Nối liền nỗi nhớ

Nối liền nỗi nhớ

Suốt chuyến hải trình “Vì biển, đảo thân yêu” đến quần đảo Trường Sa của Trung ương Đoàn TNCSHCM và Quân chủng Hải quân, cứ gần đến điểm đảo nào, Trung tá Phạm Văn Hưng, Thuyền trưởng tàu HQ957 đều cho thủy thủ thông báo toàn tàu. Nội dung thông báo chỉ đơn giản là gần đến khu vực có sóng điện thoại. Anh em phóng viên cũng như các đại biểu rất phấn khởi vì nhờ đó đã chuyển tin, bài về tòa soạn và tiếp nối được thông tin với người thân ở đất liền. Sóng điện thoại chập chờn; tin, ảnh mail về lúc được, lúc không, nhưng bấy nhiêu thôi cũng đã quá đủ.

Thiếu úy Trần Xuân Lập bên các tấm ảnh của con trai và vợ. Ảnh: Đ.H.
Thiếu úy Trần Xuân Lập bên các tấm ảnh của con trai và vợ. Ảnh: Đ.H.

Khi đặt chân đến các điểm đảo, chúng tôi mới cảm nhận được sự khó khăn, gian khổ của người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc. Ăn ở cực khổ có thể vượt qua, thiếu nước có thể khắc phục nhưng thiếu thông tin thì không thể nào bù đắp được. Tại đảo Phan Vinh, chúng tôi cảm phục sự hy sinh thầm lặng và niềm mong mỏi của Thiếu úy Trần Xuân Lập.

Ngồi ngay đầu giường bên cạnh khung ảnh lớn có 6 tấm ảnh của vợ con, anh Lập cho biết: “Tôi ra đảo Phan Vinh khi vợ đang mang thai 5 tháng. Đến nay, con trai đã 18 tháng rồi nhưng tôi chưa một lần gặp cháu!”. May mà có sóng điện thoại, anh Lập đã biết tình hình tại quê nhà và nghe được giọng bập bẹ của con trai đầu lòng. Thời gian này, sóng điện thoại đã phủ khắp các đảo và góp phần hỗ trợ rất hiệu quả công tác của người lính đảo.

Khi biết chúng tôi đến từ TPHCM, các lính đảo đồng hương đều xin số để “nhờ vả” khi chúng tôi về lại đất liền. Trung úy Nguyễn Văn Hậu, bác sĩ trên đảo Tốc Tan, rất vui mừng gặp lại Thượng tá Lê Cao Thịnh, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân cảng Sài Gòn. Sau bao nhiêu năm nay mới gặp lại, các anh liên tục nhắc lại những kỷ niệm cũ và bạn bè thân quen. Cứ nhớ người nào thì các anh lại gọi điện thoại ngay cho người đó. Những cuộc trao đổi như thế diễn ra cho đến tận lúc chúng tôi rời đảo.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục