Nỗi lo gửi xe vẫn mất

Mất hay cắp?!
Nỗi lo gửi xe vẫn mất

Gần đây, qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc phản ánh bị mất xe máy khi gửi. Công an các địa phương cũng ghi nhận có nhiều trường hợp cớ mất xe máy đắt tiền, chủ các tiệm làm mất xe của khách tránh né trách nhiệm, chỉ chịu giá bồi thường thấp và buộc chủ xe phải viết giấy bán xe.

Tại TPHCM, khi gửi xe ở các bãi giữ xe của Lực lượng Thanh niên xung phong, người gửi thực sự an tâm về độ an toàn.

Tại TPHCM, khi gửi xe ở các bãi giữ xe của Lực lượng Thanh niên xung phong, người gửi thực sự an tâm về độ an toàn.

Né tránh bồi thường

Ngày 10-1-2014, anh Phạm Hoàng Đạo đến khách sạn A25 (số 14 Lương Hữu Khánh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM), gửi chiếc Honda SH 150cc (có phiếu giữ xe), nhưng sau đó chiếc xe này đã không cánh mà bay, mặc dù khách sạn có bảo vệ. Anh Đạo khai báo với Công an phường Phạm Ngũ Lão và công an đã đến ghi nhận vụ việc. Phía khách sạn hứa một tuần sau giải quyết. Thế nhưng, một tuần sau, anh Đạo đến thì khách sạn viện đủ lý do để trì hoãn, nào là lỗi do bảo vệ, nào là chủ khách sạn đi nước ngoài. Sau cùng, bà Nguyễn Thùy Linh, Giám đốc khách sạn, đồng ý ký cam kết khảo sát giá thị trường tài sản mất cắp và sẽ đền bù vào ngày 10-2-2014 (sau 1 tháng kể từ ngày bị mất).

Đến ngày theo lịch hẹn, anh Đạo tưởng sẽ được nhận 135 triệu đồng theo thỏa thuận (sau khi 2 bên cùng khảo sát giá thị trường), nào ngờ bà Linh lại không giao tiền, mà thông báo: “Đội Điều tra Công an quận 1 có thông tin, tình tiết mới về vụ mất xe”. Tiếp theo, bà còn hù dọa rằng có giấy chỉ đạo hoãn bồi thường của Trưởng Công an quận 1, rồi Giám đốc Công an TP. Yêu cầu xem giấy thì bà Linh không đưa. Quá bức xúc, anh Đạo đến Đội điều tra Công an quận 1 hỏi cho ra lẽ, mới hay việc bồi thường không liên quan gì tới điều tra nên Công an quận 1 không hề có thông báo nào hoãn đền bù. Thế nhưng, sau đó, phía khách sạn liên tục né tránh gặp mặt. Anh Đạo phải tìm cách liên lạc với hệ thống khách sạn A25 ở Hà Nội, nhưng cứ bị chỉ lên đẩy xuống, đến nay anh vẫn chưa được giải quyết đền bù. Anh Phạm Hoàng Đạo bức xúc: “Hơn 1 tháng chạy lên chạy xuống, làm đủ các bước, vẫn không lấy được tiền!”.

Mất hay cắp?!

Hiện rất dễ dàng lừa đảo để lấy xe bằng cách nhận giữ xe rồi báo bị mất. Chị Nguyễn Thị N. (ngụ tại quận 10) kể, chị vừa làm giấy tờ chiếc SH 150cc nhập khẩu xong, đi uống cà phê ra là bị mất. Do giữ xe có nhận thẻ đàng hoàng nên quán không thể chối cãi, thế nhưng chủ quán cứ dây dưa không chịu đền bù mà yêu cầu bảo vệ tự bỏ tiền đền bù. Bảo vệ cho biết không có nhà ở, cũng không có tài sản, nên cứ trừ lương. Lương nhân viên bảo vệ chỉ 2 triệu đồng/tháng, nếu trừ để bồi thường cho chị N., chắc vài chục năm không xong, nếu nửa chừng anh nghỉ việc thì… bó tay! Chị N. phải nhờ tác động khắp nơi, nhờ công an giải thích quy định của pháp luật là mất xe ở nơi nào thì công ty, đơn vị đó phải đứng ra bồi thường cho khách hàng. Sau đó công ty, đơn vị có quyền xác định lại lỗi của nhân viên mình, nếu có lỗi thì nhân viên đó phải bồi thường lại cho công ty, đơn vị, chứ không phải chính bảo vệ làm mất xe phải đứng ra thương lượng bồi thường. Cuối cùng chủ quán này cũng chịu đền bù, nhưng mức đền bù chỉ bằng 70% giá xe mới. Thế là bỏ ra gần 200 triệu đồng mua xe, chạy chưa được một tuần, chị N. đã mất 30% số tiền. Vấn đề là sau khi nhận đền bù, chủ quán buộc chị N. phải giao giấy tờ xe và viết giấy bán xe cho chủ quán. Chủ quán lập luận: Do chị đã nhận tiền đền bù rồi nên xe đó thuộc về quyền sở hữu của chủ quán, nếu công an tìm ra xe mất thì xe đó phải giao cho chủ quán.

Trường hợp của anh Huỳnh Công H. (quận Bình Thạnh) cũng tương tự, mua chiếc SH biển số đẹp, gửi ở nhà hàng và bị mất. Nhân viên nhà hàng không đưa thẻ giữ xe, nên khi mất, bảo vệ không thừa nhận có giữ xe anh H. Nhờ anh H. đi cùng nhóm bạn nên có nhiều người làm chứng, nhưng phải tranh cãi dữ dội, cuối cùng bảo vệ mới thừa nhận có nhận giữ xe của anh H. Nhà hàng cũng yêu cầu khi nhận đền bù thì anh H. phải giao giấy tờ xe và viết giấy bán xe. Anh H. không chịu, vì anh nghĩ, đã đền bù chỉ 70%, phải giao giấy tờ và viết giấy bán thì không loại trừ khả năng bên giữ xe của nhà hàng bày cảnh mất xe để đền giá thấp rồi lấy giấy tờ đi sang tên một cách hợp pháp. Do vậy, anh chỉ đồng ý viết giấy nhận tiền, nhưng không giao giấy tờ xe. Khi nào công an điều tra ra thủ phạm trộm cắp, tìm được xe thì anh có quyền lựa chọn hoặc là lấy lại xe, trả lại tiền bồi thường, hoặc là làm giấy sang tên cho nhà hàng. Do hai bên chưa thống nhất nên anh chưa lấy được tiền, còn phía công an thì vẫn chưa điều tra ra tội phạm.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: Yêu cầu của khách hàng không viết giấy bán xe là hợp lý. Chỉ khi nào công an bắt được tên trộm, lấy lại tài sản thì hai bên tiến hành thủ tục sang tên, hoặc trả lại tiền đền bù. Trộm cắp tài sản trị giá trên 2 triệu đồng là vụ án hình sự, nên phải có người chịu trách nhiệm hình sự, không thể biến thành dân sự bằng hợp đồng mua bán xe được.

Tình trạng móc nối ăn cắp xe cũng không phải là cá biệt. Nhiều khách hàng mất trắng vì gửi xe không nhận phiếu gửi, khi mất rồi không có bằng chứng. Mặc dù Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng gửi giữ có thể thực hiện bằng lời nói (hợp đồng miệng), nhưng khi xảy ra tranh chấp thì bên nhận giữ thường không thừa nhận, khách hàng lại không có bằng chứng. Nhiều nhóm bạn đi chung vài chiếc xe nhưng chỉ nhận 1 phiếu giữ xe, nên khi mất xe sẽ khó xác định. Do vậy, hơn ai hết khách hàng nên tự bảo vệ mình bằng cách yêu cầu bên giữ xe giao phiếu giữ xe đầy đủ. Ngoài ra, để phòng chống kẻ gian, tránh liên lụy khi bảo vệ phối hợp với kẻ gian lấy cắp xe của khách, các công ty, nhà hàng, quán ăn nên lắp đặt camera quan sát ở khu vực giữ xe để bảo vệ tài sản của khách, cũng như bảo vệ uy tín của mình.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục