Ông Hoàng Hải Minh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, phê duyệt quy hoạch phát huy đô thị cổ Bao Vinh có từ năm 2003, song sau 5 năm phải rà soát và điều chỉnh lại theo quy định.
Theo đó, Sở đã xây dựng kế hoạch rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, phân khu phố cổ này được rà soát trong 2 năm 2018- 2019.
Về đề xuất giải pháp, hiện thị xã Hương Trà đang triển khai và dự kiến hoàn thành năm 2019. Để tranh thủ ý kiến chuyên gia và các nhà quản lý, KOICA đã nghiên cứu và đưa vấn đề này vào trong tổng thể dự án chung. Trong đó, hơn 30 nhà truyền thống ở Bao Vinh có nguy cơ xuống cấp sẽ được bảo tồn theo hướng bảo tồn với phát huy các nghề thủ công mỹ nghệ, có quy định hình thức, màu sắc phù hợp... hình thành các tuyến đường chính, kết hợp các bãi đổ xe đầu phố cổ và đường Đặng Tất thuận tiện đậu đỗ, hình thành bến thuyền ở khu vực trung tâm để thuận tiện cho khách di chuyển...
Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương dự kiến hoàn thành vào năm 2018 và đầu năm 2019 sẽ hoàn thành và kế hoạch bảo tồn 30 ngôi nhà truyền thống này hy vọng sẽ được triển khai sớm...
Không đồng ý, đại biểu Huỳnh Trường Hợi trăn trở: "Phố cổ Bao Vinh hiện chỉ còn khoảng 10 ngôi nhà truyền thống (6 ngôi nhà kiến trúc gỗ, 4 nhà kiến trúc Pháp) đang còn sử dụng tốt. Các ngôi nhà khác đã được đập đi để xây lại xây nhưng không có chế tài nào xử phat. Liệu chúng ta có nên bảo tồn hay không? Hầu như UBND tỉnh không quan tâm đến phố cổ Bao Vinh. Đề nghị HĐND tỉnh xem xét có nhất thiết có đề án phố cổ Bao Vinh hay không?".
Giải đáp thắc mắc của đại biểu, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, việc quy hoạch phố cổ đi đôi với thương cảng Thanh Hà (cũ) và cả hệ thống kinh thành Huế. Trước mắt cần có chính sách ưu đãi đầu tư và kinh doanh cho các chủ căn nhà cổ. Bên cạnh đó cần phục hồi phát triển một số ngành nghề truyền thốn mới thu hút được khách du lịch. Sở VH-TT đã làm việc với thị xã Hương Trà, tuy nhiên địa phương cho biết rất khó khăn về nguồn ngân sách hỗ trợ, tôi nghĩ cần có chính sách ưu đãi như đã thực hiện với nhà vườn Phước Tích.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Nguyễn Xuân Ty thông tin về phố cổ Bao Vinh rằng, dưới góc độ địa phương, về quy hoạch như Giám đốc Sở Xây dựng đã báo cáo với hội đồng. Song từ đó đến nay việc tổ chức thực hiện khó khăn vì không gian phố cổ chật chội và chính sách không có sự tác động hỗ trợ, phố cổ trở nên mai một. Rất nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân nhiều lần nêu ý kiến. Do bức xúc nhiều nhà đã sửa chữa, dẫn đến phố cổ không còn nguyên vẹn. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị xem xét lại quy hoạch lại phố cổ để tôn tạo bảo tồn, nhưng vấn đề không được giải quyết. Theo tôi, tiếp tục quy hoạch phân khu phố cổ kết nối với phường Hương Sơ (TP. Huế), định hướng xã Hương Vinh trở thành phường của thị xã Hương Trà. Bảo tồn là cần thiết nhưng cần khoanh vùng và có chính sách hỗ trợ cho người dân.
Trong khi đó, nhiều đại biểu khác lại cho rằng, phố cổ Bao Vinh có ý nghĩa trong lịch sử hình thành kinh đô Huế. Do đó, việc quy hoạch và bảo tồn phố cổ này cần thận trọng vì dễ rơi vào hai thái cực nên cần nghiên cứu kỹ, tạo chính sách và sinh kế cho người dân thì họ mới có ý thức giữ gìn và bảo tồn di sản.
Một đại biểu khác lại cho rằng, phố cổ Bảo Vinh là một phần của di sản văn hóa Huế, tuy nhiên, chúng ta không đủ điều kiện. Vì vậy, nên chăng khoanh vùng, giới thiệu, chọn lọc để bảo tồn phù hợp, hoặc có định hướng, cơ chế; hoặc nhà nước mua hẳn để phát triển... Nếu có cơ chế cụ thể mới có thể bảo tồn và phát huy được giá trị khu phố cổ này.
Cũng tại phiên chất vấn, nhiều vấn đề như hoạt động xe dù bến cóc, nhất là ở các bệnh viện; Cần phải tính toán sao cho việc di chuyển khách vào Đại Nội một cách hợp lý và thuận tiện nhất để thu hút khách; tình hình an ninh trật tự còn phức tạp như: tội phạm ma túy, tội phạm an ninh công nghệ cao, cho vay nặng lãi... đã được các đại biểu chất vấn đại diện các cơ quan chức năng.
Kết thúc phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu cho rằng, buổi chất vấn nhận được 15 câu hỏi với tinh thần hỏi nhanh đáp gọn, có trọng tâm trọng điểm. Đây là các vấn đề bức xúc, được cử tri quan tâm. Đề nghị các ban ngành tiếp thu, có sự phân công phân nhiệm, theo dõi quá trình thực hiện để đáp ứng nguyện vọng người dân.
Nằm cạnh dòng sông Hương thơ mộng, phố cổ Bao Vinh có những kiến trúc nhà cổ độc đáo. Phố cổ Bao Vinh cũng từng là thương cảng sầm uất, nổi tiếng với những công trình cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa ở kinh đô Huế... Tuy nhiên, trải qua hơn 2 thế kỷ tồn tại, những ngôi nhà cổ bị mục nát dần theo thời gian. Từ năm 1991, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã khảo sát và quy hoạch khu phố cổ Bao Vinh. Vào thời điểm đó, ở đây còn tồn tại 39 ngôi nhà cổ. Theo dự định ban đầu, những ngôi nhà cổ này sẽ được bảo tồn nhằm phát huy giá trị kiến trúc nhà cổ truyền thống ở Huế, cũng như đưa vào khai thác du lịch. Nhưng khi dự án chưa kịp triển khai thì năm 1996 có 11 ngôi nhà cổ bị biến mất và thay vào đó là những ngôi nhà xây mới và hiện tình trạng này vẫn tái diễn. |