Nói nhỏ, nói khéo

Gameshow truyền hình, gameshow phát trên mạng xã hội trở thành món giải trí tinh thần được nhiều khán giả ưa thích. Với sự hài hước của nghệ sĩ, khách mời và tính dễ xem, dễ hiểu của nội dung nên nhiều tập phát sóng nhanh chóng đạt mức triệu view và hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận. 

Và cũng trong sự nở rộ của hàng loạt gameshow đó, để giữ được những lượt view cao buộc nhà sản xuất phải liên tục làm mới nội dung cũng như khách mời. Trong số đó, có không ít nhà sản xuất khai thác về cộng đồng LGBT (Lesbian - đồng tính nữ, Gay - đồng tính nam, Bisexual - song tính, Transgender - chuyển giới) được nhiều chương trình đẩy mạnh như một chủ đề mang tính “độc - lạ” và khả năng câu view luôn ở mức triệu view trở lên.

Với tần suất ngày càng nhiều các chương trình như: C.O, J.L, L.W, N.C.V.N…, không ít tập phát sóng, khiến khán giả đỏ mặt vì những câu chuyện tế nhị, thậm chí là phẫn nộ vì nội dung ngày càng lạm dụng chủ đề “LGBT”. Từ những câu chuyện đấu tranh để sống thật với giới tính, đến cả chuyện nhạy cảm trong đời sống vợ chồng riêng tư của những người chuyển giới cũng được phơi bày một cách thô thiển.

“Rồi vợ chồng em quan hệ sao?”, “Tính đứa nào sinh con?”, “Chuyện đó OK không?”… Những câu hỏi không chỉ người trả lời phải đỏ mặt mà ngay cả khán giả xem cũng cảm thấy ngượng ngùng thay. Có những tập phát sóng, khách mời chỉ khiến khán giả thêm ngao ngán, khi những hiện tượng mạng xuất hiện với câu trả lời từ ngô nghê đến thô và tục. Có khách mời với những câu chuyện chia sẻ chẳng mang lại chút giá trị giáo dục, thẩm mỹ nào khi tự hào kể chuyện thích khoe mông, lộ hàng vì mặc đồ hở…

Ở những chương trình xe duyên cho các cặp đôi, cộng đồng LGBT cũng được đưa vào và khai thác triệt để. Điều khiến người xem cảm thấy khó chịu hơn hết là việc “dán nhãn màu” cho các khách mời nam (xanh - độc thân; đỏ - đã có vợ/người yêu; tím - người thuộc giới tính thứ 3), nhìn ngoại hình hay cử chỉ để phán đoán về xu hướng tình dục, điều này chẳng khác gì việc đánh giá một người chỉ qua vẻ bề ngoài.

Trong một tập phát sóng khi khách mời là một cô gái chuyển giới, nam MC của chương trình N.A.L.A chia sẻ: “Để định nghĩa lại về chuyển giới: Chuyển giới là sinh ra tâm hồn, tính cách, suy nghĩ, niềm tin đều là một người phụ nữ, không bao giờ yêu phụ nữ, chỉ thích yêu đàn ông” và cố vấn của chương trình - một hoa hậu chuyển giới cũng khẳng định thêm: “Chính vì thế, họ chỉ yêu những người đàn ông thẳng”.

Ngay sau tập phát sóng này, nhiều khán giả, nhất là cộng đồng LGBT đã bày tỏ bức xúc, vì một người chuyển giới vẫn có thể yêu người cùng hoặc khác giới tính với mình. Sau những ý kiến phản hồi đó, phía hoa hậu chuyển giới cũng đã đăng đàn xin lỗi và thừa nhận thiếu sót, tuy nhiên ít nhiều khán giả đã bớt thiện cảm với cách khai thác về cộng đồng LGBT của chương trình này.

Áp lực view để duy trì một gameshow luôn là bài toán được các nhà sản xuất chương trình cân nhắc bởi lượt view quyết định các yếu tố tài trợ, quảng cáo để duy trì kinh phí cho chương trình. Tuy nhiên, có những đề tài, câu chuyện cần được chia sẻ một cách tế nhị và tinh tế chứ không phải câu view đến mức thô thiển. Hãy dành cho cộng đồng LGBT những chương trình thật sự tử tế, không chiêu trò và không đem họ ra để bàn tán như thể một hiện tượng “lạ”. 

Tin cùng chuyên mục