Đến hẹn lại lên, quý cuối năm luôn là mùa cao điểm về vốn để doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh mùa tết và cá nhân mua sắm. Tận dụng dịp này, các ngân hàng tranh thủ đẩy mạnh vốn ra thị trường thông qua nhiều gói lãi suất ưu đãi, ngay cả khi tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng hiện nay đã khá cao.
Nguồn vốn từ ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp BOTT chủ động nguồn nguyên liệu, sản xuất ổn định. Ảnh: Cao Minh
Đua nhau ưu đãi lãi suất
Trong 6 tháng đầu năm 2015, GDP cả nước tăng 6,28%, cao hơn so với cùng kỳ 5 năm trước. Cùng với đó, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2015, các chỉ số vĩ mô cũng có sự chuyển biến tích cực, như lạm phát thấp, niềm tin kinh doanh và tiêu dùng tăng lên… Đây chính là những yếu tố thuận lợi để hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi trở lại; và cũng là cơ hội để ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng, đặc biệt, hiện đang là những tháng cao điểm về nhu cầu tiêu dùng cũng như sản xuất kinh doanh. Nắm bắt nhu cầu này, ABBANK vừa đưa ra gói 2.500 tỷ đồng với mức lãi suất hợp lý cùng các phương án trả lãi linh hoạt phục vụ các mục đích mua nhà - đất, xây - sửa nhà; mua ô tô; vay phục vụ sản xuất kinh doanh… Theo đó, với khoản vay từ 100 triệu đồng trở lên, khách hàng có thể lựa chọn lãi suất linh hoạt từ 7,49%/năm hoặc lãi suất cố định 9,5%/năm trong suốt thời gian vay. Ngân hàng VietCapital Bank cũng đang có chương trình cho vay mua ô tô, mua bất động sản, cho vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm, cho vay sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi 6,5%/năm.
Có thể nói, những tháng cuối năm là cơ hội vàng cho thị trường bán lẻ. Hiện tăng trưởng tín dụng mảng cho vay cá nhân của các ngân hàng khá cao. Tính đến đầu tháng 10-2015, ABBANK cho biết đã hoàn thành 105% kế hoạch dư nợ cá nhân; trong đó, dư nợ tín dụng từ các gói hỗ trợ lãi suất đã có dư nợ gần 1.500 tỷ đồng và ngân hàng này cho biết dự kiến dư nợ cá nhân sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Bà Vũ Thu Hằng, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân ABBANK, cho biết, ABBANK sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh mảng tín dụng cá nhân thông qua các gói ưu đãi, một mặt đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của khách hàng, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh đang vào mùa cao điểm; mặt khác cũng nhằm hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm tài khóa 2015. Ngân hàng ACB, cũng cho biết, hiện ngân hàng đã có mức tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu đề ra trong năm, lên xấp xỉ 13% trong đó, cho vay cá nhân chiếm 70%. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB, cho biết sẽ xin “nới room” tín dụng lên khoảng 15% cho nhu cầu vốn cuối năm và ngân hàng này cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh vốn ra thị trường bán lẻ.
Không chỉ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, để đáp ứng nhu cầu vốn cho DN vừa và nhỏ dịp Tết Bính Thân, nhiều ngân hàng cũng đã tung ra các gói lãi suất dành riêng cho DN. HDBank đang dành tới 4.000 tỷ đồng cho vay dành cho khách hàng DN đảm bảo bằng thẻ tiết kiệm VND và USD với lãi suất từ 6,5%/năm tùy từng kỳ hạn của thẻ tiết kiệm để DN bổ sung vốn lưu động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm. Tương tự, Vietcombank cho biết sẽ có gói cho vay lãi suất 5,5 % - 5,9%/năm dành cho DN nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn là phục vụ sản xuất, chế biến, thương mại các mặt hàng tết như thực phẩm, lương thực, đồ uống, hàng tiêu dùng…
Lãi suất cho vay có thể nhích lên
Nhìn chung, các ngân hàng đang mạnh tay đẩy vốn ra thị trường với nhiều chính sách lãi suất cạnh tranh. Tuy nhiên, một số khách hàng vay các chương trình ưu đãi lãi suất cho biết thực tế không giảm nhiều so với lãi suất cho vay thông thường vì các ngân hàng chỉ đưa ra chính sách vốn rẻ trong thời gian đầu, sau đó sẽ áp dụng theo lãi suất thị trường. Chẳng hạn như với gói 25.000 tỷ đồng, ABBANK chỉ áp dụng lãi suất 7,49%/ năm trong vòng 3 hoặc 6 tháng giải ngân đầu tiên, tương ứng với các khoản vay có kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng và từ 12 tháng đến dưới 24 tháng. Đối với khoản vay có kỳ hạn từ 24 tháng trở lên, khách hàng vay với lãi suất cố định 7,99%/năm trong suốt 12 tháng giải ngân đầu tiên. VietCapital Bank cũng chỉ áp dụng lãi suất 6,5% cố định trong 6 tháng đầu… Gói vay hỗ trợ DN vừa và nhỏ của Vietcombank cũng chỉ áp dụng trong thời hạn 1-6 tháng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, mức lãi suất ưu đãi không phải là mức phổ biến được các ngân hàng áp dụng cho đại đa số khách hàng, mà có sự chọn lọc. Thực tế cho thấy, chỉ có các DN có “sức khỏe” tốt mới thực sự “chạm tay” được mức lãi suất thấp khi vay.
Khảo sát trên thị trường cho thấy, lãi suất huy động các ngân hàng đang áp dụng dao động ở mức 6-7%/năm. Thậm chí, các ngân hàng quy mô nhỏ, huy động đầu vào vẫn ở mức 7,3% - 7,5%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng vì thời gian gần đây, các ngân hàng cũng đã tăng nhẹ lãi suất huy động VND để giữ chân khách hàng tránh chuyển qua USD sau khi Ngân hàng nhà nước điều chỉnh tỷ giá. Chính vì thế, các chuyên gia tài chính nhận định, từ đây đến cuối năm, các DN khó có thể được vay vốn ở mức 6,5% - 7,5%/năm như định hướng của Ngân hàng nhà nước. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB, cũng cho rằng, mặc dù từ đây đến cuối năm, các ngân hàng sẽ đưa ra các mức lãi suất cho vay cạnh tranh để đẩy vốn ra thị trường, tuy nhiên lãi suất cho vay khó có khả năng giảm mà có thể sẽ nhích lên, margin lãi suất (chênh lệch huy động và cho vay) ở mức 3%.
MINH HUY