Trong chuyến thăm Mỹ ngày 10-4, Tổng thống Brazil Rousseff đã cáo buộc chính sách tiền tệ của Washington đã đẩy nhiều quốc gia đang phát triển vào tình thế khó khăn, trong khi các quốc gia chậm phát triển ngày càng nghèo đói hơn.
Bà Rousseff cho rằng, một mức lãi suất thấp cũng như các chính sách nới lỏng khác trong một nền kinh tế khỏe mạnh bình thường đã thúc đẩy quá mức thanh khoản toàn cầu, giảm giá đồng tiền tại các nước phát triển và vì vậy làm giảm triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.
Trước đó, bà Rousseff cũng lên tiếng cáo buộc Mỹ và các nước châu Âu đã cố ý gây ra “sóng thần tiền tệ” nhằm tiêu diệt các thị trường mới nổi. Thái độ quan ngại của bà Rousseff cũng là phản ứng chung của nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới.
Chính sách bơm thêm tiền hay còn gọi là kế hoạch nới lỏng định lượng lần thứ nhất được Mỹ thực hiện cuối năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính đang ở thời điểm căng thẳng nhất, FED đã hạ lãi suất đồng USD về 0 đến 0,25%, đồng thời chi khoảng 1.700 tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu nợ địa ốc.
Lần thứ hai diễn ra vào cuối năm 2010 khi FED quyết định bơm thêm 600 tỷ USD. Với tuyên bố vực dậy kinh tế bằng cách thúc đẩy các biện pháp bơm tiền, Mỹ đã khéo léo chuyển bớt những khó khăn do khủng hoảng tiền tệ đến các quốc gia khác.
Trong khi Mỹ vẫn ung dung với chương trình nới lỏng định lượng, chấp nhận bội chi ngân sách ở mức cao, thâm hụt thượng mại lớn, các cỗ máy in tiền của Mỹ hoạt động hết công suất, làm cho đồng USD liên tục bị giảm giá, giá vàng quốc tế đạt mức cao kỷ lục thì ngược lại các nền kinh tế mới nổi đang phải chống đỡ vất vả với các “bong bóng” tài sản, với lạm phát tăng lên hàng ngày.
3/4 tổng thu nhập quốc nội tại các quốc gia này đều dựa vào xuất khẩu. Do đó nếu đồng tiền của họ bị đẩy lên cao, xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh. Ông Joseph Stiglitz, kinh tế gia đoạt giải Nobel, cho rằng chính sách tiền tệ của FED đã đẩy thế giới vào hỗn loạn thay vì hỗ trợ cho đà phục hồi.
Thủ tướng Nga Putin từng tuyên bố, trong khi lợi dụng sự độc quyền trong việc lưu hành đồng tiền dự trữ lớn nhất toàn cầu, Mỹ lại yêu cầu Nga và các quốc gia khác tuân thủ những nguyên tắc tài chính nghiêm ngặt.
Theo ông Putin, các quốc gia chịu ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ của Mỹ không thể giải quyết các vấn đề lạm phát mà nước này đang phải đối mặt bằng cách kiềm chế thâm hụt ngân sách với việc in thêm tiền. Những hậu quả từ chính sách nới lỏng định lượng của Mỹ đã cho thấy một thực tế rằng nước này đã đi ngược lại với những tuyên bố Washington luôn minh bạch và tuân thủ các chính sách kinh tế thế giới.
Trong khi Mỹ là tác nhân chính thao túng thị trường tiền tệ toàn cầu thì nước này lại đẩy quả bóng sang Trung Quốc. Washington liên tục cáo buộc Bắc Kinh gây ra thiệt hại về kinh tế và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ. Mỹ cho rằng, Trung Quốc duy trì đồng Nhân dân tệ ở mức thấp để hưởng lợi về xuất khẩu nhưng trên thực tế, Mỹ lại gây tác động lớn và sâu rộng hơn bất kỳ một quốc gia nào khác.
Các nhà kinh tế từ các nước đang phát triển cho rằng Mỹ đang thực hiện chính sách nới lỏng nhưng trên thực tế và gọi chính xác hơn lại là một chính sách bóp nghẹt hàng loạt các nền kinh tế khác.
Thanh Hằng