Hôm nay vừa tròn 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2013). Trong suốt chặng đường đầy khó khăn và thử thách, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, phong trào thi đua ái quốc đã trở thành động lực thôi thúc, động viên sức mạnh tiềm tàng của cả dân tộc, lập nên những thành tích vô cùng to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của phong trào thi đua yêu nước, năm 2008, Trung ương lấy ngày 11-6 hàng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước. Kể từ đó đến nay, phong trào thi đua yêu nước của nhân dân cả nước, trong đó có nhân dân TPHCM ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu, phát huy nội lực và tiềm năng thế mạnh, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội qua từng thời kỳ.
Nói tới thi đua là nói thi đua giữa người này với người khác, người này giúp người kia nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, tinh thần trách nhiệm với công việc. Phong trào thi đua yêu nước sản sinh những tấm gương người tốt việc tốt và là cách thức tốt nhất rèn luyện con người, để nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, nhất là ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Điểm nổi bật trong phong trào thi đua thời gian gần đây ở TP Hồ Chí Minh là tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua; quan tâm công tác phát hiện, nhân rộng các mô hình, sáng kiến, nhân tố mới và các điển hình tiên tiến.
Năm 2013, TP Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua yêu nước với khẩu hiệu “Đồng tâm - hiệp lực, vượt khó - thành công” nhằm tạo động lực để vượt qua khó khăn, thách thức phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh đã triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào thi đua tiếp tục thực hiện “Năm an toàn giao thông”, gắn với phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào “Toàn dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Toàn dân tham gia đấu tranh, trấn áp tội phạm”... Các phong trào này không chỉ giúp cho cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức chính trị, xã hội các cấp ở TP Hồ Chí Minh nâng cao vai trò trách nhiệm, sâu sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân, mà còn giúp cho từng tập thể, cá nhân tích lũy và truyền cho nhau kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Nhiều mô hình hay, sáng kiến cải tiến, nhân tố mới và điển hình tiên tiến ở TP Hồ Chí Minh liên tục được nhân ra, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong các cấp, các ngành, lĩnh vực và đời sống xã hội.
Để động viên và nuôi dưỡng phong trào thi đua, TP Hồ Chí Minh kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể đạt nhiều thành tích xuất sắc qua các phong trào, trong học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức Bác Hồ. Bài học lớn nhất để tổ chức thành công các phong trào thi đua ở TP Hồ Chí Minh là các địa phương, đơn vị biết tập hợp quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết nhằm tạo ra sự đồng thuận, thống nhất cao về ý chí và hành động trong xã hội theo phương châm “kế hoạch 10, biện pháp 20, quyết tâm 30”. Vẫn con người ấy, công việc ấy thôi, nhưng nếu biết cách tổ chức thi đua sẽ làm cho công việc đạt hiệu quả cao hơn. Ngược lại, nơi nào thiếu vắng phong trào thi đua là nơi đó thiếu vắng không khí làm việc tích cực, động lực phấn đấu, từ đó làm cho hiệu quả công việc đạt thấp. Nhưng hệ lụy nguy hiểm hơn, thiếu vắng thi đua sẽ làm trỗi dậy chủ nghĩa cá nhân, làm nảy sinh tư tưởng trung bình chủ nghĩa, an phận. Đó cũng là nguy cơ của sự trì trệ, bảo thủ và tụt hậu - mảnh đất cho tệ tham nhũng, tiêu cực sinh sôi, nảy nở…
Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời thi đua ái quốc cũng là dịp để nhắc nhở mỗi người, mỗi đơn vị ở TP Hồ Chí Minh có nhận thức đúng đắn hơn về vị trí, vai trò của thi đua yêu nước, xem đây là giải pháp nhân lên sức mạnh nội lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
TUẤN SƠN