Nội lực nằm ở chính mình

Cánh cửa đại học thời nay chẳng khác một xã hội phân tầng thu nhỏ, ở đó có trường công lập chưa tự chủ tài chính với mức học phí “dễ thở” với đại đa số con em lao động, dân ngoại tỉnh và không thiếu những ngôi trường chỉ “con nhà giàu” mới dám “mở cửa” bước vào.

Đầu tháng 10 là thời điểm tân sinh viên bắt đầu nhập học, bước vào hành trình của tuổi trưởng thành. Có bạn bước qua cánh cổng ấy từ những chiếc siêu xe vài chục tỷ đồng, cũng không ít những bạn giấu nhanh đôi mắt đỏ hoe khi thấy đôi bàn tay cằn cỗi của cha mẹ dùng hết khoản tiền tần tảo kiếm được để đóng học phí cho mình tìm kiếm tương lai…

Vừa trở thành tân sinh viên đại học, nhưng niềm vui của N.T.T.V. (quê Đồng Tháp, ngành Kế toán Trường ĐH Văn Hiến) còn bao gồm cả nỗi lo. V. mồ côi mẹ từ năm lớp 3, ba đi thêm bước nữa nên em ở với bà nội. Bà luôn mong cháu được học tới nơi tới chốn, nhưng ngày V. đỗ đại học, bà cũng đâm lo cho đoạn đường sắp tới. Ở nhà 2 bà cháu có gì ăn đó, đi học ở quê cũng không tốn bao nhiêu tiền, nhưng lên TPHCM thì khác, cái gì cũng cần tiền. V. đem ước mơ của bà và hoàn cảnh của mình trình bày với nhà trường và em được hỗ trợ 50% học phí cho 4 năm học để ước mơ chinh phục con chữ không phải dở dang.

M.A., một bạn học đồng khóa với V. ở Trường ĐH Văn Hiến, chia sẻ: 18 tuổi, em đỗ vào đại học - ngôi trường mà bản thân đã phấn đấu để được vào và là nguyện vọng đầu tiên khi điền vào bản đăng ký dự thi và xét tuyển bởi nó vừa sức. Cha em chạy xe ôm công nghệ và hôm em chính thức trở thành sinh viên ở ngôi trường mới, cha đã đưa em đến trường. Em qua quầy đăng ký, chụp hình…, cha đều dõi theo không sót.

Có lẽ hình ảnh mà em không bao giờ quên được chính là khi cha đóng tiền nhập học cho em. Lần đầu tiên em mới nhìn kỹ đôi tay của cha, đen sạm, thô ráp. Hơn chục triệu đồng cha cầm trên tay là bao nhiêu cuốc xe qua bao nhiêu tuyến đường cho em đi học…

ThS Huỳnh Ngọc Anh, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH HUTECH, nhắn nhủ: Chúng ta không thể chọn điểm bắt đầu, nhưng hoàn toàn có quyền chọn cho mình cách sống, hướng phấn đấu ở đích đến. Vì thế, đừng quan tâm những thứ không cần thiết, tập trung vào mục đích mà các em bước vào trường đại học. Đây là hành trình của khát vọng, của phấn đấu, của những dự án và deadline (hạn chót) chờ đón.

Chúng ta phải tự tin, mạnh dạn phá bỏ những rào cản, giới hạn, khó khăn để tìm cách tỏa sáng bằng việc đọc thật nhiều, học thật tốt, hoàn thành những mục tiêu đề ra, tham gia nhiều phong trào, tìm nhiều khóa học phát triển kỹ năng, xin học bổng từ các tổ chức… Đứng trước một cuộc cạnh tranh công bằng như thế, người biết khát vọng và nỗ lực hơn sẽ về đích. Xã hội có rất nhiều người thành công mà yếu tố quyết định không phải hoàn cảnh xuất thân, chính là sức mạnh nội lực.

Có người sinh ra trong một gia đình bình thường, người sinh ra ở vạch đích và có người phải lùi lại mới về vạch đích…, vì thế, việc thụ hưởng điều kiện sống và giáo dục cũng không giống nhau. Nhưng khi đứng trước kho tri thức, học thuật tường minh, mọi cá nhân đều bình đẳng, đều phải bỏ tâm trí và sự cố gắng ra để chinh phục.

Tin cùng chuyên mục