Nỗi lo ngập nước

Sau một số cơn mưa lớn, nhiều nơi ở TPHCM bị ngập, khiến người dân phải lo lắng khi thấy mưa lớn. Những người có nhà thấp, đã bị ngập, lo chạy tiền nâng nền nhà cao hơn nền cũ vài tấc. Những người không thể nâng nền nhà được do điều kiện khó khăn, thì xây các “bờ bao” quanh nhà, ở cửa ra vào có gờ cao hoặc lắp sẵn các khe rãnh, để khi cần thì dùng gỗ tấn ngay cửa và chèn các bao cát để hạn chế nước tràn vào nhà, đồng thời chuẩn bị dụng cụ tát nước.
Nỗi lo ngập nước

Sau một số cơn mưa lớn, nhiều nơi ở TPHCM bị ngập, khiến người dân phải lo lắng khi thấy mưa lớn. Những người có nhà thấp, đã bị ngập, lo chạy tiền nâng nền nhà cao hơn nền cũ vài tấc. Những người không thể nâng nền nhà được do điều kiện khó khăn, thì xây các “bờ bao” quanh nhà, ở cửa ra vào có gờ cao hoặc lắp sẵn các khe rãnh, để khi cần thì dùng gỗ tấn ngay cửa và chèn các bao cát để hạn chế nước tràn vào nhà, đồng thời chuẩn bị dụng cụ tát nước.

Nhiều gia đình phải sửa lại các ổ cắm điện trong tường đưa lên cao, nâng cao các thiết bị có sử dụng điện hoặc các đồ vật kỵ nước, đề phòng hư hại khi nước ngập. Rồi phải dặn dò con cái ứng phó với mưa lớn, nước ngập như thế nào để tránh các rủi ro có thể xảy ra. Dù lo như vậy rồi, vẫn không thể chắc rằng khi có mưa lớn thì nhà mình an toàn, bởi khó có thể đoán được lượng mưa và mức ngập khi mưa lớn và triều cường. Do đó, dù đang giờ làm việc nhưng nếu thấy mưa lớn là nhiều người đứng ngồi không yên, tranh thủ xin về sớm, bởi nếu không có người ở nhà, nước tràn vào có thể gây nhiều thiệt hại hơn, hoặc nếu về lúc mưa ngập đường, kẹt xe, thì thật khốn khổ.

Từ một số điểm ngập thường xuyên đã dần được khắc phục, nay số điểm ngập cục bộ mới phát sinh khá nhiều. Việc mưa thất thường, kết hợp ngẫu nhiên với triều cường chỉ là một nguyên nhân khách quan rất nhỏ, nguyên nhân chính là hệ thống thoát nước không đồng bộ và thường bị nghẽn, nên không kịp tiêu hết nước. Nhiều cống thoát nước bị lấp đầy do không được nạo vét thường xuyên. Nhiều cửa xả và miệng cống bị bít do rác, do lắng bùn đất, khiến nước từ mặt đường không chảy hết vào cống, và từ cống cũng không kịp chảy ra sông rạch. Do việc nâng cao mặt đường tùy tiện, không chú ý đến mặt nền nhà của người dân, nên ở nhiều nơi, đường hết ngập nhưng nhà dân và các khu vực trũng thấp lại bị ngập. Các điểm có chức năng chứa nước mưa như kênh rạch, hồ, ao… ngày càng bị thu hẹp và bị bồi lắng nên công suất chứa bị giảm… Do vậy, một số khu vực trước đây chưa từng ngập nay cũng đã bị ngập, kể cả sân bay Tân Sơn Nhất. Trong những nguyên nhân đó, yếu tố khách quan là có (lượng mưa cục bộ quá lớn, một số khu vực của TPHCM có dấu hiệu bị lún…), nhưng yếu tố chủ quan dường như chiếm đa số. Điều đó cho thấy, các công trình, chương trình chống ngập của TP tuy đã có phát huy nhưng thực tế hiệu quả chưa đồng bộ và chưa được như mong muốn.

Nhiều điểm ngập trên địa bàn TPHCM mỗi khi triều cường hoặc mưa lớn. Ảnh: Đào Thụy

Các trận ngập ở TPHCM vừa qua đã gây ra nhiều thiệt hại. Nhìn chung, người dân thông cảm, chia sẻ với điều kiện thực tế của TP, đồng cảm với sự quan tâm và ủng hộ các chủ trương chống ngập của lãnh đạo TP, nhưng mong rằng TP quyết liệt hơn nữa, tích cực hơn nữa trong việc thực hiện các công trình, chương trình chống ngập. Phải thực hiện đồng bộ việc nhanh chóng thu hết lượng nước mưa trên mặt đường vào hệ thống cống và các bể chứa, xử lý sơ bộ để đẩy ra các kênh, rạch, sông theo điều kiện cụ thể từng thời điểm, từng khu vực. Kết hợp nâng cao mặt đường (có chú ý đến điều kiện nhà cửa của người dân) với xây dựng các cửa xả và cống ngăn nước xâm nhập ngược. Cần thường xuyên nạo vét hệ thống cống và các kênh rạch, kết hợp giải quyết bài toán chống ngập với việc cải tạo nguồn nước và bảo vệ môi trường. Kết hợp thực hiện tốt các công trình chống ngập với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân để chung tay phòng và chống ngập, chứ không phải để người dân “tự bơi” hoặc đứng bên ngoài công việc chung đó.

TPHCM đang phấn đấu xây dựng thành TP có chất lượng sống tốt. Một trong những đòi hỏi rất quan trọng của chất lượng sống tốt là phải an toàn, tiện lợi. Nếu nạn ngập nước còn diễn ra thường xuyên, khó có thể nói là đạt được tiêu chí này, dù nhiều tiêu chí khác có thể được bảo đảm. Do đó, cần quyết tâm hạn chế nỗi lo ngập nước của người dân, càng sớm càng tốt.


TRỊNH MINH GIANG
(quận Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục