Nỗi lo dỡ “sàn”

Nếu như phương án điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT 4 môn nhận được sự đồng tình của đại đa số ý kiến người dân thì quyết định từ năm 2014 bỏ điểm sàn ĐH-CĐ của Bộ GD-ĐT đang khiến xã hội có nhiều ý kiến trái chiều.

Nếu như phương án điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT 4 môn nhận được sự đồng tình của đại đa số ý kiến người dân thì quyết định từ năm 2014 bỏ điểm sàn ĐH-CĐ của Bộ GD-ĐT đang khiến xã hội có nhiều ý kiến trái chiều.

Bộ GD-ĐT công bố, năm 2014 các trường ĐH-CĐ có đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các điều kiện được tự chủ tuyển sinh; đồng thời Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ chung. Các trường tuyển sinh riêng có thể kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi chung để tuyển sinh. Điểm khác biệt nổi bật so với các năm trước mà Bộ GD-ĐT công bố là bắt đầu từ năm 2014, một hội đồng tư vấn sẽ giúp Bộ GD-ĐT xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây. Điều đó có nghĩa là Bộ GD-ĐT hoàn toàn bãi bỏ khái niệm điểm sàn như lâu nay vẫn áp dụng đối với kỳ thi ĐH-CĐ chung. Đây là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm, lo ngại khi cho rằng điểm sàn - ngưỡng tối thiểu đầu vào ĐH-CĐ, bị “dỡ” rất có thể sẽ tạo nên tình trạng tuyển sinh “vơ bèo vặt tép” của các trường tốp dưới.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT đã rất cầu thị, tiếp thu ý kiến của xã hội khi đưa ra phương án đổi mới tuyển sinh này. “Bộ sẽ mở ra diễn đàn để lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các nhà giáo, các chuyên gia giáo dục và toàn xã hội về xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào. Trên cơ sở đó, hội đồng tư vấn sẽ tư vấn cho bộ trưởng để ban hành hệ thống tiêu chí đầu vào ĐH-CĐ năm nay” - ông Bùi Anh Tuấn nói. Tương tự điểm sàn, các tiêu chí này chỉ được xác lập và công bố sau khi đã có kết quả tuyển sinh ĐH-CĐ. Vì vậy, trong các tiêu chí đó có tiêu chí về điểm số hay không thì tại thời điểm này Bộ GD-ĐT cũng chưa thể khẳng định. Cũng theo ông Bùi Anh Tuấn, hệ thống tiêu chí đó cụ thể ra sao phải chờ quyết định của Bộ GD-ĐT sau khi kết thúc việc lấy ý kiến xã hội. Tuy nhiên, chắc chắn một điều chỉ những học sinh nào đạt những tiêu chí đó thì mới đủ điều kiện vào học ĐH-CĐ.

Như vậy, thay vì khái niệm điểm sàn đơn nhất được coi là ngưỡng đầu vào ĐH-CĐ duy nhất mà các trường đang áp dụng hiện nay, từ năm 2014 thí sinh có thể phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác, mà trong đó có thể vẫn còn sự xuất hiện của điểm số. Nhiều ý kiến cho rằng khi không còn thi ĐH-CĐ 3 chung trên toàn hệ thống thì việc bỏ điểm sàn là đương nhiên. Bởi điểm sàn là yếu tố bắt buộc của kỳ thi ĐH-CĐ chung, còn khi đã để các trường, dù chưa phải là tất cả các trường tuyển sinh riêng thì khái niệm điểm sàn sẽ bị triệt tiêu. Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng nhận định, khi bộ giao quyền tự chủ cho các trường thì tuyển sinh là việc của trường, nên bỏ điểm sàn là hợp lý. Quan trọng là bộ khống chế chỉ tiêu. Mỗi trường đưa ra tiêu chí riêng và không được tuyển quá số lượng cho phép. Đây cũng là mong muốn chung của hệ thống các trường ĐH-CĐ ngoài công lập.

Cần nhắc lại, trong các ý kiến về đổi mới tuyển sinh từ trước đến nay, nhiều người, đặc biệt là phía các trường ngoài công lập luôn kiên trì đề xuất bỏ điểm sàn. Dù biết rằng, trong những năm qua, điểm sàn chỉ có tác dụng với một số trường khó tuyển sinh, còn những trường tốp trên, tốp giữa có điểm chuẩn cao thì điểm sàn không có ý nghĩa gì. Theo tính toán, những trường chịu ảnh hưởng của điểm sàn chiếm số ít, chỉ khoảng 20%, gồm các trường ngoài công lập và 10% trường công lập tốp dưới. Có nghĩa, bỏ điểm sàn không tác động đến phần lớn các trường ĐH-CĐ. Nhưng xã hội vẫn lo. Lâu nay, chất lượng đào tạo bậc ĐH-CĐ ở nhiều trường đã bị dư luận ta thán nhiều, nay với những trường tốp dưới, những trường, ngành khó tuyển sinh thì việc bỏ điểm sàn trong khi Bộ GD-ĐT chưa xây được khung đánh giá chất lượng đầu vào thì có thể nhiều trường sẽ hạ điểm chuẩn để tuyển sinh, dẫn đến chất lượng đầu vào thấp đi.

Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, từ năm 2017 các trường phải hoàn toàn tự chủ tuyển sinh, khi đó điểm sàn hoàn toàn hết sứ mệnh. 3 năm, từ nay đến 2017, Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức kỳ thi ĐH-CĐ chung, tức là vẫn phải đề ra “ngưỡng” đầu vào của thí sinh. Bộ GD-ĐT chọn cách bỏ điểm sàn thì “ngưỡng” đó phải được cụ thể hóa trong thời gian sớm nhất để tránh hoang mang cho thí sinh, các trường, xã hội. Lắng nghe ý kiến, cầu thị tiếp thu để đưa ra một bộ tiêu chí đầu vào ĐH-CĐ chính xác nhất, phản ánh khách quan nhất năng lực học sinh nhưng đồng thời bảo đảm điều kiện cần thiết để một học sinh học được ĐH-CĐ là điều mà xã hội đang rất cần Bộ GD-ĐT khẩn trương quyết định.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục