Một buổi trưa, tại Trường Giáo dục - Đào tạo và Giải quyết việc làm số 3 (tỉnh Bình Dương), hàng trăm học viên nữ đang trong giờ lao động. Người thì cầm chổi quét dọn, chị xách nước nấu cơm, một nhóm khác khoảng chục học viên đang ngồi đan những chiếc sọt… Vượt qua những cơn vật vã do đói thuốc, những mặc cảm, thiếu thốn… nhiều học viên quyết tâm “lột xác” để trở về làm lại cuộc đời.
Những tháng ngày đen tối
“Bi kịch của cuộc đời em bắt đầu từ lúc em đưa tay nhận thứ bột trắng chết người”. Đó là lời tâm sự của cô bé Tuyết Ngân (sinh 1992), học viên đội 3. Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền lành, nếu không gặp em tại đây mấy ai có thể ngờ rằng cô bé có vẻ ngoài hiền lành, nhút nhát ấy lại từng dính đến ma túy.
Bằng chất giọng đều đều, đượm buồn, Ngân bắt đầu kể về những tháng ngày nhiều sóng gió mà em đã trải qua: “Quê em ở Bình Thuận. Từ nhỏ, em sống với mẹ và anh trai. Nhà nghèo, cả hai anh em chẳng ai được đi học. Năm 18 tuổi, em xin vào phụ việc trong tiệm cắt tóc của chị cùng xóm. Cuộc đời em cũng thay đổi từ đây. Nhóm bạn của chị có nhiều người nghiện. Vì còn nhỏ, nên em không biết cái mà các chị thường hút là gì. Nhưng mỗi lần chứng kiến họ phê thuốc em cũng thấy sờ sợ… Nhiều lần các chị bảo hút thử đi, không sao đâu. Sau vài lần từ chối thì em cũng… hút thử”. Rồi điều gì đến cũng phải đến, trong một đợt truy quét, Ngân bị bắt và được đưa vào trường cai nghiện.
Trẻ tuổi, nông nổi như Ngân mắc nghiện đã đành, đằng này có nhiều học viên ngấp nghé tuổi 30, 40 mà vẫn ra vào trung tâm như đi chợ. Chị Ngọc Huyền (quê ở Cần Giuộc - Long An) vướng vào ma túy cũng chỉ vì buồn chán. Chị kể: “Tôi không nghĩ có ngày cuộc đời mình tuột dốc như thế này. Cũng vì buồn chán chuyện gia đình tôi mới vướng vào thứ này. Lúc mới nghiện, gia đình tôi bất ngờ lắm nhưng rồi cũng vận động tôi cai ngay tại nhà. Được một thời gian, dù đã cắt cơn, không thèm thuốc nữa nhưng cảm giác tù túng hành hạ, “ngựa quen đường cũ”, tôi lại trốn nhà tìm đám bạn cũ và lao vào hút hít. Đến năm 2008, tôi bị bắt và đưa vào trường”.
Người đàn bà ngấp nghé tuổi 40 rưng rưng khi nhắc đến hai đứa con nhỏ. Chị tự hứa với mình: “Lần này phải quyết tâm cai để về với con, mỗi lần gọi điện về nhà nghe con dặn dò mẹ đi học nhanh nhanh rồi về với con nha. Nghe mà nẫu ruột… Sao mình lại dại dột làm khổ gia đình con cái như thế này”.
Xanh lại những mảnh đời
Chị Phạm Thị Thuyết, quản lý đội 3, người có thâm niên gần 10 năm gắn bó với trường cho biết: “Tôi nhận ra trong chính tâm hồn họ là sự yếu đuối, rất cần sự thông cảm của mọi người…”. Trong khoảng thời gian 10 năm trời, chứng kiến nhiều cảnh buồn vui của học viên. Chị nhớ nhất là hoàn cảnh của một học viên nữ tên Thanh Cẩm. Cô học viên ấy cứ đi đi về về như con thoi giữa gia đình và các trung tâm cai nghiện.
Nhớ lần đầu vào trường cô luôn tỏ vẻ bất cần đời, chống đối, gây sự với những người chung quanh, kể cả cán bộ quản lý. Không nản lòng, chị Thuyết đã ân cần, nhẹ nhàng trao đổi, trò chuyện và hướng thiện cho cô bằng những câu chuyện có thật, những nỗi khổ mà gia đình người nghiện phải gánh chịu. Cứ như thế, bằng tình cảm yêu thương xuất phát từ đáy lòng, chị đã dần thức tỉnh được Cẩm, dần dà giúp cô cắt cơn được và học nghề mây tre đan. Ngày Cẩm rời trường, nhìn những giọt nước mắt hạnh phúc của hai cha con, chị Thuyết đinh ninh là niềm vui đoàn viên ấy sẽ lâu dài nhưng thật không ngờ, thời gian ngắn sau người cha khốn khổ ấy lại phải đưa con quay trở lại trường xin cai tiếp.
“Mỗi lần như thế chúng tôi lại trăn trở suy nghĩ rất nhiều. Giận thì cũng giận lắm nhưng mình thấy thương họ nhiều hơn. Vì sau mỗi lần tái nghiện thì con đường trở về đời thường của họ càng thu hẹp lại, nỗi mặc cảm, bất cần càng nhiều thêm... Chúng tôi lại tự nhủ nhau củng cố tinh thần, động viên, gần gũi các em nhiều hơn”, chị Thuyết tâm sự. Và những công sức mà những người quản lý đã bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. Cẩm đã từ bỏ được ma túy. Ngày chia tay với những người đã một thời giúp cô vượt qua những thử thách, cô đã òa khóc. Ra trường cô kết duyên với một học viên cùng chung cảnh ngộ. Hiện tại họ đang có một gia đình hạnh phúc và một bé trai kháu khỉnh.
Đa số học viên sau khi cắt cơn đều khỏe mạnh, có tinh thần tốt, cố gắng lao động với quyết tâm vượt qua ám ảnh của ma túy. Tuy nhiên khoảng cách từ giai đoạn cắt cơn đến việc đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy, trở về với cuộc sống bình thường là một quãng đường dài. Bên cạnh những ánh nhìn nghi ngại của những người chung quanh còn là những nỗi mặc cảm, chán nản của mỗi người nghiện. Có vượt qua được hay không phụ thuộc vào quyết tâm và ý chí của từng người. Anh Phan Quốc Trạng, thuộc đội 3 chia sẻ thêm: “Để các học viên tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững thì nhà trường không chỉ giúp cai nghiện, mà quan trọng hơn là đào tạo cho họ một nghề để sau này có đủ tự tin sống, lao động bằng chính bàn tay của mình, tránh xa được tệ nạn xã hội. Nhà trường đã tổ chức đào tạo nghề cho các học viên như: may công nghiệp - dân dụng, điện dân dụng, đan mây tre…”.
Còn biết bao chàng trai, cô gái mang tuổi thanh xuân lên rừng, chấp nhận nhiều thiệt thòi để sống và làm việc ở mảnh đất còn nhiều thiếu thốn, âm thầm làm việc tại các trường Giáo dục đào tạo giải quyết việc làm thuộc Thanh niên xung phong. Chính họ đã góp phần cùng xã hội giúp đỡ những người nghiện trở về cuộc sống đời thường. Trong 10 năm qua, từ ngôi trường ấy, họ đã không ngừng đấu tranh, giành giật lại cuộc sống và nhân cách, thắp sáng niềm tin cho hàng ngàn con người lỡ lầm.
Thanh An