại Huồi Bắc (xã Bắc Lý). Sau lời tâm sự của anh Quang, anh Trọng quyết định đi cùng đoàn vào dự lễ khởi công. Đến nơi, chứng kiến cảnh người lớn thì ốm yếu, trẻ con nheo nhóc,... anh Trọng đã quyết định tặng ngay Trạm Quân dân y một máy phát điện để phục vụ công tác khám chữa bệnh được thuận lợi.

        Niềm vui giữa rừng già

Sáng sớm ngày Trạm Quân dân y Huồi Bắc làm lễ khánh thành, bác Moong Văn Quế, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bắc Lý vào từ rất sớm. Bác nhờ xe đi một đoạn rồi cuốc bộ vào Huồi Bắc. Bác Quế cho biết, hội của bác hiện nay có 400 người, do thói quen nên “lười khám bệnh”. Khi đau ốm chỉ biết cúng ma, rồi dùng thuốc nam. Bị bệnh nhẹ thì dễ khỏi, còn bệnh nặng chắc... chết. Bác Quế nói như kêu lên: “Ơ, ta có cái trạm y tế chữa bệnh rồi. Mừng nhất là bọn trẻ con, rồi đến người già. Người già ốm chết cũng tiếc, nhưng con nít ốm chết... tiếc hơn”. Đúng như lời bác Quế, Trạm Quân dân y xuất hiện ngay giữa lòng rừng già ngoài “tưởng tượng” của bà con. Và có chứng kiến cảnh bà con chen nhau để được khám bệnh, cấp thuốc mới thấy cái “khát” sức khỏe của bà con thế nào. Hiểu được điều đó, trước ngày lễ khánh thành, một đoàn y bác sĩ của BĐBP Nghệ An đã vào khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con. Thượng úy Trần Nam Thắng - Bệnh xá trưởng Bệnh xá Tiểu khu 50, cho biết: “Qua thăm khám, thấy bà con nơi đây nhiều người bị bệnh về hô hấp, tiếp đến là bệnh về vai gáy do lao động nặng nhọc, gùi cõng hàng... Việc Trạm Quân dân y được xây dựng tại đây không chỉ có ý nghĩa về việc chăm sóc sức khỏe cho bà con, mà còn thuận lợi cho công tác của quân y chúng tôi, qua đó tăng cường đoàn kết với nhân dân...”.

Gặp lại ông Cụt Phò Dương, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý. Ông Dương không giấu nổi niềm vui, miệng luôn nói: “Mừng lắm các anh, cảm ơn các anh”. Trạm Quân dân y được xây dựng tại Huồi Bắc sẽ trực tiếp khám, chữa bệnh cho trên 3.000 dân của 6 bản thuộc xã Bắc Lý là bản Puộc, Nhọt Kho, Keo Pà Tú, Nom Thang, Chang Nga, Keo Nam; 2 bản của xã Đoọc Mạy là Huồi Khờ và Noọng Hạn. “Hơn 80% người dân trong vùng là hộ nghèo. Mà nghèo thì đau ốm nặng không có tiền khám bệnh, đường xa muốn khám bệnh nhưng không có tiền nên không đi là chờ chết. Bây giờ khỏe rồi, mừng lắm các anh, cảm ơn các anh”. Không chỉ ông chủ tịch, mà có lẽ vui nhất chính là những người dân được khám chữa bệnh. Bà con chen nhau đông quá nên các chiến sĩ quân y đã phải cấp thuốc qua cả cửa sổ. Có trường hợp các y bác sĩ không thể nhịn được cười. Như ông Lương Bảo May (bản Huồi Bắc). Mặc dù được đo huyết áp rồi, nhưng ông cứ nằng nặc đòi “làm” cho lần nữa vì cái tay cứ “linh tinh lang tang thích quá”. Còn bà Lương Mẹ Xen Tay sau khi nhận được thuốc thì giữ khư khư chỉ sợ người khác lấy mất. Bà bảo: “Bà mang về nhà uống thôi, khỏe rồi”. Ông Moong Phò Lanh, Bí thư Chi bộ bản Huồi Bắc, thật thà khoe: “Trạm Quân dân y làm xong dân mình thích lắm. Buổi tối ra đây chơi có điện sáng này, sạch hơn nhà mình này, bọn con nít nằm xuống cái gạch dưới chân cũng thích này. Từ nay dân mình không dùng thuốc nam nữa, dùng thuốc của bộ đội thôi”.

Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng đã hoạt động được gần 5 năm và đã vận động tài trợ được hơn 130 tỷ đồng từ các đơn vị tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Với số tiền này, chương trình đã triển khai xây dựng và tổ chức trao tặng 1.340 căn nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình tại 44 tỉnh thành trong cả nước; 27 công trình dân sinh gồm 1 bản Văn hóa - Di tích Lịch sử làng Ho tại Quảng Bình, 17 trạm quân dân y tại các tỉnh dọc Trường Sơn, 1 nhà bán trú dân nuôi, 1 điểm trường mẫu giáo, 1 trường tiểu học, 4 đền đài, 2 cây cầu cùng nhiều phần quà tết có giá trị…

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục