Ngày 16-8, Hội đồng nhân dân TPHCM tổ chức hội nghị chuyên đề chuẩn bị năm học mới 2011 - 2012. Tại đây, hai vấn đề “nóng” muôn thuở là xây trường và thiếu giáo viên được các đại biểu đem ra mổ xẻ.
- Lại quá tải!
Nhiều đại biểu cho rằng, các dự án trường học có tốc độ còn chậm so với nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Khi thực hiện Nghị quyết 11 về giảm đầu tư công, nhiều dự án trường học tại TPHCM bị ngưng vốn kéo theo những khó khăn trong giải quyết chỗ học đầu năm học mới.
Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho biết: “Năm 2010, UBND TPHCM đã có quyết định bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho 6 dự án bồi thường giải tỏa và 12 dự án xây dựng trường học. Thế nhưng, đến năm 2011 một số dự án bị ngưng vốn gây khó khăn trong việc giải quyết chỗ học. Hiện quận vẫn còn thiếu 484 phòng học”.
Lý giải nguyên nhân chất lượng giáo dục khó cất cánh, ông Trần Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết: Dân số cơ học trên địa bàn huyện tăng với tốc độ chóng mặt. Mỗi năm, quận tăng thêm khoảng 30.000 người, đồng nghĩa với việc mỗi năm huyện “được” tăng thêm 1 xã bất đắc dĩ kéo theo sự căng thẳng để giải quyết hết chỗ học. Hiện nay, huyện chỉ có 3 trường THPT, nếu trong năm 2012 không thể xây được 2 trường THPT, không thể giải quyết hết đầu ra của học sinh THCS trên địa bàn.
Nhiều đại biểu đồng tình và chỉ ra sự quá tải về sĩ số ở các bậc học: Theo điều lệ trường tiểu học, mỗi trường có không quá 30 lớp và mỗi lớp có sĩ số tối đa là 35 em nhưng đây chỉ là những con số lý tưởng trên lý thuyết. Thực tế, nhiều trường tiểu học có sĩ số hơn 50 em/lớp, có phường còn “trắng” trường tiểu học, bậc mầm non cũng quá tải không kém... nên thật khó để đảm bảo tốt điều kiện nuôi dạy học sinh.
Nhiều đại biểu cũng lo lắng chương trình phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi sẽ gặp trở ngại lớn trong bối cảnh quá tải trường lớp.
Bà Phan Thị Phượng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 6 chia sẻ: “Mạng lưới 17 trường mầm non công lập trên địa bàn quận không đáp ứng hết nhu cầu thu nhận 100% trẻ 5 tuổi, hiện vẫn còn gần 100% trẻ 5 tuổi phải học ở trường tư thục. Bên cạnh đó, sĩ số của bậc mầm non là 46 cháu/lớp vẫn còn cao so với quy định. Giải pháp tạm thời của quận là xây dựng trường bằng vay vốn kích cầu để giải quyết nhu cầu chỗ học. Từ năm 2002 đến nay, quận có 3 dự án trường mầm non xây dựng từ nguồn vốn này với thời gian hoàn vốn từ 7 - 10 năm, phụ huynh đóng góp chỉ 100.000 - 160.000 đồng/tháng là đủ. Thế nhưng, cách làm này không phải phụ huynh nào cũng đồng tình”.
Giải thích những khúc mắc về việc cấp vốn xây trường, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính khẳng định: “TPHCM đang triển khai thực hiện Nghị quyết 11, trong đó có cắt giảm một số công trình của ngành giáo dục. Nhưng UBND TPHCM chỉ đạo không cắt giảm đại trà, các sở ban ngành xem xét thứ tự ưu tiên đối với những công trình cấp bách cần phải giải quyết ngay để xin ý kiến”.
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM lý giải: “Để đẩy mạnh chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi, TP đẩy mạnh việc xây trường mầm non tại 12 khu công nghiệp - khu chế xuất để giải quyết chỗ học cho con em công nhân. TPHCM quyết tâm đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình giáo dục đảm bảo đủ chỗ học cho người dân. TP cũng đã quyết toán đầu tư cho giáo dục năm 2011 là hơn 5.000 tỷ đồng. Chúng tôi thành lập tổ liên ngành để tháo gỡ những khó khăn trong bố trí vốn, giải phóng mặt bằng, xây dựng các dự án trường học. Năm học 2009 - 2010, TP đưa vào sử dụng hơn 2.000 phòng học, riêng 6 tháng đầu năm 2011 hoàn thành thêm khoảng 1.000 phòng học”.
- Chú trọng giáo dục toàn diện
Tại hội nghị, các đại biểu chỉ rõ vấn đề mà TPHCM cần phải giải quyết ngay chính là giải bài toán thiếu giáo viên – bộ máy cái của ngành giáo dục. Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho biết, trong năm 2011, so với lượng giáo viên được định biên là 3.470, ngành giáo dục quận vẫn còn thiếu hơn 1.000 chỉ tiêu.
TS Đinh Phương Duy, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP bộc bạch: “Thu nhập của người giáo viên quá thấp, vất vả nhất là giáo viên mầm non chỉ 2 - 3 triệu đồng, liệu người thầy giữ tâm huyết đến bao giờ? TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TPHCM chỉ ra một vấn đề khác của ngành GD: “Ngành GD TP còn thiếu con người cho bộ máy cái, khó đòi hỏi chất lượng giáo dục đi lên. Thêm nữa, quy trình tuyển giáo viên của chúng ta phải chăng quá đơn giản, nộp hồ sơ tuyển dụng, không cần đào tạo lại đã phân công nhiệm sở. TPHCM phấn đấu nâng cao trình độ giáo viên, tỷ lệ trên chuẩn ngày càng nhiều nhưng lại bỏ quên phần gốc, TPHCM vẫn còn gần 1% giáo viên chưa đạt chuẩn đang đứng lớp là điều mà chúng tôi cần câu trả lời của ngành GD”.
Phản biện vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Việc căn cứ vào định biên là thiếu chính xác, dễ làm dư luận hoang mang. Thực tế các quận vẫn đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp. Quy trình tuyển dụng giáo viên được kiểm tra chặt chẽ từ học bạ, phiếu điểm của ứng cử viên…”.
Bên cạnh đó, vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn là chương trình học - thi đang khiến học sinh ngày càng học lệch. Điển hình như kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 có hơn 1.000 bài thi môn Sử đạt điểm 0. Lý giải vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, cho biết: “Năm 2011 cũng giống như những năm trước, khi kỳ thi tốt nghiệp không có môn Sử nên học sinh chỉ tập trung ôn luyện cho những môn còn lại. Kết quả kỳ thi đại học đã thể hiện điều này.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, ngành giáo dục phải giúp học sinh phát triển toàn diện, không chỉ học kiến thức mà học để biết, để làm người. Ngành giáo dục không nên chỉ tập trung vào việc dạy học để đối phó với thi cử như trước đây. Giải pháp trước mắt mà UBND TPHCM giải quyết đối với các môn học xã hội là chuẩn bị đề án hình ảnh hóa môn Sử bằng phim ảnh nhằm giảm bớt sự khô khan của môn học.
Tiêu Hà