Nỗi lo sinh kế bên Khu kinh tế Nhơn Hội

Hơn 10 năm qua, hơn 400 hộ dân thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định) vẫn sống cảnh lây lất bên Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội. Sau dịch Covid-19, cuộc sống của người dân nơi đây càng thêm khó. 

Bà Huỳnh Thị Tuyết (57 tuổi, thôn Huỳnh Giản Bắc) chỉ tay ra cánh đồng Tứ Niên, kể: “Khoảng 10 năm trước, cánh đồng Tứ Niên còn canh tác được 2 vụ lúa nhờ nước ngầm lấy từ rừng dương phía sau làng, nay là KKT Nhơn Hội. Ngày đó, mỗi vụ lúa 5 sào ruộng thu được 1 tấn lúa, để dành ăn hết năm. Sau đó, do các doanh nghiệp ồ ạt đổ về khai thác titan, rồi phá sạch hàng trăm hécta rừng, khiến nguồn nước mất đi, ruộng đồng dần nhiễm mặn rồi bỏ hoang. Từ đó, dân làng chạy gạo từng bữa”. Kế bên cánh đồng Tứ Niên là cánh đồng Gò Dê rộng 15,5ha cũng đang bị “treo” 11 năm qua để thực hiện dự án khu tái định cư cho người dân vùng triều cường Nhơn Phước (giai đoạn 2). Đến nay, khu tái định cư này vẫn chỉ triển khai được một rẻo đất nhỏ, phần còn lại bỏ hoang. 

Cánh đồng Tứ Niên bị xâm nhập mặn và bỏ hoang hơn 10 năm qua
Bí thư Chi bộ thôn Huỳnh Giản Bắc Nguyễn Văn Năm cho biết, bên cạnh việc thiếu sinh kế tại chỗ, người dân còn lo chuyện học hành của con cái. “Hiện dân số của thôn đã tăng hơn, số người từ 50-70 tuổi ở nhà, không có việc làm rất đông. Từ khi ruộng đồng bị nhiễm mặn, bỏ hoang thì vùng này chưa có dự án, chính sách nào để tạo sinh kế cho người dân”. 

Qua trao đổi, các cấp chính quyền địa phương cho biết, những giải pháp tạo sinh kế cho người dân bên KKT Nhơn Hội đến nay mới rậm rịch triển khai. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước Phan Văn Khiêm cho biết, quá trình phát triển KKT Nhơn Hội đã tác động đến môi trường sống, tập tục canh tác của người dân tại đây. Trước đây, huyện đã mời rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia về nghiên cứu để tìm cách chuyển đổi sinh kế cho bà con, nhưng do đất đã nhiễm phèn nặng nên không thể làm được gì. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, huyện đã đề xuất với UBND tỉnh Bình Định đưa quy hoạch cánh đồng Tứ Niên và một phần đồng Gò Dê làm dự án hỗn hợp khu dân cư, nhà ở dịch vụ, du lịch sinh thái kế cận KKT Nhơn Hội để bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi sinh kế, việc làm mới cho người dân. “Đến năm 2022, khi các giải pháp của địa phương được thực hiện sẽ giải quyết những vấn đề người dân bức xúc, lo lắng”, ông Nguyễn Ngọc Xuân bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục