Dù luật pháp nghiêm cấm nhưng ở nước ta nạn tảo hôn vẫn chưa dứt. Chẳng những ở người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa với nhiều hủ tục lạc hậu, mà ngay cả những nơi miền xuôi có nền văn hóa tiến bộ vẫn thế. Điều đáng trách là chính người lớn đã tiếp tay cho việc vi phạm pháp luật này.
Như trong năm qua, ông Lê Công Quẩn, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Tân (tỉnh Cà Mau), đã gả con gái mình khi vừa học xong lớp 10 (sinh năm 1998), trong khi chú rể chỉ vừa học xong lớp 11. Điều đáng nói là hôn lễ lại được tổ chức rình rang ngay tại cơ quan. Hay ông Nguyễn Văn Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Quang, huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh), đã cưới cho cậu quý tử của mình cô dâu chỉ vừa tròn 14 tuổi (sinh năm 2001). Họ là những cán bộ, am tường luật nhưng vẫn cố làm ngơ để cho con mình tảo hôn càng đáng trách.
Các em còn nhỏ tuổi, sức khỏe về thể chất cũng như tinh thần chưa phát triển toàn vẹn. Vì vậy, việc kết hôn sớm dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ cũng như mối quan hệ gia đình thường bị xáo trộn, cãi vã (vì trẻ con chưa suy nghĩ chín chắn). Hãy để cho các em học hành đến nơi đến chốn, hoặc có một nghề nghiệp ổn định để làm hành trang xây dựng cho tổ ấm tương lai của mình. Một khi đủ tuổi kết hôn, kinh tế ổn định thì gia đình mới đầm ấm, có trật tự. Như thế xã hội cũng phát triển toàn vẹn.
Vì thế, chính quyền địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, vận động cha mẹ giáo dục con cái hướng đến những hoạt động tích cực, vui chơi lành mạnh. Tránh phát sinh các vấn đề tình cảm dẫn đến quan hệ tiền hôn nhân rồi sinh ra nạn tảo hôn. Ở giai đoạn chuyển tiếp của tuổi dậy thì, trẻ có nhiều thay đổi về thể chất cũng như tinh thần nên phụ huynh cần quan tâm đặc biệt để con cái bước qua một cách lành mạnh.
NGUYỄN THANH VŨ