Tại Hội nghị quốc gia về công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, vấn đề phổ cập công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục và phát triển nguồn nhân lực CNTT một lần nữa lại nhận được nhiều sự quan tâm. Nếu không phổ cập được internet trong giáo dục, cũng như không đào tạo được nguồn nhân lực CNTT cần thiết, những mục tiêu phát triển CNTT của đất nước khó trở thành hiện thực.
Xóa bỏ “khoảng cách số”
Thực ra, vấn đề phổ cập CNTT nói chung và kết nối internet đến trường học không mới. Khoảng 10 năm về trước, câu chuyện này đã được nói đến rất nhiều. Vào thời điểm đó, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã triển khai chương trình đưa internet đến trường học. Kết quả ban đầu khá khả quan.
Tuy nhiên, sau đó vì chi phí quá lớn và không nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ của xã hội nên vấn đề này chững lại. Gần như trường học nào cũng phải tự lo cho mình. Với những địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, việc thực hiện lại càng khó khăn...
Vấn đề nói trên được xới lại vào đầu năm 2008, khi Viettel tuyên bố sẽ thực hiện miễn phí việc kết nối internet băng thông rộng cho tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Ở những nơi không kéo được cáp đồng, Viettel trang bị Modem USB Edge và khi có 3G thì trang bị Modem 3G...
Đến đầu tháng 12-2010, Viettel cho biết đã tiến hành chuyển đổi thiết bị kết nối internet từ Modem USB Edge sang Modem USB 3G cho trên 11.000 cơ sở giáo dục nằm trong chương trình kết nối internet giáo dục miễn phí.
Với kết quả này, Viettel đã đảm bảo 70% số cơ sở giáo dục trên toàn quốc được kết nối internet băng thông rộng thông qua công nghệ cố định và không dây. Trước đó, vào cuối tháng 7-2010, Viettel chính thức hoàn thành 100% chương trình kết nối mạng internet cho 29.547 cơ sở giáo dục của ngành giáo dục Việt Nam, sớm hơn gần 6 tháng so với kế hoạch đề ra.
Với kết quả này, gần 30 triệu thầy cô, học sinh và sinh viên của các cơ sở giáo dục của cả nước đã có điều kiện tiếp cận với dịch vụ internet trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Một năm trở lại đây, rất nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa tại Điện Biên, Lai Châu, vùng Tây Nguyên, Nam bộ... đều được nối mạng giáo dục từ chương trình này.
Theo TS Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD-ĐT), việc kết nối internet trường học là nối thông các trường học với cộng đồng thế giới để ngay lập tức thụ hưởng công nghệ hiện đại nhất.
“Việc kết nối sẽ giúp xóa đi khoảng cách lạc hậu, vùng miền. Ở vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận với CNTT là rất khó khăn. Bởi vậy, việc đưa kiến thức hiện đại, xóa bỏ “khoảng cách số” thì truyền hình và phát thanh không làm được nhưng internet làm được, TS Quốc Tuấn Ngọc phân tích.
Hướng đến nền giáo dục điện tử
Theo các chuyên gia, nếu không kết nối được internet băng rộng đến các trường học, hay nói cách khác là không có một mạng giáo dục thật sự, việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT gần như không thể thành công. Bởi nếu không có internet để thầy cô và học sinh tham khảo, việc đào tạo nhân lực ngành CNTT không khác gì “ếch ngồi đáy giếng”.
Việc kết nối internet có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển nền giáo dục hiện đại. Điều đó theo đánh giá của các chuyên gia, bản thân ngành giáo dục không thể tự mình làm được, mà cần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp CNTT và viễn thông.
Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: “Chúng tôi sẽ duy trì lâu dài việc kết nối internet miễn phí đến tất cả các trường học. Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận và thông thường được đo bằng tiền. Tuy nhiên, ngoài những hiệu quả đo được bằng tiền, doanh nghiệp còn có thêm giá trị ảo như thương hiệu và uy tín đối với xã hội...”.
Có thể nói, việc ứng dụng CNTT hướng tới một nền giáo dục điện tử ở Việt Nam đang trong tầm tay. Về mặt nội dung, Việt Nam đang tiếp cận với nhiều nội dung đào tạo của thế giới có thể cung cấp tới từng trường thông qua CNTT.
Cách đây ba năm, theo báo cáo của SEAMEO (Tổ chức Bộ trưởng giáo dục của các nước ASEAN), Việt Nam được các nước đánh giá ngang hàng với Lào, Campuchia về việc ứng dụng CNTT trong GD-ĐT. Nhưng mới đây SEAMEO đã xếp Việt Nam cùng hàng với Singapore, Malaysia, Thái Lan và trên Indonesia; trong đó Thái Lan và Việt Nam vượt trội hơn cả.
“Tôi nghĩ năm 2010, khi chúng ta kết nối internet tới 100% trường phổ thông là một mốc quan trọng của ngành GD-ĐT Việt Nam. Khi làm được việc này, Việt Nam sẽ là một trong 50 nước trên toàn thế giới có 100% các trường được nối mạng internet”, TS Quách Tuấn Ngọc cho biết.
TRẦN LƯU