Nỗi niềm Krăng-gọ

Ở thượng nguồn dòng Đa Nhim, có một buôn làng được đặt tên bằng chính tên gọi nghề thủ công truyền thống gắn bó với tộc người Churu từ bao đời, đó là Krăng-gọ (xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Trong tiếng Churu, Krăng-gọ có nghĩa làm gốm. Nghề gốm của người Churu ở làng Krăng-gọ xưa nổi tiếng khắp vùng Nam Tây Nguyên, nay có nguy cơ thất truyền.
Nỗi niềm Krăng-gọ

Ở thượng nguồn dòng Đa Nhim, có một buôn làng được đặt tên bằng chính tên gọi nghề thủ công truyền thống gắn bó với tộc người Churu từ bao đời, đó là Krăng-gọ (xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Trong tiếng Churu, Krăng-gọ có nghĩa làm gốm. Nghề gốm của người Churu ở làng Krăng-gọ xưa nổi tiếng khắp vùng Nam Tây Nguyên, nay có nguy cơ thất truyền.

  • Huy hoàng một thuở

Không ai biết nghề làm gốm ở Krăng-gọ có từ lúc nào. Ngay cả những người cao tuổi nhất ở làng này cũng nói rằng, khi họ lớn lên đã thấy đôi bàn tay khéo léo của bà, của mẹ nhào nặn nên những chiếc gọ (nồi đất, chum đất) và nhiều vật dụng tiện lợi trong gia đình. Rồi nghề gốm cứ thế được truyền cho đời con, đời cháu một cách tự nhiên.

Người Krăng-gọ thường làm gốm vào mùa khô hàng năm, thời điểm vừa thu hoạch xong mùa màng và điều kiện thời tiết thuận lợi. Để có được sản phẩm gốm, đầu tiên, người Krăng-gọ lấy đất ở núi Trồm Ụ mang về phơi khô, giã nhuyễn rồi sàng lấy đất mịn có lẫn một ít cát sỏi, sau đó cho đất vào cối trộn thêm ít nước rồi giã, nhào cho đến khi đất quánh lại.

Cách làm gốm của người Krăng-gọ cơ bản giống cách làm của người Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận), tức không dùng bàn xoay mà người làm phải quay quanh sản phẩm để nặn. Nặn xong, mang phơi khoảng 2 nắng cho khô, dùng quả trám rừng đánh bóng rồi cho vào nung. Cách nung gốm Krăng-gọ cũng khá đặc biệt, đó là nung lộ thiên cứ không có lò, cứ cho gốm lên mặt đất rồi chất củi đốt trong vòng từ 1 - 2 giờ là gốm chín.

Tou Prong Danh giới thiệu cách làm gốm Krăng-gọ.

Tou Prong Danh giới thiệu cách làm gốm Krăng-gọ.

Ông Tou Prong Cường, một người con của làng Krăng-gọ và hiện là Chủ tịch HĐND xã Pró, cho biết, từ năm 1975 trở về trước, ở Krăng-gọ hầu như nhà nào cũng làm gốm và đây là làng nghề duy nhất cung cấp sản phẩm gốm cho cư dân khu vực Nam Tây Nguyên. Hồi đó, người ta không mua bán mà chỉ mang gốm đi đổi lấy lúa gạo, gà, dê, cồng chiêng, nhẫn bạc hoặc các đồ trang sức khác. Cách thức đổi cũng rất đơn giản, chỉ mang tính ước lượng tương đối chứ không cân nhắc chi li, còn nếu là lúa gạo, cứ đong đầy sản phẩm gốm, rồi bên lấy gạo, bên lấy gốm.

  • Krăng-gọ nhớ... gốm

Về Krăng-gọ lần này, dò tìm mãi nhưng chúng tôi không thấy người làng làm gốm. Tou Prong Danh, Trưởng thôn Krăng-gọ, cho hay, hiện người biết làm gốm trong làng vẫn còn nhiều, đa số là phụ nữ nhưng không ai theo nghề nữa vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Ma Phương, nghệ nhân gốm lành nghề bậc nhất ở Krăng-gọ, bùi ngùi kể: Trước đây, lúc nông nhàn, phụ nữ trong làng ai cũng làm gốm nhưng nay làm không ăn thua nên họ bỏ hết. Thỉnh thoảng, tôi lên núi Trầm Ụ lấy ít đất về nhào nặn cho đỡ “lụt nghề”, sản phẩm làm ra mang tặng người thân chứ không bán buôn gì. Cũng theo Ma Phương, chị em trong làng vẫn còn yêu nghề, nhớ nghề lắm, chỉ mong tìm được hướng đi để tiếp tục làm nghề.

Rời Krăng-gọ, chúng tôi băn khoăn mãi với câu nói của Tou Prong Cường, người đã hiến 1.000m² đất để xây nhà trưng bày gốm: “Những nghệ nhân lành nghề gốm như chị Ma Phương không còn nhiều và tuổi mỗi ngày một cao. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời để họ truyền nghề cho thế hệ sau thì nghề gốm Krăng-gọ chắc chắn sẽ thất truyền”. 

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục