Nỗi lòng người dân đôi bờ cầu Long Đại

Theo kế hoạch, đến tháng 3-2019 cầu Long Đại sẽ bắc qua sông Tắc nối đôi bờ phường Long Bình và Long Phước (quận 9, TPHCM). Thế nhưng thực tế công trình cầu Long Đại đã dừng thi công từ cuối năm 2018, các nhịp cầu đã xây giữa sông rồi bỏ dở dang trong sự mong mỏi, chờ đợi của người dân ở đôi bờ.
Cầu Long Đại đã vươn ra giữa sông nhưng chưa biết khi nào nối đôi bờ
Cầu Long Đại đã vươn ra giữa sông nhưng chưa biết khi nào nối đôi bờ

Khắc khoải chờ đợi

Chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ đường Phước Thiện) bồn chồn: “Ngày trước người dân Long Bình và Long Phước sang sông qua bến đò ngang. Từ bao đời, người dân nơi đây mong ước có được chiếc cầu. Ngày khởi công công trình xây cầu hồi tháng 3-2017, đông đảo người dân Long Bình, Long Phước và các phường lân cận đã nghỉ làm việc để đến xem, ai cũng rất vui khi nghe tin đến tháng 3-2019 cầu sẽ hoàn thành. Vậy mà, cầu xây nửa chừng đã bị bỏ dở dang. Người dân lại đau đáu chờ ngày có cầu”. Ở chân cầu Long Đại phía phường Long Phước càng im ắng hơn. Cỏ dại đã lan dần vào bãi công trình.

Anh Nguyễn Thanh (ở gần công trình) cho biết: “Với người dân cù lao Long Phước, có cầu Long Đại không chỉ thuận tiện đi lại mà còn phá thế độc đạo, giúp địa phương phát triển. Vậy mà công trình đã ngưng hơn một năm qua, đơn vị thi công đã chở máy móc thiết bị đi nơi khác. Chẳng biết đến bao giờ mới được chạy xe qua cầu”. 

Mang những phản ánh, thắc mắc mà người dân địa phương gọi đến đường dây nóng Báo SGGP, phóng viên đã gặp bà Nguyễn Thị Thu Vân, Phó Chủ tịch UBND phường Long Bình, để tìm câu trả lời.

Bà Thu Vân cho biết: “Người dân địa phương gặp cán bộ phường đều hỏi khi nào cầu Long Đại mới hoàn thành. Dân nóng lòng một thì cán bộ địa phương lo mười. Cầu chưa xong thì không những việc đi lại khó khăn, mà còn làm nản lòng nhà đầu tư. Khu đô thị mới với hàng chục chung cư cao tầng đã mọc lên nhưng lại bí đường đi. Bà con, doanh nghiệp nóng lòng hỏi, nhưng chính quyền phường cũng chỉ biết chờ”.

Nút thắt giá đền bù 

Nguyên nhân của việc chậm trễ, ngưng thi công cầu Long Đại là do mặt bằng công trình phía phường Long Phước chưa được giải tỏa. Vừa thi công, vừa giải tỏa nên khi giải tỏa mặt bằng chậm thì công trình phải nằm chờ. Theo UBND quận 9, công trình cầu Long Đại có kinh phí đầu tư 354 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 66 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này trên địa bàn phường Long Phước vẫn còn 10 hộ dân nằm trong khu vực công trình chưa giải tỏa xong, nên không có mặt bằng thi công. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND phường Long Phước, cho biết: “Công tác kiểm kê, đo đạc đã làm xong. Người dân cũng được vận động, chấp thuận giao mặt bằng khi nhận được tiền đền bù. Điều vướng mắc là chưa có đơn giá đền bù và định giá đền bù nhà đất như thế nào để tạo được sự đồng thuận của người bị thu hồi đất. Có một thực tế, giá nhà đất khi Nhà nước đưa ra để đền bù thường thấp so với giá thị trường nên người dân không đồng ý. Nhưng đến nay, địa phương cũng chưa có đơn giá đền bù mới. Khi có giá mới, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận sẽ tiến hành đền bù cho người dân”. 

Trong khi đó, từ ngày cầu Long Đại được khởi công xây dựng, giá nhà đất tăng từng ngày. Giá đất vườn từ 1 - 2 triệu đồng/m² đã tăng đến 10 - 12 triệu đồng/m². Giá đất nền ở các dự án phân lô được rao bán 20 - 30 triệu  đồng/m². Cán bộ phường đã nhiều lần tiếp xúc, vận động bà con trong diện giải tỏa. Người dân đồng ý di dời nhà cửa để làm cầu, nhưng yêu cầu tiền đền bù phải hợp lý, đủ mua lại đất, cất được nhà để an cư. Đây là nút thắt mà các cơ quan, đơn vị liên quan cần khẩn trương chung tay tháo gỡ, càng sớm càng đỡ đội giá.

Tin cùng chuyên mục