Nơi làm thủy điện là “rừng nghèo tái sinh’’?

Nơi làm thủy điện là “rừng nghèo tái sinh’’?

Thủy điện Tây Nguyên ''hại rừng, giết sông''

>> Không thể làm với mọi giá

Mặc dù khu vực làm nhà máy thủy điện (NMTĐ) Đrăng Phốk thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn, nhưng lãnh đạo tiền nhiệm của tỉnh Đắk Lắk và Bộ NN-PTNT cho rằng khu vực này thuộc loại ‘’rừng nghèo đang tái sinh’’. Vì thế, tỉnh Đắk Lắk và Bộ NN-PTNT đã đề nghị Chính phủ cho phép Công ty CP Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới - TECCO (TPHCM) chuyển đổi 63ha rừng đặc dụng của VQG Yok Đôn để xây dựng NMTĐ Đrăng Phốk.

Ảnh hưởng không lớn?

Như Báo SGGP đã phản ánh trong bài Đánh đổi rừng đặc dụng, vào năm 2007, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho TECCO khảo sát lập dự án NMTĐ Đrăng Phốk với công suất 28MW tại tiểu khu 430, 431 và 451, thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Yok Đôn. Đến năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép TECCO lập dự án đầu tư xây dựng NMTĐ Đrăng Phốk.

Dự kiến, diện tích rừng đặc dụng phải chuyển đổi làm NMTĐ này khoảng 63ha, trong đó diện tích chuyển đổi vĩnh viễn khoảng 53ha (trải dài theo 9km bờ sông Srêpốk) và chuyển đổi tạm thời 10ha. Vào ngày 20-4, chúng tôi cùng lực lượng kiểm lâm VQG Yok Đôn tiếp tục trở lại khu vực xây dựng NMTĐ Đrăng Phốk và nhận thấy khu vực xây dựng NMTĐ Đrăng Phốk có hệ sinh thái rừng khộp đa dạng với rất nhiều loại gỗ quý.

Khu vực dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phốk có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại gỗ quý

Trước đó, vào ngày 25-6-2009, Sở Công thương Đắk Lắk đã chủ trì cuộc họp bàn với các sở ngành liên quan để giải quyết vấn đề bổ sung quy hoạch và sử dụng diện tích rừng của dự án NMTĐ Đrăng Phốk. Sau cuộc họp, các sở ngành tỉnh Đắk Lắk cho rằng dự án thủy điện này có công suất khá lớn 28MW (cung cấp khoảng 100 triệu kWh điện/năm), nhưng “ảnh hưởng của công trình tới môi trường và dân sinh không lớn...’’? Vì thế, họ đã thống nhất chủ trương kiến nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT, Chính phủ cho chuyển đổi 63ha rừng đặc dụng VQG Yok Đôn và đề nghị Bộ Công thương bổ sung dự án này vào quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng sông Srêpốk.  

 

Chỉ còn chuyển đổi hơn 28ha rừng đặc dụng?

Ngày 21-4, ông Phạm Thái, Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, cho biết vừa có công văn báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk về tình hình, thủ tục triển khai thực hiện dự án NMTĐ Đăng Phốk. Theo báo cáo, hiện công suất của NMTĐ này giảm còn 26MW và diện tích rừng đặc dụng VQG Yok Đôn phải chuyển đổi làm dự án này chỉ còn 28,88ha, thuộc tiểu khu 431, 451 của VQG Yok Đôn.

''Hiện chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đang lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án để trình Bộ TN-MT thẩm định, phê duyệt. Dự án sẽ được tiếp tục triển khai sau khi Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, nếu báo cáo này không được phê duyệt thì dự án sẽ không thực hiện’’, ông Phạm Thái cho hay..

 

Tại công văn số 3069/UBND-CN gửi Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT vào ngày 6-7-2009, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề xuất cho chuyển đổi rừng đặc dụng VQG Yok Đôn và bổ sung quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng sông Srêpốk.

Tại công văn này, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng diện tích chuyển đổi làm NMTĐ Đrăng Phốk ở VQG Yok Đôn “thuộc loại rừng nghèo đang tái sinh’’? Đến ngày 6-8-2009, Bộ NN-PTNT đã có công văn số 2326/BNN-KL gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho chuyển đổi mục đích sử dụng 63ha rừng đặc dụng VQG Yok Đôn để làm NMTĐ Đrăng Phốk và nhận định rằng khu vực rừng làm thủy điện này là “loại rừng nghèo tái sinh sau khai thác kiệt’’?

Còn ông Nguyễn Văn Lập, đại diện chủ đầu tư dự án NMTĐ Đrăng Phốk, khẳng định dự án này không tác động nhiều đến VQG Yok Đôn và ảnh hưởng tới môi trường, hệ sinh thái là điều không thể tránh khỏi? “Chúng tôi hiểu rõ việc ảnh hưởng tới môi trường và hệ sinh thái khu vực của dự án là không thể tránh khỏi, nhưng đây là bậc thang thủy điện cuối trên đường sông Srêpốk (thuộc địa phận Việt Nam) và dự án thủy điện duy nhất ở khu vực không phải thực hiện định canh, định cư. Quá trình duyệt quy hoạch đã được các bộ, ngành Trung ương chọn phương án tối ưu và hiệu quả nhất như: nhà máy nằm dưới thân đập, chiều dài đập qua sông đoạn ngắn nhất (101m), mực nước dâng bình thường 160m (thấp hơn 1m so với bờ sông) và lòng hồ chỉ chiếm diện tích đất lòng sông’’, ông Lập lý giải.

Mất thêm 17ha rừng đặc dụng

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc VQG Yok Đôn, cho biết: Khu vực rừng đặc dụng được chuyển đổi làm NMTĐ Đrăng Phốk thuộc vùng lõi VQG Yok Đôn và đây là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt nên ‘’chỉ được lấy đi những tấm hình và để lại những dấu chân’’ mà thôi. Ông Tùng chia sẻ: ‘’Hệ sinh thái VQG Yok Đôn là hệ sinh rừng khộp đặc trưng của Việt Nam và Đông Nam Á, nếu chúng ta tác động vào lõi VQG Yok Đôn thì sẽ ảnh nhiều đến môi trường, môi sinh của hệ sinh thái này. Từ đó, ảnh hưởng đến các loại động thực vật quý hiếm và gia tăng áp lực giữ rừng cho lực lượng kiểm lâm của vườn. Sau khi báo chí phản ánh, một lãnh đạo của Bộ NN-PTNT đã gọi tôi lên báo cáo và bày tỏ quan điểm phản đối việc xây dựng thủy điện này trong VQG Yok Đôn''.

Cũng theo ông Tùng, ngoài 63ha rừng đặc dụng phải chuyển đổi xây dựng nhà máy này, VQG Yok Đôn còn phải ‘’hy sinh’’ thêm nhiều diện tích rừng đặc dụng nữa để làm đường dây truyền tải điện đi qua vườn. Với hành lang lưới điện khoảng 5m, cộng thêm chiều dài đường truyền tải điện khoảng 35km, VQG Yok Đôn sẽ phải chuyển đổi mục đích sử dụng thêm khoảng 17ha rừng đặc dụng.

Theo ông Phạm Tuấn Linh, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Yok Đôn, việc xây dựng NMTĐ Đrăng Phốk tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Yok Đôn sẽ vi phạm nhiều quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Tại khoản 16, Điều 3 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nêu rõ: ''Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn; được quản lý, bảo vệ nghiêm, chặt chẽ để theo dõi diễn biến tự nhiên của rừng''. Khoản 1, Điều 19 Nghị định 117/2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng cũng quy định: ''Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo tồn để duy trì diễn thế tự nhiên''. Còn khoản 2, Điều 7 Luật Đa dạng sinh học đã nêu những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó có cấm xây dựng công trình nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên.

CÔNG HOAN

 Dừng chủ trương khảo sát, xây dựng thủy điện giữa khu bảo tồn Kon Chư Răng

Ngày 21-4, Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản thống nhất cho Công ty TNHH 30-4 Gia Lai dừng chủ trương khảo sát, đầu tư thủy điện ở suối Say 1 và suối Say 2 trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang, Gia Lai). Cùng ngày, trao đổi với đại diện Báo SGGP qua điện thoại, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, xác nhận, quan điểm của tỉnh là dừng lại, vì dự án đụng vào vùng rừng đặc dụng. 

Trước đó, Công ty TNHH 30-4 Gia Lai xin chủ trương xây dựng dự án thủy điện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, nơi có độ che phủ rừng lên đến 98,5%. Vị trí xây 2 dự án thủy điện suối Say 1 và suối Say 2 mà chủ đầu tư đề xuất xây dựng nằm ở hạ nguồn suối Say. Thủy điện nếu được xây dựng sẽ “ngốn” của Khu bảo tồn Kon Chư Răng khoảng 25ha rừng.

VÕ PHÚC

Tin cùng chuyên mục