Nỗi niềm “hạt đắng”

Thời điểm cuối năm này, cùng với khu vực Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ cũng đang vào chính vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2016. Với giá cà phê nhân xô nội địa cuối tháng 11 từ 42.300 - 43.000 đồng/kg, xem ra đã cao hơn đầu vụ năm ngoái gần 10.000 đồng/kg và là mức giá khá tốt trong nhiều năm qua. Nhưng đây có lẽ là “điểm sáng” hiếm hoi của những người trồng cà phê.
Nỗi niềm “hạt đắng”

Thời điểm cuối năm này, cùng với khu vực Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ cũng đang vào chính vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2016. Với giá cà phê nhân xô nội địa cuối tháng 11 từ 42.300 - 43.000 đồng/kg, xem ra đã cao hơn đầu vụ năm ngoái gần 10.000 đồng/kg và là mức giá khá tốt trong nhiều năm qua. Nhưng đây có lẽ là “điểm sáng” hiếm hoi của những người trồng cà phê.

Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 30 năm qua vào đầu năm 2016, đã khiến nguồn nước tại khu vực này cạn kiệt, dẫn đến hàng ngàn hécta cà phê cháy khô. Mặt khác, khi vào mùa mưa, nhiều cơn mưa liên tục đã tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển; làm sản lượng, năng suất cà phê sụt giảm trầm trọng. Tính toán sơ bộ, tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong tổng số gần 50.000ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh, vụ thu hoạch năm nay sản lượng chỉ còn khoảng 60% so với năm trước. Điệp khúc “mất mùa, được giá” khiến người trồng không có niềm vui trọn vẹn.

Trong khi đó, tại huyện Bù Đăng - vùng chuyên canh cà phê trọng điểm của tỉnh Bình Phước, người dân lại phải đối mặt với nạn hái trộm cà phê. Kẻ trộm thường lợi dụng sơ hở của chủ vườn vào ban đêm, mang theo bạt vào tuốt quả. Theo tìm hiểu, tình trạng trộm cắp cà phê có lắng dịu mấy năm qua vì giá xuống thấp. Nhưng năm nay, khi cà phê có giá thì vấn nạn này tái diễn rầm rộ trở lại. Dù người dân đã tích cực đề phòng cảnh giác nhưng kẻ trộm luôn theo dõi, tìm sơ hở của chủ vườn để chặt cây, bẻ cành, tuốt trái. Thủ đoạn trộm cắp đó đang là nỗi ám ảnh của rất nhiều hộ gia đình trồng cà phê.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, sản xuất cà phê đang chịu ảnh hưởng nặng do tình hình hạn hán nghiêm trọng nhất suốt 3 thập kỷ qua. Thiếu nước, khô hạn đe dọa gần 180.000ha cà phê ở Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ, trong đó có hơn 40.000ha bị hư hỏng. Dự kiến, Việt Nam có khả năng chỉ xuất khẩu hơn 1 triệu tấn cà phê nhân trong năm nay, giảm 25% so với năm 2015.

Tạm quên những lo toan nói trên, giá cà phê nhân xô gia tăng ngay đầu vụ thu hoạch đã giúp người trồng thêm hy vọng về loại cây công nghiệp dài ngày này (kết thúc vụ vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán). Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước cũng khuyến cáo rằng, mặc dù Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu cà phê nhân xô, nhưng giá cả lại phụ thuộc vào thị trường thế giới, cụ thể là những nhà đầu cơ lớn. Vì vậy, công tác dự báo giá cà phê rất khó chuẩn xác. Do đó, các nông hộ nên cân nhắc kỹ, khi quyết định bán hay tiếp tục trữ cà phê chờ giá tăng cao mới đưa ra thị trường tiêu thụ để thu lợi nhuận nhiều hơn.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục