Nỗi lo tai nạn giao thông đường sắt

Chiều 26-1-2019, tại điểm có đường ngang dân sinh lắp gác chắn tự động (thuộc địa phận thị trấn Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt.

Tuy gác chắn tự động đã hạ, nhưng một người vẫn cố tình lái ô tô lách qua gác chắn, rồi bánh xe trước bị trượt xuống rãnh cạnh đường ray, không thể thoát ra. Đoàn tàu SE6 chạy hướng Bắc - Nam lao tới tông phải. Chiếc ô tô bị tàu đâm bẹp dúm, văng khỏi khu vực đường ray, rất may tài xế đã kịp thoát thân. 

Trong vài năm gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt tại các điểm giao cắt giữa đường tàu và đường ngang. Bộ Giao thông Vận tải đã có chỉ thị yêu cầu các địa phương trong cả nước xử lý nghiêm đối với những người cố tình vi phạm luật giao thông, uy hiếp an toàn giao thông đường sắt, nhưng thực tế các vụ TNGT đường sắt vẫn tăng cao. Ngoài các nguyên nhân chủ yếu do người đi đường cố tình băng ngang vượt ẩu, thiếu chú ý quan sát khi lưu thông, đi lại gần đường sắt, còn có nguyên nhân từ cơ sở hạ tầng giao thông của ngành đường sắt hiện nay quá cũ kỹ, lạc hậu. Hiện tại đang có quá nhiều đường ngang giao cắt nằm rải rác tại các khu dân cư, địa phương có đường sắt đi qua. Thậm chí, tại nhiều đường ngang dân sinh này chưa có rào chắn để đảm bảo an toàn. Đó là chưa kể còn xuất hiện hàng ngàn lối đi do người dân tự mở để đi tắt băng ngang đường sắt. 

Ngoài TNGT đường sắt do thiếu an toàn tại những điểm giao cắt đường ngang dân sinh, các vụ tai nạn chạy tàu, sự cố chạy tàu cũng thật đáng ngại. Sáng sớm 27-1-2019, tàu SE1 Hà Nội - Sài Gòn đã bị sự cố trật bánh tại ga Sông Lòng Sông (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), làm tuyến đường sắt Bắc - Nam tê liệt nhiều giờ, khiến hàng loạt các chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn trong ngày 27-1 bị chậm giờ. Trước đó, đã từng xảy ra không ít sự cố chạy tàu chủ quan uy hiếp đến an toàn chạy tàu có tính lặp lại.

Để giảm thiểu TNGT đường sắt, tai nạn chạy tàu, sự cố chạy tàu, cần xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm nghiêm trọng an toàn giao thông đường sắt. Ngành đường sắt cần chú trọng đầu tư, áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, tiên tiến trong các quy trình. Trong đó, cần tiến tới đảm bảo các tuyến đường ngang dân sinh tại các khu dân cư có đường sắt đi ngang qua được rào chắn tuyệt đối an toàn, tiến tới xóa sổ hoàn toàn các đường ngang dân sinh do người dân tự mở.

Tiếp tục triển khai lắp đặt camera hỗ trợ công tác giám sát đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Đồng thời, cần chấn chỉnh, nâng cao tính chính quy của các chức danh công tác của cán bộ, người lao động trong ngành đường sắt. Xử lý nghiêm cán bộ, người lao động trong ngành vi phạm kỷ luật lao động, vi phạm quy trình, quy tắc nghiệp vụ, lơ là trong công tác, để xảy ra TNGT đường sắt nghiêm trọng hoặc sự cố chạy tàu do chủ quan.

Tin cùng chuyên mục