Nỗi lo biến thể virus kháng vaccine

Tờ New York Times đưa tin các chuyên gia y tế đang lo ngại biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 là B.1.526, đang lây lan nhanh tại TP New York, Mỹ, mang những đột biến có khả năng lẩn tránh vaccine, cũng như liên kết chặt chẽ hơn với tế bào.
Đeo khẩu trang vẫn là biện pháp phòng dịch hữu ích
Đeo khẩu trang vẫn là biện pháp phòng dịch hữu ích

Giãn cách và khẩu trang

Biến thể B.1.526 xuất hiện lần đầu tiên tại TP New York hồi tháng 11-2020 và hiện nay chiếm khoảng 25% hệ gene virus SARS-CoV-2 được giải trình tự gene trong tháng 2-2021. Tỷ lệ người nhiễm mới mang biến thể B.1.526 tăng nhanh trong vài tuần gần đây và số bệnh nhân mang biến thể mới này là 12%.

Bettie Steinberg, nhà nghiên cứu virus tại Viện Nghiên cứu y khoa Feinstein của mạng lưới chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận Northwell Health (Mỹ), cho biết: “Càng nhiều người mắc bệnh và càng nhiều người lây truyền virus này thì càng có nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có khả năng kháng vaccine. Đó là điều xảy ra ngẫu nhiên. Nếu không ai mắc bệnh thì sẽ không có tế bào nào trong cơ thể người sinh ra các biến thể mới”.

Tính phức tạp của các biến thể virus mới đã khiến các nhà nghiên cứu virus kinh hãi và cũng làm dấy lên lo ngại liệu các vaccine thế hệ đầu tiên có thể kiểm soát khả năng lây lan virus. Dù những vaccine này có tác dụng phòng bệnh và ngăn ngừa khả năng tử vong, nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng vaccine thực sự có thể làm tăng số lượng người mắc bệnh không triệu chứng.

John Wherry, Giám đốc Viện Miễn dịch học Penn tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), từng nhận định: “Tất cả chúng ta đều mong đợi những loại vaccine này sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm, nhưng câu trả lời đơn giản là chúng không hoàn hảo. Điều đó có nghĩa, chúng ta không thể chờ đợi quá lâu. Tôi cho rằng chúng ta cần phải thực sự tăng số lượng vaccine lên càng nhiều càng tốt và giảm khả năng lây lan của các biến chủng này”.

Các chuyên gia cũng cảnh báo người dân phải tiếp tục đeo khẩu trang và tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội sau khi tiêm chủng để ngăn virus đột biến thành nhiều biến chủng kháng thuốc hơn. Nói cách khác, các nhà khoa học sợ vaccine sẽ khiến người dân các nước mang tâm lý chủ quan. Ông Wherry nói: “Chúng ta thực sự cần duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải tiếp tục tự nhắc nhở bản thân rằng chúng ta không chỉ gây rủi ro cho chính mình mà còn khiến những người xung quanh gặp rủi ro”.

Tranh cãi “hộ chiếu vaccine”

Ý tưởng về việc sử dụng “hộ chiếu vaccine”, theo đó cho phép những người đã tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 được tự do đi lại, đang gây chia rẽ cộng đồng quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Một số quốc gia ủng hộ ý tưởng này và xem đây là lối thoát cho ngành du lịch và hàng không đang gặp khó khăn. Một số quốc gia khác lại bày tỏ nghi ngại bởi đến nay mới chỉ có một tỷ lệ nhỏ dân số thế giới được chủng ngừa.

Một số quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia vùng Vịnh có nền kinh tế dựa vào ngành du lịch đã thúc đẩy mạnh mẽ ý tưởng sử dụng hộ chiếu vaccine. Ngay từ hồi tháng 1, Hy Lạp đã kêu gọi EU cho phép những người sử dụng giấy chứng nhận đã tiêm vaccine được tự do đi lại trong khối. Hy Lạp đã ký thỏa thuận với Israel cho phép những người đã được chủng ngừa được phép đi lại giữa hai nước. Thậm chí, một số quốc gia Bắc Âu còn có bước tiến xa hơn khi Thụy Điển và Đan Mạch đã triển khai chương trình cấp giấy chứng nhận tiêm chủng điện tử để cho phép người dân xuất ngoại tham dự các sự kiện thể thao, văn hóa và dùng bữa tại các nhà hàng…

Dù vậy, đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn cho rằng hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng “hộ chiếu vaccine” bởi vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa Covid-19, trong khi nguồn cung vaccine còn hạn chế. Đến nay, mới chỉ có 222 triệu mũi vaccine đã được chủng ngừa trên toàn cầu - chủ yếu là các loại vaccine cần phải tiêm đủ 2 liều mới đạt hiệu quả tối đa - trên tổng dân số thế giới 7,8 tỷ người.

Tin cùng chuyên mục