Cuối tháng 10-2011, trên các phương tiện truyền thông nóng lên chuyện nước lũ từ các đô thị ở ĐBSCL, rồi TPHCM cho đến tận Bangkok - Thái Lan… người dân phải gánh chịu những thiệt hại khác nhau. Chưa bao giờ các hình thái thiên tai: dông lốc, mưa lũ, triều cường, nước biển dâng và khô hạn, sương mù… xuất hiện dày đặc ở ĐBSCL như năm 2011, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân trong vùng. Các chuyên gia cảnh báo: Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.
Nhận thức được những thách thức nghiêm trọng do biến đổi khí hậu gây ra đối với sự phát triển bền vững của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto.
Đồng thời chỉ đạo từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Hơn 2 năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.
Câu hỏi đang đặt ra hiện nay là liệu các địa phương đã nhìn nhận và có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu? Cách đây 5 năm, TP Cần Thơ và Vĩnh Long bị nước lũ kết hợp triều cường gây ngập nghiêm trọng nhiều tuyến đường, khu dân cư… Đến nay, tình trạng này không những không giảm mà còn tồi tệ hơn. Đáng buồn là nhiều tuyến đường giao thông mới được xây dựng và đưa vào sử dụng trong 1 - 2 năm gần đây vẫn bị ngập. Một số ý kiến cho rằng, việc các địa phương ở đầu nguồn làm đê bao mở rộng diện tích sản xuất lúa vụ 3 đã tạo ra dòng chảy xiết làm sạt lở gia tăng; các nhà khoa học cần nghiên cứu về hệ thống đê bao có làm gia tăng mực nước ở các tỉnh hạ nguồn hay không – nhất là trong bối cảnh mực nước biển ngày càng dâng cao. Chuyện xây đê bao làm lúa vụ 3 là chủ trương đúng nhưng chuyện dừng lại ở con số nào cần có sự nghiên cứu đánh giá của các nhà khoa học. Một số nhà khoa học đã cảnh báo: Tỉnh nào cũng xây dựng đê bao trong mùa lũ, giống như đua nhau đặt cái tô vào thau nước, chuyện nước trong thau dâng cao là khó tránh khỏi.
Các nhà khoa học cho rằng, có 4 yếu tố chính kết hợp dẫn đến tình trạng nước tràn vào đô thị ĐBSCL: nước lũ đổ dồn về, nước biển dâng, triều cường, mưa tại chỗ. Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho rằng: “Yếu tố như đất sụp lún do khai thác nguồn nước ngầm chưa biết có tác động hay không, cần được nghiên cứu”. Nhận định này ít nhiều gợi đến câu chuyện ngập ở Bangkok - Thái Lan, trong đó có nguyên nhân khai thác nước ngầm quá nhiều. Đây cũng là lời cảnh báo cho việc khai thác tràn lan tầng nước ngầm ở ĐBSCL hiện nay.
Tại hội thảo “Cập nhật và chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu toàn cầu và ở Việt Nam với báo chí khu vực Nam bộ”, tổ chức ngày 22-10 tại Cần Thơ, PGS-TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng - Thủy văn và Môi trường đề nghị các phương tiện truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và phản ảnh kịp thời các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của các ngành, các địa phương trong cả nước.
Theo PGS-TS Trần Thục, ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5°C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm, thiên tai - đặc biệt là bão, lũ và hạn hán - ngày càng khốc liệt. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu thì vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2 - 3°C, tổng lượng mưa trong năm và lượng mưa trong mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa trong mùa khô lại giảm. Mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75cm đến 1m so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích ở khu vực ĐBSCL, trên 20% diện tích ở TPHCM bị ngập; khoảng 10% - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Đó là những thiệt hại to lớn.
Chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu không thể thực hiện theo từng địa phương mà phải liên kết theo vùng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu đưa ra giải pháp trữ nước trong mùa khô, phân nước trong mùa lũ là vấn đề bức xúc của vựa lúa, vựa thủy sản, trái cây ĐBSCL hiện nay.
CAO PHONG