Nỗi lo có lý

Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mustapa Mohamed ngày 21-3 nhận định, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể thất bại nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ.

Ông Mustapa cho biết ông Trump đã chỉ trích thỏa thuận thương mại này trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng và nói rằng TPP sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Theo ông Mustapa, Malaysia không muốn đưa ra dự đoán về những gì sẽ xảy ra ở Mỹ, nhưng nếu ông Trump trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo và quốc hội Mỹ không ủng hộ TPP thì hiệp định này nhiều khả năng sẽ không được thông qua.

Tờ Financial Times cũng nhận xét, không chỉ có Malaysia, giới lãnh đạo ở Nhật Bản trước đó đã cảm thấy lo ngại về khả năng tỷ phú Donald Trump có thể trở thành tổng thống Mỹ.

Là ứng cử viên sáng giá nhất tính đến thời điểm này cho vị trí đại diện đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Trump đã nhiều phen khiến Nhật Bản “hốt hoảng” vì các tuyên bố mạnh miệng liên quan đến vấn đề bất bình đẳng thương mại. Theo tiết lộ của một số quan chức Nhật, cách đây vài tháng Tokyo vẫn còn khá thoải mái với quan điểm của ông Trump về an ninh, tuy nhiên họ đang ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của ông đối với TPP, một thỏa thuận thương mại có ý nghĩa lớn đối với Thủ tướng Shinzo Abe. Nhật Bản e ngại rằng những tuyên bố của ông Trump sẽ khiến quốc hội Mỹ khó phê chuẩn hiệp định này, cho dù ai sẽ trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng. Ngoài lợi ích trực tiếp từ thương mại mở rộng, chính quyền ông Abe xem TPP là một trong những công cụ tốt nhất để buộc nền kinh tế Nhật phải tiến hành cải cách trong những lĩnh vực như nông nghiệp. Ông Kuni Miyake, Chủ tịch Viện Chính sách đối ngoại ở Tokyo, nhận định: “Tôi chỉ nhìn nhận nghiêm túc các tuyên bố của Trump nếu ông ấy đắc cử tổng thống. Phản ứng thái quá của truyền thông đã tạo ra những người như Trump, đại diện cho mặt tối của nước Mỹ”.

Tokyo cũng nhận ra rằng cho dù ông Trump có thua cuộc, thì những phát biểu đao to búa lớn của vị tỷ phú này đang ngấm dần vào nhận thức của công chúng và các chính trị gia khác của Mỹ cũng có thể thay đổi lập trường theo. Bà Hillary Clinton, người có khả năng trở thành đại diện của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử sắp tới, gần đây đã tỏ ra cứng rắn hơn trong vấn đề TPP khi tuyên bố muốn thắt chặt các tiêu chuẩn về nguyên tắc xuất xứ - tiêu chuẩn nhằm xác định linh kiện ô tô phải đến từ đâu nếu chiếc xe muốn nằm trong danh sách miễn thuế khi nhập khẩu vào Mỹ.

Hồi đầu tháng 3, một nhóm chuyên gia an ninh thuộc đảng Cộng hòa, trong đó có nhiều cựu thành viên nội các (Bộ trưởng An ninh nội địa Michael Chertoff, cựu đại diện thương mại Robert Zoellick…) đã cùng ký lá thư chỉ trích chủ trương đối ngoại của ông Trump và yêu cầu làm mọi cách ngăn chặn ông này lên ghế tổng thống. Chuyên gia chính trị James Schoff thuộc Chương trình châu Á của Tổ chức Nghiên cứu độc lập Carnegie Endowment for International Peace còn tỏ ra bi quan hơn khi cho rằng, nếu ông Trump được đề cử làm đại diện của Cộng hòa và thậm chí không trở thành tổng thống tiếp theo, thì vẫn sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực trong quan hệ song phương Mỹ - Nhật trong tương lai. Không chỉ Malaysia hay Nhật Bản, một số lãnh đạo của các nước cũng tỏ ý lo ngại tỷ phú Trump vì những phát ngôn đầy tính công kích của ông này.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục