Chỉ vài cơn mưa dai dẳng đầu mùa đã khiến tình trạng sạt lở lan nhanh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Đáng chú ý, tình trạng này ngày càng khốc liệt hơn, bất kể mùa khô hay mùa mưa. Sạt lở đang làm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, đặt hàng chục ngàn hộ dân vào cảnh phải di dời khẩn cấp…
Sạt lở khắp nơi
Huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đang trở thành điểm nóng của sạt lở. Ông Sáu Diệp, ở xã Đông Phước, vẫn còn hoang mang khi nhớ lại: “Đang đêm, tôi bỗng nghe một tiếng rầm, ra ngoài vườn sau thì thấy hàng cây dừa, mít bị nuốt chửng xuống sông”.
Năm ngoái, ông Diệp vừa ky cóp cất được căn nhà tươm tất trị giá gần 100 triệu đồng. Giờ sạt lở kéo theo những vết nứt đang tiến sâu vào bờ. Căn nhà của ông Sáu Diệp đang đối diện với nguy cơ “trôi” sông. Liên tiếp, các vụ lở đất vào những ngày cuối tháng 5-2016 đã kéo chiều dài sạt lở ven sông ra cả trăm mét. Mới nhất là vụ sạt lở khoảng 40m, ăn sâu vào trong 15m, cuốn mất con đường bê tông 3m xuống sông.
Cũng từ đó gia đình ông Diệp và hàng trăm hộ dân ở khu vực Đông Thắng bị cắt đứt giao thông qua lại trên đoạn này. Theo Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, ít nhất 30 vụ sạt lở đã xảy ra trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay. Huyện đang xin kinh phí để gia cố lại các điểm sạt lở trên tuyến giao thông dân sinh. Năm 2015, Hậu Giang có hơn 50 điểm sạt lở, với diện tích mất đất bờ sông gần 6.000m2, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Qua khảo sát, hiện toàn tỉnh có gần 60 tuyến sông, rạch với hơn 100 điểm có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến hơn 1.400 hộ dân.
Sạt lở bờ sông ăn sâu tới tận thềm nhà dân ở xã Song Phụng, huyện Long Phú, Sóc Trăng (Ảnh: TRUNG HIẾU)
Trong những ngày gần đây, trên tuyến tỉnh lộ 965 (còn gọi đường đê bao ngoài Vườn Quốc gia U Minh Thượng) thuộc huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang cũng xuất hiện 12 điểm sạt lở, sụt lún khá nghiêm trọng với tổng thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng. Trong số này có 7 điểm sạt lở nghiêm trọng, làm mặt đường bị lún sâu 2m, kéo dài 40 - 80m và đang xuất hiện nhiều vết nứt khác. Hiện có 6 nhà dân ở các xã An Minh Bắc và Minh Thuận phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.
Tại cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu), đoạn kè chắn sóng được xây dựng kiên cố từ năm 2000 dường như không còn đủ sức chống chọi với những cơn sóng dữ. Từng đợt sóng cứ vồ lấy chân đê như chực chờ cuốn trôi tất cả, đe dọa cuộc sống của 4.000 hộ dân.
Do ở đầu nguồn sông Tiền nên Đồng Tháp luôn là tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất ở khu vực ĐBSCL. Ông Lê Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh đang thực hiện các dự án kè chống xói lở ở xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò; thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự và tại TP Sa Đéc. Trước mắt, các ngành chức năng đang cùng địa phương vận động và hỗ trợ di dời 1.000 hộ dân vùng sạt lở, vùng ngập sâu vào các cụm, tuyến dân cư đã hoàn thành.
Thiếu phù sa
Theo Bộ NN-PTNT, những năm gần đây, mỗi năm sạt lở đã “nuốt” 500ha đất ở vùng ĐBSCL. Sạt lở bờ sông Tiền và sông Hậu xảy ra nghiêm trọng vào đầu và cuối mùa mưa lũ tại các khu vực nóng, như: Thị xã Tân Châu, TP Châu Đốc, TP Long Xuyên (tỉnh An Giang); thị xã Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự; xã An Hiệp, huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp); TP Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long)… với quy mô từ vài trăm mét đến vài cây số. Thậm chí, sạt lở còn diễn ra trong cả mùa khô, không chỉ xảy ra trên các sông lớn mà ngay cả các tuyến kênh rạch lớn, nhỏ.
Vừa qua, tại Cà Mau xảy ra hàng loạt vụ sụp lún đường, sạt lở đê biển rất đáng báo động. Trong đó, hiện tượng lún đường ở vùng ngọt hóa “khá lạ” và có nguy cơ gia tăng. Lý giải ban đầu của cơ quan chức năng là do hạn hán kéo dài, nền đường bị khô, làm phá vỡ kết cấu đất; đồng thời tầng nước ngầm bị cạn nên xảy ra sụp lún. Năm 2016, ĐBSCL đối diện với đợt hạn, mặn kỷ lục trong 90 năm qua. Các nhà khoa học cảnh báo, ngoài gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, làm xáo trộn sinh hoạt người dân, biến đổi khí hậu đang làm đất đai trong vùng bị bạc màu, sa mạc hóa… Đáng cảnh báo là việc các nước thượng nguồn sông Mê Công xây đập thủy điện đã chắn dòng phù sa đổ về hạ lưu ĐBSCL. Có thể nói, đất đai ĐBSCL đang đứng trước diễn cảnh nguy cơ “khô cằn”, khó phục hồi do lượng phù sa nằm lại ở các đập thủy điện. Đây cũng có thể là nguyên nhân làm gia tăng sạt lở và các vụ sụp lún ở Cà Mau.
Một trong những giải pháp chống sạt lở mà gần như tỉnh, thành nào trong vùng cũng đề xuất là làm bờ kè. Tuy nhiên, nguồn kinh phí khó có thể đảm trách hết việc kè các tuyến sông, kênh… Một đặc thù lâu nay ở ĐBSCL là người dân hình thành các khu dân cư dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch và kèm theo đó là đường giao thông dân sinh. Các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn cũng bám theo sông Hậu, sông Tiền, vì vậy khi sạt lở xảy ra sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Các nhà khoa học cho rằng chỉ nên làm bờ kè chống sạt lở ở các khu vực cần thiết. Điều quan trọng hơn, các địa phương cần thay đổi nhận thức khi quy hoạch các tuyến dân cư, đường giao thông nông thôn, nhất thiết phải có khoảng lùi tránh xa bờ sông để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sạt lở.
|
CAO PHONG