Thủ đô Baghdad, Iraq bắt đầu một tuần mới bằng 15 vụ đánh bom xe hơi khiến hơn 150 người thương vong. Chỉ riêng tháng 7, số người chết bởi bạo lực ở xứ nghìn lẻ một đêm vào khoảng 700 người.
10 năm sau khi Mỹ xâm lược, Iraq - một trong những quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới - đang bất ổn hơn bao giờ hết. 18 tháng sau khi quân đội Mỹ rút quân khỏi nước này, quốc gia 35 triệu dân vẫn tiếp tục bị chia rẽ. Ở phía Bắc, nơi cộng đồng người Kurd sống tương đối yên bình, đang ngày càng thể hiện xu hướng độc lập, tách khỏi chính quyền trung ương. Phần còn lại của Iraq thì đang phải chứng kiến xung đột gay gắt giữa cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite và Hồi giáo dòng Sunni.
Mỹ xâm lược Iraq vào mùa xuân năm 2003 để lật đổ chính quyền của người Hồi giáo dòng Sunni do Tổng thống Saddam Hussein đứng đầu. Các cuộc bầu cử sau đó đã đưa lực lượng của người Hồi giáo dòng Shiite lên cầm quyền. Thủ tướng Iraq đương nhiệm Nouri Al-Maliki cũng là một người Shiite. Trong chính quyền Iraq hiện nay, những vị trí quan trọng đều vắng bóng người Sunni. Điều này giải thích cho lý do các lực lượng đối lập tại Iraq liên tục phản đối chính phủ, cáo buộc ông Al-Maliki “độc tài”. Người Sunni tổn thương trỗi dậy để chống lại các hành động phân biệt đối xử. Các vụ tấn công nhằm vào người Shiite không ngừng diễn ra kể từ khi Mỹ đặt chân vào Iraq đến nay.
Trong khi đó, những diễn biến tại Syria khiến nhiều người thêm lo ngại sẽ góp phần làm sâu sắc thêm những chia rẽ tại Iraq. Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad được người Shiite ủng hộ đang ở trong cuộc chiến chống lại lực lượng đối lập dòng Sunni. Thời gian qua, không ít người Sunni tại Iraq đã vượt biên, sát cánh cùng những đồng đạo tại Syria để chống lại Tổng thống al-Assad. Thủ tướng Al-Maliki đã lên tiếng quan ngại rằng việc tham gia cuộc chiến tại Syria có thể khuyến khích người Sunni tiến hành các cuộc nổi dậy khác và khi đó, sự đối đầu giữa người Shiite và Sunni tại Iraq có thể còn tệ hại hơn bây giờ.
Một điều đáng lo nữa cho an ninh Iraq đó là sự chia rẽ đang tạo ra môi trường thuận lợi cho các lực lượng khủng bố như Al-Qaeda hoạt động. Nhà nước Hồi giáo Iraq - tổ chức được thành lập đầu năm nay tập hợp từ các chi nhánh của Al-Qaeda tại Iraq và Syria - đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ đánh bom đẫm máu ngày 29-7. Trước đó, Al-Qaeda cũng cho biết đã nhúng tay vào vụ tấn công nhà tù Abu Ghraib và Taji nhằm giải thoát cho 500 tay súng cực đoan bị giam giữ.
Không ít người cho rằng Mỹ phải nhận trách nhiệm chính cho tình trạng bất ổn kéo dài tại Iraq hiện nay. Từ lý do ngụy tạo Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt để tấn công, xâm lược nước này nhằm đảm bảo lợi ích của Mỹ tại khu vực, Washington đã làm Iraq rơi vào vòng xoáy xung đột sắc tộc. Hậu quả từ cuộc xâm lược của Mỹ là dù trong tháng Ramadan, thời điểm người đạo Hồi sống chậm lại để người dân cầu nguyện, hướng về những gì tốt đẹp nhất, các vụ tấn công vẫn diễn ra, cướp đi sinh mạng của hàng trăm con người. Một nhà nước ngày càng yếu. Một quốc gia đang bị chia cắt lãnh thổ. Từng ngày một, Iraq đang lâm vào tình trạng giống như Syria, nước láng giềng phía Tây. Nỗi e ngại tình trạng đổ máu đẩy quốc gia Trung Đông này quay lại cuộc nội chiến quy mô lớn mà đỉnh điểm là những năm 2006 - 2007 không phải là điều phi thực tế!
ĐỖ CAO