Dự thảo thông tư mới về Bảo hiểm thất nghiệp

Nới rộng quyền lợi người thất nghiệp

Khắc phục các khiếm khuyết
Nới rộng quyền lợi người thất nghiệp

Sau gần 1 năm thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cho người lao động (NLĐ) mất việc, nghỉ việc, các quy định vẫn còn bất cập khiến cơ quan trực tiếp chi trả TCTN lúng túng và gây khó khăn cho người thụ hưởng. Cục Việc làm (Bộ LĐTB-XH) vừa hoàn tất dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) mới trình Bộ LĐTB-XH nhằm bổ sung những quy định chặt chẽ hơn 2 thông tư ban hành trước đó.

Nhiều người lao động đăng ký thất nghiệp tại Sở LĐTB-XH TPHCM.

Nhiều người lao động đăng ký thất nghiệp tại Sở LĐTB-XH TPHCM.

Khắc phục các khiếm khuyết

Dự thảo thông tư mới được đánh giá là đã khắc phục được một số khiếm khuyết mà trước đó Thông tư 04/2009 và Thông tư 34/2009 của Bộ LĐTB-XH đều chưa đề cập hoặc chưa làm rõ nên gây khó khăn cho NLĐ khi làm các thủ tục hưởng TCTN. Cụ thể, cả hai thông tư trước đây không nói rõ thế nào là “tháng đóng bảo hiểm BHTN” làm cơ sở tính TCTN cho NLĐ nên đã gây không ít khó khăn khi thực hiện.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo nêu rõ: “Được tính là tháng đóng BHTN nếu người sử dụng lao động, NLĐ đã đóng BHTN và NLĐ đã làm việc ít nhất một ngày trong tháng đó”. Trong chính sách BHTN hiện hành, đối tượng tham gia còn hạn hẹp, vì vậy dự thảo thông tư mới này đã mở rộng phạm vi áp dụng tới các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp... nếu các cơ quan, đơn vị này có sử dụng từ 10 lao động trở lên. Mặt khác, nếu như trước đây NLĐ bị tạm giam và thời gian tạm dừng TCTN không được truy lĩnh thì dự thảo thông tư mới cho phép những người bị tạm giam oan sai được truy lĩnh TCTN.

Về xác định như thế nào là có việc làm, dự thảo thông tư mới cũng nêu rõ, NLĐ được xác định có việc làm khi đã giao kết HĐLĐ, hợp đồng làm việc (kể cả thời gian thử việc có hưởng lương) từ đủ 3 tháng trở lên; có quyết định tuyển dụng (người không thuộc đối tượng ký HĐLĐ, hợp đồng làm việc); chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền.

Trong quy định hiện hành, NLĐ phải đăng ký thất nghiệp trong vòng 7 ngày và hoàn thành thủ tục trong vòng 15 ngày kể từ ngày thất nghiệp dẫn đến nhiều trường hợp bị từ chối hoặc cắt hưởng TCTN do quá thời hạn đăng ký. Dự thảo thông tư mới lại cho phép được đăng ký và hoàn thành các thủ tục trong vòng 30 ngày kể từ khi mất việc nếu có các xác nhận ốm đau, thai sản, bị tai nạn hoặc thiên tai địch họa. Trong trường hợp trên, NLĐ cũng không phải thông báo tình trạng việc làm trong vòng ba tháng mà không bị cắt TCTN.

Một trong các chế độ TCTN hiện nay mà NLĐ được hưởng là hỗ trợ học nghề. Thế nhưng, thực tế nhiều trường hợp không được học nghề vì trong thời gian hưởng TCTN lại không có khóa đào tạo nghề. Vì vậy, dự thảo quy định quyết định hỗ trợ học nghề được ban hành trong thời gian NLĐ đã hết hưởng TCTN hoặc khóa học nghề được bắt đầu sau khi có quyết định nhưng tối đa không quá 3 tháng, NLĐ vẫn được hưởng hỗ trợ học nghề cho hết thời gian quy định hỗ trợ học nghề (6 tháng).

Còn vướng mắc

* Dự thảo thông tư mới bổ sung trường hợp NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị mà do BHXH chi trả thì cả NLĐ và người sử dụng lao động không phải đóng BHTN tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHTN khi mất việc hoặc nghỉ việc.

Về khái niệm “lý do chính đáng” khi từ chối việc làm mới, 2 thông tư trước đây chưa làm rõ được khái niệm khiến cho cơ quan thực hiện BHTN và NLĐ lúng túng. Nay, dự thảo thông tư mới nêu rõ: “Người thất nghiệp sau 2 lần từ chối nhận việc làm do Trung tâm GTVL giới thiệu mà không có lý do chính đáng sẽ bị chấm dứt TCTN”. Người thất nghiệp đang hưởng TCTN từ chối nhận việc mà việc đó họ đã từng làm; từng được đào tạo, bồi dưỡng hoặc là lao động phổ thông nhưng từ chối làm công việc cần lao động phổ thông, được cho là lý do không chính đáng và sẽ bị cắt TCTN. Về vấn đề này, hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và còn thiệt thòi cho NLĐ. Chị Nguyễn Kim Chung (quận Bình Tân) cho biết, chị làm công nhân may đã lâu nhưng nay do bị đau lưng không ngồi may thường xuyên được nên muốn tìm công việc khác phù hợp với tình hình sức khỏe. “Chiếu theo quy định này, nếu trung tâm GTVL giới thiệu công việc mới cho tôi là ngành may mà tôi từ chối sẽ không được hưởng TCTN thì quá vô lý”, chị Chung bức xúc. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về “lý do chính đáng” vẫn còn chưa chặt chẽ, thiếu thực tế gây bất lợi cho NLĐ. Đơn cử, người thất nghiệp đã được giới thiệu đúng công việc, nhưng địa điểm làm việc quá xa so với chỗ ở, không phù hợp với sức khỏe, không phù hợp với thời gian chăm sóc gia đình… chẳng lẽ trong thời gian chờ tìm việc làm thích hợp, họ không được hưởng TCTN?

Một vấn đề đặt ra hiện nay là tình trạng doanh nghiệp không kịp thời chốt số BHXH để NLĐ đi làm thủ tục hưởng TCTN đúng thời gian nhưng dự thảo thông tư cũng chưa làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn nợ tiền BHTN của NLĐ sẽ được giải quyết như thế nào khi họ bị mất việc? Nếu không có những quy định chặt chẽ, rõ ràng, không ít NLĐ có nguy cơ không được hưởng BHTN, trong khi lỗi thuộc về doanh nghiệp. Điểm này cũng cần được đưa vào trong thông tư mới để tránh lúng túng khi thực hiện.

Hồ Thu

Tin cùng chuyên mục