Nơi tỏa sáng nền văn minh - văn hiến Đại Việt - Việt Nam

Một Hà Nội với những giá trị trường tồn đã được khắc họa rõ nét hơn bao giờ hết trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Một Hà Nội bất khuất trong chiến đấu, khát vọng hòa bình, văn hiến suốt lịch sử ngàn năm… luôn là khẳng định của tất cả mọi người, trong đó có các nhà sử học, các nhà khoa học trong và ngoài nước
Nơi tỏa sáng nền văn minh - văn hiến Đại Việt - Việt Nam

Một Hà Nội với những giá trị trường tồn đã được khắc họa rõ nét hơn bao giờ hết trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Một Hà Nội bất khuất trong chiến đấu, khát vọng hòa bình, văn hiến suốt lịch sử ngàn năm… luôn là khẳng định của tất cả mọi người, trong đó có các nhà sử học, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

GS Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương:

Thời điểm để hướng tầm mắt tới tương lai

Tròn  1.000 năm trước, Đức Vua Lý Thái Tổ đã đưa ra một quyết định lịch sử dời đô từ Hoa Lư về Đại La, lập nên “Thượng đô kinh sư mãi muôn đời”- Thăng Long - Hà Nội. Kể từ đó, Thăng Long - Hà Nội đã trở thành trung tâm đầu não chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước, nơi lắng hồn núi sông, nơi kết tinh, tỏa sáng và lan rộng những giá trị tốt đẹp nhất của nền văn minh - văn hiến Đại Việt- Việt Nam.

Giờ đây, bên ngưỡng cửa thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI, dân tộc Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng, đang đứng trước những vận hội và thách thức lịch sử mới của kỷ nguyên văn minh trí tuệ, toàn cầu hóa và kinh tế tri thức. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nói chung, lãnh đạo và nhân dân Hà Nội nói riêng hướng tầm mắt tới tương lai từ đỉnh cao trí tuệ, nhân văn của thủ đô ngàn năm tuổi, cân nhắc và định hướng chiến lược phát triển bền vững trên cơ sở nghiên cứu, phát huy những giá trị văn minh - văn hiến, những nguồn lực vật chất và tinh thần của đất và người Thăng Long - Hà Nội, tạo nên nguồn xung lực phát triển mạnh mẽ thủ đô trên tầm cao của thiên niên kỷ thứ III.

GS - AHLĐ Vũ Khiêu:

Biểu tượng hiếm có trong lịch sử nhân loại

Tổ tiên ta suốt 4.000 năm lịch sử và qua 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã để lại cho con cháu những bài học vô giá để tồn tại và phát triển. Ba đặc trưng của Hà Nội, là trung tâm văn hiến của Việt Nam; tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng dân tộc; là thành phố hòa bình, thể hiện truyền thống hữu nghị của dân tộc ta trong quan hệ quốc tế. 

Với quan điểm chiến tranh là việc bất đắc dĩ và hòa bình là mục tiêu lâu dài, nhân dân Việt Nam đã lấy hồ Hoàn Kiếm làm biểu tượng cho tinh thần chiến đấu và khát vọng hòa bình của dân tộc. Tôi thấy hồ Hoàn Kiếm là một địa điểm lịch sử văn hóa, có thể là biểu tượng cho truyền thống văn hiến, anh hùng và hòa bình hữu nghị của thủ đô. Nơi đây, Lê Lợi sau 10 năm cùng nhân dân nếm mật nằm gai đã đem gươm trả lại cho cho Thần Rùa để xây dựng hòa bình cho đất nước và tình hữu nghị với nước láng giềng. Hình tượng vua Lê trả lại thanh gươm và Rùa thiêng nhận lại thanh gươm ấy là biểu tượng hiếm có trong lịch sử nhân loại, là biểu tượng khẳng định việc thế giới tặng Hà Nội danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” là rất hợp lý.

Đón mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, tôi xin ghi tặng Thủ đô yêu dấu của chúng ta 2 câu đối:

Văn hiến anh hùng, muôn trượng vươn cao trời Đại Việt
Hòa bình hữu nghị, ngàn thu rực sáng đất Thăng Long

Tiết mục “Lễ hội rồng” diễn tả lại sự tích “Con Rồng Cháu Tiên” của dân tộc Việt Nam. Ảnh: AN DUNG

Tiết mục “Lễ hội rồng” diễn tả lại sự tích “Con Rồng Cháu Tiên” của dân tộc Việt Nam. Ảnh: AN DUNG

GS - NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam:

Thánh Gióng, Lê Lợi trả gươm - hai biểu tượng cơ bản của văn hóa Thăng Long

 Khát vọng hòa bình là ước mong, là mục tiêu trong kết thúc chiến tranh, là chiến lược bang giao với lân bang, là ứng xử trong đạo lý nhân văn đối với con người của dân tộc Việt Nam, biểu thị tập trung và tiêu biểu trong lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội. 

 Anh hùng và khát vọng hòa bình không chỉ diễn ra và được chứng thực qua lịch sử của Thăng Long - Hà Nội mà còn được đúc kết và biểu thị trong 2 biểu tượng rất đặc trưng trên đất Thăng Long. Đó là biểu tượng Thánh Gióng và biểu tượng Hoàn Kiếm (trả gươm). 

 Thánh Gióng đã đi vào ký ức của nhân dân như một biểu tượng anh hùng vừa kỳ vĩ, vừa dung dị của Hà Nội và của cả dân tộc Việt Nam. Lễ hội Thánh Gióng ở đền Phù Đổng đã được phục hồi và được lập hồ sơ đề cử Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới. Một tượng đài Thánh Gióng uy nghi, hoành tráng đã được dựng lên trên đất Sóc, nơi người anh hùng hoàn thành sứ mạng và bay lên trời, đúng dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 Giữa vùng trung tâm văn hóa truyền thống của Hà Nội, bao đời nay tồn tại hồ Hoàn Kiếm với huyền thoại người Anh hùng Lê Lợi sau khi hoàn thành sự nghiệp bình Ngô, đã trả lại gươm thiêng cho Thần Rùa để hoàn toàn chấm dứt chiến tranh, tạo dựng cuộc sống thanh bình. Câu chuyện huyền thoại lại được minh họa bằng sự tồn tại trong lòng hồ cũng không biết từ bao nhiêu thế kỷ, một loại rùa rất quý hiếm mà nay hình như chỉ còn một cá thể được nhân dân tôn vinh là Cụ Rùa hay Rùa Thần. Câu chuyện nửa thực nửa ảo, nhưng chứa đựng trong đó một triết lý trường tồn của đất nước gắn liền với khát vọng hòa bình của con người Thăng Long- Hà Nội và của dân tộc Việt Nam.

Thánh Gióng và Hoàn Kiếm, hai biểu tượng bề ngoài có vẻ đối lập nhưng là biểu thị hai nội dung cơ bản của lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội: anh hùng bất khuất trong chiến đấu, hòa bình trong cuộc sống và nền văn hiến muôn thuở.

GS William Logan, Đại học Deakin, Melbourne, Australia:

Giá trị mang tầm thế giới

Tôi muốn nói về sự kiện Trung tâm của Hoàng thành Thăng Long được Hội đồng Di sản thế giới công nhận vào thứ bảy, ngày 31-7-2010, trong dịp Đại hội lần thứ 34 của hội đồng tại Brasilia vừa qua. 16/21 thành viên của hội đồng tán thành, đó là một kết quả kỳ diệu bởi Hội đồng thế giới về di sản và đất đai (ICOMOS) đã có một bản báo cáo  đánh giá và đề xuất rất không thuận.

Năm 1972, Hội nghị về di sản thế giới của UNESCO đã bổ nhiệm ICOMOS làm tư vấn cho các vấn đề về di sản và văn hóa, vì vậy vượt qua được báo cáo của ICOMOS là điều đặc biệt quan trọng. Do đó, không có gì bất ngờ khi đại diện của Việt Nam ở Brasilia khi đó đã mở tiệc ăn mừng tới tận khuya. Tôi biết được tin vui này vào cuối buổi sáng chủ nhật, cùng lúc từ anh Nguyễn Thanh Vân (biên dịch viên của nhóm đại diện những người Việt Nam ở Brasilia) và từ một người bạn Việt (anh ấy biết tin qua Đài Tiếng nói TPHCM). Tôi cảm thấy tiếc nuối vì không được ở Brasilia vào thời khắc đó để có thể tận mắt chứng kiến sự việc.

Trung tâm của Hoàng thành Thăng Long được công nhận bởi có giá trị mang tầm thế giới. Nghĩa là giá trị về mặt văn hóa hay tự nhiên đã trở thành sự khác biệt, đến nỗi nó vượt ra khỏi biên giới quốc gia và đóng vai trò quan trọng đối với các thế hệ con người trong xã hội hiện tại và tương lai

L. NGUYÊN - P. THẢO ghi

Tin cùng chuyên mục