Nỗi lòng người ở lại

Buổi sáng tháng 10, đoàn ô tô chở hơn 30 cựu chiến binh đơn vị Z22, Z23 Lữ đoàn 316 đặc công - biệt động Bộ Tham mưu Miền dừng lại ở chân cầu Rạch Chiếc bằng sắt (cầu cũ). Hơn 37 năm sau ngày diễn ra trận đánh cầu Rạch Chiếc - trận đánh mở đường, tạo bàn đạp cho cánh Đông chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn, họ mới có dịp từ các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên cùng nhau quay lại thăm chiến trường xưa, thăm đồng đội cũ.
Nỗi lòng người ở lại

Buổi sáng tháng 10, đoàn ô tô chở hơn 30 cựu chiến binh đơn vị Z22, Z23 Lữ đoàn 316 đặc công - biệt động Bộ Tham mưu Miền dừng lại ở chân cầu Rạch Chiếc bằng sắt (cầu cũ). Hơn 37 năm sau ngày diễn ra trận đánh cầu Rạch Chiếc - trận đánh mở đường, tạo bàn đạp cho cánh Đông chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn, họ mới có dịp từ các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên cùng nhau quay lại thăm chiến trường xưa, thăm đồng đội cũ.

Buốt lòng người ở lại

Sau giây phút mặc niệm, thắp nhang tại bia tưởng niệm bên bờ sông, các cô chú cựu chiến binh dõi mắt xuống dòng nước như trông tìm hình bóng đồng đội. Trận đánh kéo dài từ ngày 27-4 đến 30-4-1975 có 52 chiến sĩ hy sinh.

Cựu chiến binh Lữ đoàn 316 đặc công - biệt động thả vòng hoa tưởng nhớ đồng đội cũ.
Cựu chiến binh Lữ đoàn 316 đặc công - biệt động thả vòng hoa tưởng nhớ đồng đội cũ.

Hầu hết liệt sĩ trong trận đánh bị mất xác dưới lòng sông, đến nay vẫn không tìm lại được là nỗi canh cánh bên lòng của người thân và đồng đội.

Theo lời kể, ngay sau khi giải phóng Sài Gòn, những người lính quay lại chốn cũ nhưng chỉ tìm được 9 hài cốt, tạm thời liệm bằng túi ni lông, chôn tại chân cầu Rạch Chiếc với tấm tôn ghi họ tên, quê quán. Không ngờ thời gian sau, khu vực này thành bãi sình, xung quanh mọc nhà cửa khiến những ngôi mộ bị mất dấu. Đến nay, trong số 9 người tìm được xác ngày ấy, mới chỉ có hai anh Nguyễn Văn Thất và Lê Trọng Việt được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ ở quận Thủ Đức. Riêng hài cốt của anh Lương Xuân Tầm và anh Nguyễn Văn Minh chỉ có thể xác định nằm ở khu vực sân golf Thủ Đức nhưng không thể biết đích xác nơi nào.

Đại tá Hoàng Bá Khuyến (đơn vị Z22 Lữ đoàn 316, hiện sống tại Hà Nội) nghẹn lời: “Kỷ niệm về trận đánh cầu Rạch Chiếc là ký ức không phai trong mỗi chúng tôi, nhất là khi nghĩ về những đồng đội đã hy sinh vào thời điểm chiến thắng đã cận kề. Nguyện vọng cuối cùng của anh em chúng tôi và gia đình các liệt sĩ là tìm thấy các anh để đưa về với gia đình, quê hương, về nghĩa trang yên nghỉ cùng đồng đội”.

Hơn 37 năm sau ngày đất nước thống nhất, hương hồn các liệt sĩ vẫn còn phảng phất nơi bờ cây, bụi cỏ, dưới lòng sông. Niềm day dứt ấy mãi đeo đẳng trong tâm tưởng người ở lại.

Mong đừng thờ ơ

Trong câu chuyện về quá trình tìm kiếm hài cốt đồng đội, ông Nguyễn Đức Thọ (Ủy viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Lữ đoàn 316 đặc công - biệt động) thoáng buồn khi nhắc đến sự thiếu quan tâm của một số cơ quan chức năng.

Ông kể: Trong quá trình thi công hạng mục bờ kè trong khu vực dự án Khu dân cư SACA Bắc Rạch Chiếc (xa lộ Hà Nội, phường Phước Long A quận 9), vào tháng 7-2005, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển SACA phát hiện một hộp sọ người. Lập tức công ty gửi báo cáo khẩn đến các cơ quan chức năng, Sở LĐTB-XH TPHCM đề nghị dùng phương pháp khoa học xác định hộp sọ này có phải của chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc hay không; đồng thời đề nghị sẽ hỗ trợ kinh phí giám định. Nhưng do không có câu trả lời, hộp sọ vô danh trên đành được gửi vào nhà lưu cốt của Nghĩa trang TPHCM ở quận Thủ Đức. Một thời gian sau, khi ông Thọ liên hệ xin lại hài cốt thì nơi này trả lời đã thất lạc!

Một điều khắc khoải khác là đến nay Nhà nước vẫn chưa lập bia tưởng niệm những người đã ngã xuống ngay tại cửa ngõ Sài Gòn trong trận đánh cầu Rạch Chiếc. Chiếc bia tưởng niệm đơn sơ bên bờ sông hiện nay là do đồng đội và người thân các liệt sĩ tự lập.

Được biết, UBND TPHCM đã chấp thuận chuyển giao dự án xây dựng Công trình Công viên - Bia tưởng niệm các chiến sĩ đặc công, biệt động trong trận đánh ở cầu Rạch Chiếc từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình (Sở VH-TT-DL TPHCM) sang cho UBND quận 2 làm chủ đầu tư. Hy vọng công trình sẽ sớm hoàn thành, như một lời tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì hòa bình, độc lập của dân tộc.

Dẫu biết thời gian càng xa, cơ hội tìm kiếm hài cốt anh em càng ít nhưng các cựu chiến binh Lữ đoàn 316 vẫn không ngừng nỗ lực dò hỏi thông tin. Ngoài cái nghĩa phải trả với người đã khuất còn là trách nhiệm với gia đình đồng đội, như những câu thơ ông Nguyễn Đức Thọ đã day dứt viết về nỗi lòng khi đến thăm mẹ của đồng đội: “…Đời mẹ chẳng thích bánh quà - Chỉ lo mẹ hỏi: thằng Cò mẹ đâu?”.


ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục