Sau khi Công ty TNHH 30-4 Gia Lai dừng chủ trương khảo sát, đầu tư thủy điện trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang, Gia Lai), vừa qua, tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Chính phủ không cho triển khai dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 (do Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư) vì có thể “nuốt” hàng trăm hécta rừng trong khu bảo tồn này.
Lo sợ giống An Khê - Ka Nak
Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 2 có công suất 80MW, dự kiến xây dựng trên địa bàn huyện Kbang (Gia Lai) và huyện An Lão (Bình Định). Thủy điện có 2 hồ chứa, một hồ ở suối Say (Khu bảo tồn Kon Chư Răng, huyện Kbang) và hồ chứa ở hồ Đắk Kron Bung (Bình Định). Hồ chứa ở suối Say dẫn nước về hồ chứa Đắk Kron Bung thông qua hệ thống đường hầm để đưa đến nhà máy phát điện. Theo đại diện chủ đầu tư, dự án thủy điện này đã được phê duyệt quy hoạch, hiện đang lập dự án đầu tư và UBND tỉnh Bình Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tại Gia Lai, do quá trình lập dự án đầu tư đã không đạt được thỏa thuận nên dù dự án có kế hoạch xây dựng từ lâu nhưng chưa thể triển khai được. Mới đây, tỉnh Gia Lai đã có văn bản kiến nghị Chính phủ không cho xây dựng thủy điện này, bởi dự án khi xây dựng sẽ gây ngập lòng hồ 265ha rừng Khu Bảo tồn Kon Chư Răng. Ngoài ra, việc chuyển nước từ suối Say của tỉnh Gia Lai sang hồ Đắk Kron Bung của Bình Định sẽ làm cạn kiệt 10km dòng suối Say trong mùa khô... gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, động thực vật của Khu bảo tồn và cả khu vực đầu nguồn sông Côn thuộc tỉnh Gia Lai.
Nếu xây dựng Thủy điện Vĩnh Sơn 2, dòng suối Say này sẽ khô cạn (Ảnh: DOÃN VINH)
Thủy điện Vĩnh Sơn 2 cũng xây dựng theo kiểu chuyển nước như Thủy điện An Khê - Ka Nak, công trình mà đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành phát biểu giữa nghị trường là “công trình sai lầm thế kỷ”. Hệ quả của nó là gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng ở hạ lưu sông Ba bao gồm 7 huyện với 450.000 người dân sinh sống, sản xuất. Ảnh hưởng của Thủy điện An Khê - Ka Nak đã được tỉnh Gia Lai báo cáo với 2 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng trong những buổi làm việc mới đây. Trong văn bản gửi Chính phủ, tỉnh Gia Lai cũng nhắc hệ lụy mà Thủy điện An Khê - Ka Nak gây ra như là luận cứ để tỉnh này cương quyết nói không với Thủy điện Vĩnh Sơn 2. Ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Ngoài chuyện ảnh hưởng đến rừng của khu bảo tồn thì việc chuyển dòng sẽ ảnh hưởng đến hạ du nên tỉnh không đồng ý”.
Tác động đến rừng nguyên sinh
Trước dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 2, nhiều dự án thủy điện khác cũng xin được xây tại Khu bảo tồn Kon Chư Răng, nơi có độ che phủ rừng lên đến 98,5% nhưng không thành công. Ghi nhận tại khu bảo tồn này, hai bên đường đi, cây rừng to bằng 2 - 3 người ôm nằm dày đặc. Tiếp tục di chuyển thêm đoạn dài, sẽ đến được con thác hùng vĩ K50, được mệnh danh là con thác đẹp nhất Tây Nguyên. Từ trên cao, dòng nước trong xanh chảy trắng xóa xuống suối. Ông Phạm Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết, quan điểm của huyện là không đồng tình cho xây dựng thủy điện này. Lý do thứ nhất là Khu bảo tồn là rừng nguyên sinh rất quý, phải bảo vệ để giữ nguồn gen. Ngoài ra khu bảo tồn cũng có thác K50 liên quan đến du lịch và nhiều vấn đề khác.
Đánh giá về việc xây dựng thủy điện hiện nay, PGS-TS Bảo Huy, Khoa Nông lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên, cho biết, thực tế cho thấy, ở Việt Nam những năm qua, việc xây dựng thủy điện chủ yếu chạy theo lợi nhuận, nhiều khi bất chấp các tác động của nó. Một thủy điện xây dựng không hợp lý sẽ gây ra việc mất cân bằng thủy văn, gây hạn hán mùa khô, lũ lụt mùa mưa; mất cân bằng sinh học các loài, chuỗi thức ăn của hệ sinh thái tự nhiên gồm sông suối, rừng; có thể làm biến mất một số loài đặc hữu như cá, động vật, chim, ếch nhái… khác và dần đến suy kiệt rừng, sinh cảnh tự nhiên; làm mất sinh kế, đời sống của hàng triệu cư dân sống dựa vào hệ thủy văn. “Cho đến nay, thủy điện đã vắt kiệt các dòng sông. Thủy điện xây dựng làm chia cắt, manh mún hệ thống sinh thái, thủy văn. Vì vậy khi làm thủy điện, các bộ ngành, địa phương cần quan tâm và hết sức thận trọng, không thể làm với mọi giá”, PGS-TS Bảo Huy nói.
VÕ PHÚC