Nơi lá cờ thắm máu

Một
Nơi lá cờ thắm máu

Một

Vậy là mảnh đất chiến trường xưa lại càng trở nên thân thuộc và gắn bó với tôi từ ngày ấy - cái ngày chúng tôi tìm được mộ em trai do con chim Chơ rao trên đỉnh núi Tây Nguyên mách bảo. Thú thực, chưa bao giờ tôi dám nghĩ mình có thể trả lời được câu hỏi của mẹ…

Năm 1970, rời ghế nhà trường, tôi lên đường vào Nam chiến đấu khi vừa bước sang tuổi 18. Hai năm sau, em trai tôi nhập ngũ và cũng hành quân vào mặt trận phía Nam. Sau chiến tranh, tôi trở về, còn em trai tôi không bao giờ về nữa. Vì vậy, lần nào tôi về phép, mẹ cũng hỏi tôi: Con về còn em con đâu? Câu hỏi canh cánh như một món nợ mà chẳng bao giờ tôi có thể trả được. Rồi một ngày kia, cơ duyên từ thông tin của đồng đội và sự mách bảo của con chim Chơ rao trên đỉnh núi Tây Nguyên qua nhà ngoại cảm, tôi đã tìm thấy mộ em trai nơi một nghĩa trang có số mộ liệt sĩ lớn nhất nhì trên đất Tây Nguyên.

Những ngày đi tìm mộ em, tôi có cảm giác lạ lùng của một người có khả năng cảm nhận được thế giới vô hình. Chính con chim Chơ rao đến từ ngọn thác ào ào chảy xiết trên quê hương của Anh hùng Núp, của trường ca Đam San - Xinh Nhã đã mách bảo chúng tôi. Tôi còn nhớ như in nén nhang cong, quả trứng gà đứng trên đầu đũa và bóng con chim Chơ rao cứ như cánh diều chao liệng dẫn đường cho chúng tôi. Bất giác, tôi nhận ra, chính trên mảnh đất này, cách nơi em tôi ngã xuống không xa, là nơi tôi đã từng giơ cao cánh tay, tuyên thệ dưới cờ Đảng: “Nguyện suốt đời hy sinh phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Tôi đã mang cảm xúc và ký ức ấy tâm sự với thủ trưởng cũ của tôi - một vị đại tá về hưu vừa bước qua tuổi bát tuần. Cách đây gần 40 năm, khi còn là một đại úy trẻ, với cương vị chính trị viên, bí thư đảng ủy tiểu đoàn, ông đã ký quyết định kết nạp tôi vào Đảng.

Lúc ấy, giữa cánh rừng đại ngàn Trường Sơn, không có đủ điều kiện để làm một buổi lễ kết nạp Đảng long trọng theo đúng nghi thức nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy thiêng liêng lắm. Tôi có ngờ đâu, chính trên mảnh đất mà tôi được vinh dự đứng vào hàng ngũ những người cộng sản, là nơi em trai tôi đã gửi lại tuổi hai mươi. Trong giấc mơ, chính con chim Chơ rao đã mách bảo dòng suối nơi em tôi ngã xuống. Ở đầu nguồn suối tung bọt trắng xóa mà cuối nguồn, nước cứ đỏ tươi như có máu.

Hai

Có phải thế không, khi thay mặt cho đơn vị đứng lên phát biểu trong chương trình gala “Nghĩa tình Trường Sơn”, tôi như người mộng du. Rõ ràng, bằng cảm giác của một người có khả năng cảm nhận thế giới vô hình, đêm ấy, tôi thấy em trai tôi và các đồng đội từ núi rừng Tây Nguyên trở về. Họ nói cười lao xao trong tiếng gió và tiếng quân nhạc trầm hùng…

Đêm gala “Nghĩa tình Trường Sơn” thật ấm áp thiêng liêng và kết quả thu được ngoài cả sự mong đợi. Kết quả ấy không chỉ thể hiện bởi số tiền tự nguyện đóng góp của các doanh nghiệp và bạn đọc lên tới trên 50 tỷ đồng để xây dựng các tượng đài và công trình văn hóa trên chiến trường xưa, mà còn ở tình người - sự tri ân của những người đang sống đối với những người con ưu tú đã hy sinh vì đất nước.

Tôi nghĩ đến em trai của tôi. Chắc là nơi chín suối, cùng với đồng đội, em trai tôi sẽ mỉm cười, toại nguyện. Rồi đây các tượng đài liệt sĩ, các công trình văn hóa sẽ mọc lên trên đất Tây Nguyên. Hương hồn các liệt sĩ sẽ có nơi ấm áp. Sự nghiệp cách mạng do Đảng, Bác Hồ dẫn đường, chỉ lối không chỉ có những người đảng viên thực hiện mà cả dân tộc ta đã vào cuộc, trong đó có những người chiến sĩ trẻ, chưa phải là đảng viên như em trai của tôi.

Lá cờ Đảng giữa chiến hào và những nhành lan rừng Trường Sơn trong buổi lễ kết nạp tôi vào Đảng gần 40 năm trước, cứ ẩn hiện đâu đây trong ký ức của tôi. Đêm gala “Nghĩa tình Trường Sơn”, lá cờ ấy, nhành hoa ấy cứ thấp thoáng trong bóng dáng của đồng đội và em trai tôi. Tôi có cảm giác của một người vừa vượt qua chặng đường hành quân đầy gian khổ. Chắc là Nguyễn Đức và những đồng đội cũ của tôi cũng có chung cảm giác ấy.

Ba

Ông là một trong những người chỉ huy lừng danh của núi rừng Trường Sơn thuở ấy - thuở tôi giơ cao cánh tay học trò tuyên thệ trước lá cờ của Đảng. Bây giờ đã bước sang tuổi bát tuần, ông vẫn còn tráng kiện và minh mẫn lắm.

Trong đêm gala “Nghĩa tình Trường Sơn”, ông kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm về Trường Sơn gắn với câu chuyện tình của một cô gái văn công và anh chiến sĩ Trường Sơn. Cô gái sắp bước ra sân khấu hát thì nghe tin người yêu mình hy sinh. Thế mà cô vẫn cứ hát như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ có điều, cô hát trong nước mắt. Câu chuyện của ông đêm ấy, không chỉ có cô văn công hát trong nước mắt mà dường như hàng ngàn người trong khán phòng và hàng triệu người trước màn ảnh nhỏ cũng khóc cùng cô văn công và ông tướng của con đường Trường Sơn huyền thoại.

Sáng nay, ông cùng hai người đồng đội cũ đến tìm chúng tôi với mô hình tượng đài bộ đội Trường Sơn. Tôi nhận ra khối tượng đài do đôi vợ chồng nghệ sĩ tài hoa Kim Thanh và Nguyễn Sang phác thảo. Ông xúc động nói: “Chúng ta sẽ phối hợp xây tượng đài này và dựng ở Trường Sơn”. Hai bàn tay ông run run, mân mê từng đường cong trên mô hình đồng đội. Một chiến sĩ pháo binh, một chiến sĩ lái xe và cả cô gái thanh niên xung phong nữa. Lại bằng cảm giác của một người có khả năng nhận biết được thế giới vô hình, tôi thấy có bóng dáng em trai tôi và lá cờ Đảng, nhánh lan rừng trong khối tượng đài vừa như thực như mơ.

Rồi đây tượng đài những chiến sĩ Trường Sơn sẽ được dựng lên ở chính nơi mà các chiến sĩ Trường Sơn đã ngã xuống - nơi lá cờ thắm máu. Những người đang sống ý thức được việc làm mang thông điệp tri ân của mình.

“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”

Hai câu thơ, đôi câu đối ấy cứ văng vẳng bên tai tôi, nhân ngày kỷ niệm gần 40 năm vào Đảng.

Tùy bút của Trần Thế Tuyển
TPHCM, 24-1-2010

Tin cùng chuyên mục