Thép “dỏm”

Nỗi lo người xây nhà

Nỗi lo người xây nhà

Không chỉ những “công trình trăm tỷ” mới bị rút ruột, nhiều trường hợp người dân khi xây nhà ở vẫn gặp phải một số đơn vị thi công lừa đảo, “đổi trắng thay đen” để trục lợi. Trong giai đoạn giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép tăng cao, thủ đoạn của những kẻ làm ăn gian dối này xem chừng càng tinh vi hơn.

Nỗi lo người xây nhà ảnh 1

Thép “dỏm” tại công trình nhà anh Lê Quang Trực.

Theo anh Lê Quang Trực - một chủ nhà tại phường Tân Phong, quận 7, TPHCM, cách đây hơn 1 tháng, gia đình đã tin tưởng ký hợp đồng với Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Tiến Phúc (trụ sở 336/63/6A Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6, TPHCM) về việc thi công nhà ở dân dụng. Cụ thể, phía Công ty Tiến Phúc hứa sẽ đảm nhận việc thi công ép cọc cho nền nhà của anh Trực bằng loại thép có phi 16, chủng loại Việt - Úc.

Khi tiến hành lập hợp đồng thi công, mặc dù phía Công ty Tiến Phúc cũng ghi rõ trên hợp đồng là thép phi 16 nhưng phần chủng loại lại ghi là HVUC. Phía gia đình anh Trực thắc mắc thì đại diện Công ty Tiến Phúc cam đoan đây là thép Việt – Úc. Mãi cho đến ngày 27-3-2008, trong một lần vô tình anh Trực đích thân kiểm tra công trình, mới phát hiện loại thép sử dụng cho nhà mình “có vẻ hơi khác lạ”, giống loại thép giả mà một số doanh nghiệp ngành thép từng cảnh báo. Vốn kỹ tính, anh Trực âm thầm gửi khiếu nại đến CLB Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng Báo SGGP, mong tìm hiểu được phần nào thực hư về sản phẩm thép đang sử dụng cho nhà mình.

Một ngày sau, CLB Chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Báo SGGP cử ngay đại diện đến “mục sở thị” công trình. Trước sự chứng kiến của anh Trực cùng đại diện đơn vị thi công, những cây thép đã cắm sâu xuống đất được kéo lên kiểm tra trực tiếp. Cẩn thận hơn, mọi người tiến hành cắt thử một đoạn thép và đo trực tiếp. Kết quả, cả gia đình anh Trực “bật ngửa” khi phần thép sử dụng cho phần ép cọc chỉ có phi 14 mà thôi. Nghiêm trọng hơn, ông Hoàng Trung Chính, Phó giám đốc Công ty Tiến Phúc đã thừa nhận: “Số sắt ép cọc này là sắt tổ hợp nên quy cách không đồng đều, không đúng phi 16 và ký hiệu HVUC cũng không phải nhãn hiệu của hãng Việt - Úc”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mẫu thép cắt ra từ phần cọc thi công móng nhà của anh Trực đúng là “thép tổ hợp” mang hiệu HVUC. Những người am tường về vật liệu xây dựng cho biết, loại “thép tổ hợp” như mọi người thường gọi thực chất là sắt tái chế, được gia công bởi các tổ hợp nhỏ lẻ đặt tại một số tỉnh lân cận TPHCM. Loại thép này dùng tên HVUC để đánh lừa người tiêu dùng, gây nhầm lẫn với tên gọi của thép Việt - Úc (VUC).

Ngoài ra, nếu cân trọng lượng từng cây “thép tổ hợp” này cũng thiếu ít nhất 3kg so với loại hàng chính phẩm (thông thường do các công ty danh tiếng sản xuất như Pomina, Việt - Nhật, Việt - Úc…). Nếu công trình được xây dựng bằng loại sắt giả, chất lượng kém này chắc chắn về lâu dài chất lượng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều đáng phê phán là một số doanh nghiệp thi công vì giá thành rẻ nên tìm nhiều cách lừa gạt gia chủ, đánh tráo sản phẩm thép nhằm thu lợi bất chính.

Trong giai đoạn giá cả vật liệu xây dựng gia tăng, xem ra các chủ nhà cần cẩn trọng hơn khi lựa chọn đơn vị thi công. Đối với những đơn vị thi công không giữ uy tín, thực hiện sai chất lượng đã cam kết, phía chủ đầu tư hoàn toàn có đủ quyền yêu cầu bồi thường hợp đồng hoặc khiếu nại cách làm ăn gian dối này đến các cơ quan chức năng.

Tường Minh

Tin cùng chuyên mục