Đến tháng 9 này, số nhà tình nghĩa thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP kêu gọi các nhà tài trợ xây dựng cho cựu thanh niên xung phong (TNXP), cựu chiến binh Trường Sơn và đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình đã lên đến con số 130. Từ căn đầu tiên xuất hiện cách đây gần 4 năm đến những căn nhà còn mùi vữa mới, cuộc sống của bà con đã thực sự đổi thay.
Những căn nhà vượt lũ
Xa trên xã miền núi Văn Hóa (Tuyên Hóa), cựu TNXP Đoàn Thị Huyến (80 tuổi) đơn thân một mình giữa vùng đất khó. Mệ Huyến (mệ - từ địa phương dùng để gọi bà) từng đi dân công hỏa tuyến thời kháng Pháp; chiến tranh chống Mỹ mệ cũng tham gia gùi hàng, tải đạn. Hết bom đạn, trở về quê hương muốn kiếm tấm chồng thì quá lứa lỡ thì, đành ở vậy, một mình thui thủi trong căn nhà dột nát. Mệ Huyến nói: “Ở một chắc chứ không biết mần răng, căn nhà mái lá làng xóm dựng cho thì tường đủ loại gỗ ván thải, mưa gió dột nát. Vùng này mỗi năm 5 trận lụt lút nhà, có khi lũ to quá phải đu lên ngọn tre sau nhà để tránh lũ, có khi bơi kịp thì vô núi, chạy lụt xong về dọn vén cũng chẳng còn chi ngoài cái giường và mấy cái nồi móp tấp vào bụi tre”. Trước hoàn cảnh khó khăn của mệ Huyến, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã hỗ trợ 45 triệu đồng giúp mệ làm nhà. Với nguồn kinh phí đó, mệ đã vay mượn thêm, địa phương huy động ngày công, gom góp thêm từ xóm làng, mệ Huyến đã có căn nhà cấp 4 khang trang, kiên cố. Mệ nói: “Rứa là năm ni đã không còn lo sợ lũ lụt nữa rồi. Nhà xây chắc lắm, lại có cái rầm tra để chạy lụt, không lo phải leo ngọn cây hay bơi vô núi nữa”.
Căn nhà của cựu TNXP Mai Văn Dâu ở vùng đồng quê chiêm trũng Lệ Thủy khánh thành từ năm 2010, trải qua hơn 3 mùa mưa lũ vẫn còn chắc chắn. Gói tài trợ với ông Dâu là 45 triệu đồng, vay mượn thêm, ông đầu tư căn nhà hơn 100 triệu đồng. Gặp lại chúng tôi, ông nói: “Thiệt tình cảm ơn nhà tài trợ, Báo SGGP đã giúp sức gia đình tôi, cái nghĩa cái tình lớn lắm”. Chiêu ngụm nước, ông kể: “Năm 2010 khánh thành xong thì mưa lũ, thử thách đầu tiên, rồi năm 2011, 2012 cũng lũ lụt, nhà vững chắc, không như căn nhà lá xập xệ trước đây. Ri là ổn định đến cuối đời rồi”.
Về phía xã Phù Hóa huyện Quảng Trạch, cựu TNXP Trần Thị Mai, chị của liệt sĩ Trần Đức Hè kể: “Ngày trước, tui thờ em trai trong căn nhà rách, lợp lá cọ. Lợp được vài ba mùa mưa là dột. Lụt lội thì tui ôm ảnh em Hè lên nóc nhà, trùm áo mưa, chờ nước rút mới xuống sửa soạn lại bàn thờ rồi để ảnh em Hè lại mà thắp hương. Chừ có khoản tài trợ này, thêm phần tui vay mượn chính sách, làm được căn nhà chắc chắn, bàn thờ liệt sĩ không bị lũ xô nữa”.
Nụ cười trở lại
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Mạch (78 tuổi) đi chiến trường B3 từ năm 1965 - 1975, sau giải phóng đã về quê nhà tại xã miền núi Phú Định (Bố Trạch), lấy cô TNXP Lê Thị Liên làm vợ. Họ có với nhau 8 người con, 3 trai, 5 gái, cuộc sống nghèo khó, không được chế độ gì lớn, bà Liên suốt ngày ốm đau. Hoàn cảnh quá nghèo, ông bà được Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP hỗ trợ 45 triệu đồng, vay mượn thêm, họ đã dựng được ngôi nhà cho các con trú ngụ. Chủ tịch UBND xã Phú Định Nguyễn Văn Hội cho biết: “Cả 8 người con của ông bà đều có vấn đề về thần kinh do ảnh hưởng từ bố ngày xưa đi khắp các chiến trường, đối mặt với thuốc phát quang rải khắp các cánh rừng. Gia đình đông con nhưng khó khăn vô cùng, bởi con cái thì lớn nhưng không làm được việc gì nặng nhọc nên ông bà cáng đáng hết”. Bữa ăn ông bà dọn ra chẳng có cá thịt, chỉ rau độn với sắn, cơm chấm muối, ít nước mắm, cả nhà quây quần đông đúc, nhìn loáng cái đã hết nồi cơm độn sắn. Bà Liên nói: “Nhà đông con, đông cháu nên cứ đến bữa là mau hết lắm”.
Cuộc sống khó khăn nhưng họ vẫn dìu nhau vượt qua khắc nghiệt và khi nhận được món quà ý nghĩa từ Báo SGGP, dựng được liếp nhà kiên cố, ông Mạch nói: “Thật cảm ơn nhà báo, cuộc đời không bỏ quên tụi tui. Chừ tui mong một điều cuối cùng cho mấy đứa con là được có chế độ da cam để chúng còn có gạo cơm khi hai vợ chồng già mất đi là mãn nguyện”.
Chúng tôi về xã Bắc Trạch, tìm đến nhà người cựu TNXP nghèo nhất làng, chị Nguyễn Thị Thảo. Chị Thảo đã già, ngày hoàn thành nhiệm vụ trên các cung đường Trường Sơn thì lỡ thì. Chị thui thủi một mình ở góc làng. Cái khao khát làm mẹ thôi thúc chị đi kiếm đứa con. Chị kể: “Hòa bình về, thấy nhiều đồng lứa có con cái bế bồng, vợ chồng sum vầy mà ứa nước mắt. Tui bấm bụng chịu xấu để kiếm đứa con, rứa mà cũng khổ, nó suốt ngày ngơ ngơ ngác ngác, đời tui rứa là khổ mãi. Nhà nghèo, lợp tranh vách đất. Tưởng sống khổ rứa mãi, không ngờ Báo SGGP hỗ trợ 45 triệu đồng, cả đời tui chưa khi mô cầm quá 500.000 đồng mà nay được có cục tiền lớn thế, làng xóm góp thêm, mạ con tui có căn nhà kiên cố khang trang hơn trước nhiều lần để cùng nương tựa nhau. Vậy là tui không bị bỏ quên rồi chú ơi”.
Qua huyện Quảng Ninh, tìm về chị Trương Thị Mai (60 tuổi), cựu TNXP vùng Quảng Bình, Quảng Trị, một thân một mình. Chị nghèo, phải xin đi bồng con cho người ta để kiếm sống qua ngày nhưng sức khỏe ngày mỗi sa sút nên không đủ sức chơi với trẻ, đành rời phố về quê. Ở làng, ai có việc chi thuê vặt, chị đều nhận làm để kiếm đổi ngày vài lon gạo mà sống. Rồi bất ngờ được xét tặng 45 triệu đồng từ Báo SGGP, chị hoa cả mắt, lâng lâng mấy ngày. Chị kể trong xúc động: “Tui được nhận tiền mà suýt ngất vì không tin được hỗ trợ lớn thế, anh em bạn bè đơn vị hỗ trợ thêm, rứa là tui có căn nhà để ở. Mưa rét mùa đông khỏi lo việc mang áo mưa ngủ ngồi nữa rồi”.
Cạnh xã Hiền Ninh là xã Xuân Ninh, nơi chị Hoàng Thị Thảo đang một mình đơn thân trong tuổi già côi cút. Thuở thanh xuân, đi khắp các cung đường tươi đẹp, nụ cười chẳng lúc nào thiếu vắng, vậy mà khi về lại quê, cuộc đời chị là một chuỗi dài buồn bất tận, không chồng, không con. Chị sống trong căn nhà lá xập xệ, cũng chẳng hy vọng có ngày ai đó cho được số tiền lớn làm nhà, nhưng điều ước đã thành sự thật. Ngày khánh thành nhà, xóm làng vào ra rôm rả, lúc đó chị mới có nụ cười trở lại, tuy tiếng cười không giòn tan như tuổi xuân xanh trên những cung đường gồng mình gánh bom đạn nhưng với chị đó là nụ cười thỏa nguyện của xế bóng tuổi già.
| |
MINH PHONG
- Bạn đọc ủng hộ Quỹ Nghĩa tình Trường Sơn
(SGGP).- Sáng 4-9, bà Nguyễn Thị Minh (tác giả bài “Những việc làm thầm lặng” - Báo SGGP đăng ngày 14-8-2013) đã gửi tặng Quỹ Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP toàn bộ số tiền nhuận bút của bài là 720.000 đồng. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Minh là những cộng tác viên lâu năm của Báo SGGP, thường xuyên theo dõi những hoạt động của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn qua chuyên mục Trường Sơn hôm nay.
Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP xin chân thành cảm ơn tấm lòng của tác giả Nguyễn Thị Minh.
XUYẾN CHI
- Tặng đồng bào nghèo Kon Tum 20 nhà tình nghĩa
(SGGP).- Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP vừa quyết định hỗ trợ xây 20 nhà tình nghĩa (tổng trị giá 900 triệu đồng) giúp 20 gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn biên giới tỉnh Kon Tum. Đây là những căn nhà thuộc gói tài trợ 600 căn nhà tình nghĩa của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tài trợ cho Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP giai đoạn 2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum là đơn vị tiếp nhận và phụ trách việc xây nhà cho bà con. Dự kiến các căn nhà này sẽ được khánh thành và bàn giao vào tháng 11- 2013. Tính đến nay, tại tỉnh Kon Tum, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã tặng 70 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình cựu chiến binh, gia đình nghèo; 100 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) cho học sinh nghèo hiếu học; trang thiết bị trường học cùng nhiều phần quà tết cho bà con nghèo; chuẩn bị khởi công xây đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn tại huyện Ngọc Hồi. Tổng giá trị các khoản tài trợ gần 18 tỷ đồng, trong đó gần 16 tỷ đồng do VietinBank tài trợ.
THU CÚC