* Quy hoạch thủy điện bất cập
* Xử lý nghiêm các thương lái mua gom trái phép
Liệu có rút ngắn được lộ trình để thị trường điện có sự cạnh tranh? Giải pháp nào khắc phục hạn chế của các công trình thủy điện? Biện pháp nào khắc phục thương lái nước ngoài “tung hoành” trong nước? Những câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng hôm qua (14-6) đã khiến người đứng đầu ngành công thương phải thừa nhận chưa làm hết trách nhiệm.
| |
Chưa tròn trách nhiệm
“Bộ trưởng cho biết trách nhiệm trong việc để tồn tại quá lâu dài sự độc quyền? Giải thích yêu cầu xóa độc quyền điện là cấp bách nhưng lộ trình lại kéo dài 17 năm. Giải pháp nào để rút ngắn lộ trình?”, đại biểu (ĐB) Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) mở đầu chất vấn.
Giải đáp nội dung chất vấn này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, việc kéo dài tình trạng độc quyền khiến thị trường điện thiếu cạnh tranh lành mạnh, động lực phát triển hạn chế, quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, Chính phủ đã đưa ra lộ trình thị trường điện cạnh tranh. Theo đó, bắt đầu từ 1-7 sẽ vận hành thị trường phát điện cạnh tranh; từ năm 2014 sẽ vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh; và đến năm 2022 sẽ có thị trường bán lẻ cạnh tranh. “Vừa qua, về sự tham mưu, đôn đốc, kiểm tra tình hình, kiến nghị giải pháp thúc đẩy tránh độc quyền, Bộ Công thương làm chưa hết trách nhiệm”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận trách nhiệm.
| |
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện các bước đi đã có là tách khâu truyền và phân phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thành lập 3 tổng công ty phát điện độc lập tách khỏi EVN, tiền đề để thị trường phát điện cạnh tranh. Bộ sẽ làm hết khả năng để đưa thị trường điện vào cạnh tranh, còn có rút ngắn được lộ trình hay không phụ thuộc vào điều kiện thực hiện câu chuyện về thị trường điện, giá điện, nên Chính phủ đã yêu cầu cần hết sức thận trọng.
Liên quan đến mặt hàng xăng dầu, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đặt vấn đề: Khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước tăng ngay nhưng khi giá xăng dầu thế giới giảm giá trong nước giảm chậm và giảm ít. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xác nhận có tình trạng trên và lý giải chúng ta đang điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 với cơ chế điều hành của Nhà nước. Có xảy ra tình trạng vừa qua là do phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu. Theo quy định, thời điểm tăng giá xăng dầu giữa hai lần cách nhau tối thiểu 10 ngày. Trong khi đó, doanh nghiệp nhập xăng để dự trữ 30 ngày, nên việc điều chỉnh giá sẽ có độ chênh nhất định.
Hiện không có sự độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh này vì cả nước có 12 đầu mối nhập khẩu, trong đó có cả doanh nghiệp ngoài quốc doanh. 12 doanh nghiệp này cơ bản đáp ứng yêu cầu cung cấp sản phẩm xăng dầu cho sản xuất, đời sống. Thời gian tới sẽ thực hiện việc đa dạng hóa hình thức phân phối, thành phần tham gia, nếu kiên trì sẽ vận hành việc cung cấp xăng dầu theo thị trường.
Loại các công trình thủy điện không đạt yêu cầu
Một vấn đề khác cũng được nhiều ĐB quan tâm là quy hoạch và vận hành các nhà máy thủy điện. Theo các ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định), Nguyễn Văn Minh (TPHCM), bên cạnh việc mang lại hiệu quả về an ninh năng lượng, các thủy điện nhỏ đang để lại nhiều hậu quả như phá rừng; hạn hán mùa khô, lũ mùa mưa, mất đất sản xuất. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, cả nước hiện có 1.097 dự án thủy điện sản xuất 24.000 MW, trong đó gần 200 công trình sản xuất ra 36% sản lượng điện quốc gia. Để khắc phục các hạn chế trên, Bộ Công thương đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công trình thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên, nơi tập trung nhiều thủy điện nhỏ và đã loại 52 công trình không đáp ứng yêu cầu. Các công trình thủy điện không đáp ứng yêu cầu sẽ xử lý kiên quyết và phải khắc phục triệt để các sai sót trước khi cho vận hành trở lại.
“Thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra và loại công trình không khả thi”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cam kết. Khắc phục các bất cập của thủy điện, Bộ Công thương đã tiến hành rà soát quy hoạch, yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ nghiêm túc quy định về phát điện, phòng lũ, cấp nước theo quy trình điều tiết hồ chứa đã được phê duyệt. Các chủ dự án phải tuân thủ, nếu sai phải khắc phục theo nguyên tắc: nếu lấy 1ha rừng phải trồng trả lại 1ha; di dời dân đến nơi ở mới phải đảm bảo cuộc sống tốt hơn nơi cũ. Bộ Công thương đã bàn với địa phương kiên quyết xử lý các công trình thủy điện có sai sót theo quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng... Biện pháp cuối cùng là kiểm tra sai sót, thiết kế, vận hành công trình, kiên quyết dừng hoặc phải khắc phục triệt để trước khi cho vận hành trở lại.
Trước chất vấn của một số ĐB về sự cố tại thủy điện Sông Tranh 2 và liệu công trình có đảm bảo an toàn, có phải di dân, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng diễn giải, các nước trên thế giới có khoảng 600 công trình thủy điện xây dựng theo phương pháp bê tông đầm lăn. Với Sông Tranh 2, Chính phủ đã cho sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài. Tuy nhiên, lưu lượng nước thấm qua đập Sông Tranh 2 là lớn và phải nghiêm túc xem xét xử lý. Hiện EVN đã tìm ra giải pháp dán các khe nhiệt để bê tông co ngót… Song, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc: “Tóm lại, theo bộ trưởng, thủy điện Sông Tranh 2 có an toàn không?”. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói: Đến giờ phút này chưa có cơ sở để nói là không an toàn, nếu không an toàn sẽ kiên quyết dừng. Tới đây, Bộ Công thương cùng Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Chính phủ tiếp tục xử lý theo hướng an toàn. Có di dân hay không phải kiểm tra lại.
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, công trình thủy điện Sông Tranh 2 an toàn vì các lý do: thiết kế an toàn và đã được công ty tư vấn độc lập của Nhật Bản kiểm định; nền của đập làm bằng đá granit; công trình tích nước theo thiết kế, việc thấm nước chỉ là hiện tượng chứ không phải sự cố.
Xử lý nghiêm các thương lái mua gom trái phép
Trước tình trạng khá phổ biến lâu nay là trong khi doanh nghiệp trong nước thờ ơ thì thương lái Trung Quốc lại ồ ạt mua nông sản, thực phẩm. “Nguyên nhân của tình trạng này, trách nhiệm của bộ đến đâu và hướng giải quyết sắp tới ra sao”, ĐB Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng) chất vấn.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trong hoạt động thương mại, thu mua nông sản, thương nhân Trung Quốc nói riêng, nước ngoài nói chung, đã có Luật Thương mại điều chỉnh. Từ khi Việt Nam gia nhập WTO có quy định: thương nhân nước ngoài không có hiện diện thương mại ở Việt Nam không được phép thu mua xuất nhập khẩu bằng pháp nhân mà phải thông qua doanh nghiệp Việt Nam. Vừa qua, một số thương nhân nước ngoài vào thu mua, bộ đã kiểm tra và thấy rằng bên cạnh một số doanh nghiệp chấp hành đúng còn một số trường hợp thương nhân nước ngoài, trong đó có thương nhân Trung Quốc có biểu hiện trực tiếp mua gom, thậm chí nợ đọng tiền mua.
Bộ Công thương đã yêu cầu các sở công thương rà soát, phát hiện sai phải báo UBND địa phương và Bộ Công thương xử lý theo Luật Thương mại: nhắc nhở, chấm dứt, đền bù thiệt hại. Giải pháp sắp tới là tiếp tục thực hiện nghiêm túc, còn có kẽ hở sẽ khắc phục. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, kiểm soát và cần có sự vào cuộc của nhân dân cả nước.
NGỌC QUANG
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM): Tôi cho rằng Bộ trưởng Bộ Công thương chưa giải quyết được những bức xúc rất cụ thể mà chất vấn đặt ra. Ông nói nhiều về nguyên tắc, không sai, nhưng như thế là câu trả lời chưa “gặp” câu hỏi. Khi ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nêu chuyện có dự án thủy điện công suất có 4MW mà phá tới 70ha rừng thì lẽ ra bộ trưởng phải điện thoại ngay, cho kiểm tra ngay, nếu có thật phải khẳng định và đưa ra hướng xử lý. Hay như câu hỏi về thủy điện Sông Tranh 2 do ĐB Trần Xuân Vinh ở Quảng Nam nêu, về trách nhiệm của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, của các bộ và yêu cầu trả lời chắc chắn cho người dân là rò rỉ loại này có bình thường, phổ biến không hay là sự cố. Vì cái gì liên quan đến tính mạng của nhân dân, mà ở đây là rất nhiều người dân, thì phải vô cùng cẩn trọng. Những chất vấn ấy chưa được giải đáp thỏa đáng. Với thủy điện Sông Tranh 2, tôi kiến nghị thành lập ngay một nhóm chuyên gia độc lập, đặc biệt có cơ cấu chuyên gia giàu kinh nghiệm của nước ngoài. Tôi nhấn mạnh là nhóm phải làm việc độc lập và được trả tiền thích đáng, tương xứng với sức lao động. Thế thì kết quả mới thực sự khách quan, thuyết phục được người dân. A.THƯ – L.NGUYÊN ghi |