Nokia đang ở đâu?

Nokia đang ở đâu?

Đã hơn một năm, kể từ ngày Microsoft chính thức thông báo “đã hoàn tất việc mua lại Bộ phận Thiết bị và Dịch vụ của Nokia” (25-4-2014) và đây được xem là thương vụ đình đám nhất trong năm rồi.

Tuy nhiên, cú hích mang tính “cách mạng” hơn đã diễn ra vào năm 2013, khi thương vụ này được Nokia tuyên bố trước đó. Với tuyên bố đó, Nokia đã làm bất ngờ rất nhiều người dùng và mãi đến tận sau này, khi nhắc đến cái tên Nokia, mọi người đều nghĩ ngay đến vụ sáp nhập này.

Nokia, cái tên một nhà sản xuất thiết bị di động rất được ưa chuộng tại Việt Nam cũng như các thị trường khác trên thế giới. Vào những năm 2008-2009 là giai đoạn cực thịnh của Nokia, tên tuổi này đã chiếm đến 40% thị phần toàn cầu. Điều này có tác động rất lớn đến nhận thức của người dùng và vào thời điểm đó, những chiếc điện thoại di động mang thương hiệu Nokia là một thiết bị thể hiện đẳng cấp của người dùng tại Việt Nam. Trong giai đoạn cực thịnh của mình, Nokia đã tung ra thị trường rất nhiều dòng điện thoại khác nhau, nhiều phân lớp và đặc biệt đó là sự sáng tạo không tưởng của họ được đưa vào thực tế và thể hiện qua những dòng điện thoại rất cá tính như chiếc Nokia 7610, Nokia 8910, Nokia 9000 Communicator… Với người dùng, sự đa dạng về chủng loại sản phẩm cũng như thiết kế từ những chiếc điện thoại mang thương hiệu Nokia đã tạo nên sự hấp dẫn. Điều này cũng được góp phần khi các nhà sản xuất điện thoại khác vẫn còn đang loay hoay với các ý tưởng, bản vẽ hay linh kiện đã tạo nên một “sân chơi” rộng mở khi đưa ra quá ít cản trở bằng các sản phẩm, nơi mà chỉ gần như chỉ có Nokia tung hoành với các sản phẩm của mình.

Những chiếc điện thoại Nokia tại thị trường Việt Nam, được đánh giá rất cao về tính bền bỉ. Bền bỉ trong quá trình sử dụng, đến nỗi người dùng hay ám chỉ bằng thuật ngữ “trâu bò” cho một số chiếc điện thoại Nokia. Ngoài ra, sự chuyển mình tích cực bằng cách tung ra rất nhiều sản phẩm khác nhau đồng thời sự “nghèo nàn” thiết bị từ các hãng khác cũng góp phần làm cho Nokia thống trị các thị trường, đặc biệt là các thị trường mới mở ở các quốc gia khác.

Dĩ nhiên, yếu tố thiết kế và tính năng luôn được Nokia nhấn mạnh và được người dùng ghi nhận rất tốt. Những chiếc điện thoại Nokia xuất hiện tại Việt Nam qua rất nhiều kênh cung cấp, chính ngạch cũng có mà tiểu ngạch cũng có và nguồn hàng luôn ổn định ở mức cao, chứng tỏ nhu cầu của người dùng rất lớn. Sự thành công của Nokia trong thị trường Việt Nam cũng tương tự như gần 150 nước trên thế giới mà Nokia có tham gia thị trường. “Triều đại” Nokia kéo dài từ những năm cuối thế kỷ trước cho đến cuối thập niên đầu của thế kỷ 21 và trong giai đoạn đó, gần như Nokia là một nhà sản xuất điện thoại di động không thể bị đánh bại. Đây quả là một kỳ tích mà khó có một nhà sản xuất khác có thể tái lập như Nokia.

Kể từ sau năm 2010 trở đi, tình hình kinh doanh trở nên xấu dần và đến tháng 9-2013, Nokia chính thức tuyên bố “bán mình”. Đối với giới kinh doanh, đây có lẽ là động thái đúng khi hiện nay, có rất nhiều tên tuổi mà có lẽ ngay cả khi cực thịnh, Nokia còn rất khó để “chống lại”, tuy nhiên đối với người dùng đó là một sự hụt hẫng và có phần tiếc nuối. Điều này có thể lý giải do cái tên Nokia đã ăn sâu vào tiềm thức của người dùng và những cảm xúc của họ qua tuyên bố của Nokia là điều khó tránh khỏi. Thương vụ sáp nhập này có thể “cứu” được cái tên Nokia thay vì xóa bỏ nó, đó có thể cũng là cách mà nhiều người dùng yêu thích điện thoại Nokia nghĩ đến để tự an ủi mình và họ vẫn mong chờ Nokia hồi sinh bằng những sản phẩm thật thuyết phục.

Dù thời cuộc có thay đổi nhưng nay vẫn còn nhiều người tìm mua để sử dụng hay sưu tập những chiếc điện thoại Nokia trước kia, dĩ nhiên với nhu cầu của thị trường này thì không thể xem là lớn hay nói cách khác là quá nhỏ để Nokia (lúc này đã thuộc về Microsoft) có thể hồi sinh. Đó là chưa kể một rào cản rất lớn đến từ hai nhà sản xuất lớn nhất hiện nay đó là Apple và Samsung mà ngay cả đến Microsoft cũng phải e dè. Tuy nhiên, lần gần đây nhất, chiếc điện thoại có “dính dáng” đến Nokia được ra mắt đã hơn 5 tháng và đó lại lại là một chiếc điện thoại thuộc phân khúc … phổ thông. Tính đến thời điểm này (và dự báo trong cả năm 2015), cũng chẳng có chiếc điện thoại Nokia thuộc phân khúc đầu bảng (flagship) nào ra mắt. Điều này đã làm thất vọng rất nhiều người dùng yêu thích thương hiệu này (mặc dù lúc này, cái tên Nokia gần như không còn tồn tại trong các sản phẩm ra mắt gần đây) bởi lẽ, có rất nhiều thứ họ muốn trải nghiệm trên chiếc điện thoại chạy nền tảng Windows phone khi mà dường như họ đã chán hai nền tảng lớn hiện nay là iOS và Android.

Thị trường điện thoại di động hiện nay gần như bão hòa khi mà mạng lưới viễn thông gần như bao phủ tất cả mọi nơi trên thế giới và các nhà sản xuất (thậm chí nhỏ lẻ) điện thoại di động đã kịp lấp đầy bằng sự đa dạng về phân khúc sản phẩm. Điều này cũng dẫn đến sự … hời hợt của người dùng đối với chiếc điện thoại di động mà họ đã mua vì yêu thích. Do vậy, đột phá từ một sản phẩm nào đó vẫn chưa đủ để thu hút người dùng mà cần có một lộ trình và mục tiêu một cách chính xác nhất. Tuy nhiên, thời gian thì chẳng chờ một ai, cho dù đó có là một nhà sản xuất “đứng đầu thế giới”, chỉ có sự vận động và tiến lên mới duy trì được sự quan tâm từ phía người dùng. Việc bắt họ chờ quá lâu cũng khiến cho họ nhanh chóng “ngã” vào tay đối thủ, bài học này đã diễn ra không ít trong thời gian qua và kết quả cho thấy đó gần như là điều tất yếu, khi đó “vạn sự sẽ khó bội phần hơn”.

Với người dùng, Nokia (hiện nay là Microsoft) đang nắm trong tay rất nhiều bằng sáng chế cũng như công nghệ và họ đã từng được thụ hưởng thông qua các sản phẩm. Những giá trị đem lại đó là sự thích thú mà họ có được đã làm họ mong mỏi hơn hết khi được sử dụng các sản phẩm điện thoại di động Nokia (hiện nay là Microsoft). Đáng tiếc thay, những công nghệ hay bằng sáng chế ấy giờ vẫn còn nằm yên trong tủ, đó có thể xem là sự thiệt thòi rất lớn cho người dùng. Hy vọng sẽ đến một ngày nào đó, cái tên Nokia (dù trong tiềm thức) sẽ quay lại và chắc chắn rất nhiều người sẽ ủng hộ vào thời điểm đó!

Vào thời điểm đó, các sản phẩm điện thoại di động Nokia cũng bị giới hạn bởi công nghệ lúc bấy giờ và các sản phẩm này thời kỳ đầu mang dáng vẻ khá lớn và hạn chế nhiều tính năng. Tuy nhiên, như một người nông dân với túi hạt giống trong tay và đang đứng trước cánh đồng màu mỡ, Nokia nhanh chóng tạo ra nhiều mẫu điện thoại hơn, nhiều tính năng hấp dẫn người dùng hơn và thâu tóm thị trường điện thoại di động ở nhiều quốc gia khác nhau. Những tính năng mang tính thời thượng như màn hình màu, độ phân giải màn hình cao, chụp ảnh, nghe nhạc, chơi game… tạo nên sức hút rất lớn và người dùng vui vẻ móc tiền tậu cho mình những chiếc điện thoại đó, vào thời điểm này một số dòng điện thoại của Nokia còn được xem là cột mốc thành đạt của người dùng, do vậy không ít người đã “làm lụng cố gắng và dành dụm” chỉ để mong đến ngày sở hữu một trong những chiếc điện thoại Nokia mơ ước đó.

Mạnh Tuấn

Tin cùng chuyên mục