Khoảng 6.000 nông dân châu Âu cùng hơn 1.000 chiếc máy kéo vừa tuần hành qua các tòa nhà của Liên minh châu Âu (EU) tại Bussels (Bỉ) nhằm phản đối nông sản rớt giá.
Giá các mặt hàng nông sản như sữa và thịt lợn giảm sâu khiến nhiều quốc gia có ngành nông nghiệp phát triển tại châu Âu đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Tại Pháp, Bộ Nông nghiệp nước này ước tính khoảng 22.000 nông trại (chiếm 10% số nông trại của Pháp) đang đứng bên bờ vực phá sản. Tổng số nợ của những trang trại này đã lên đến 1 tỷ EUR.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đầu tiên, có thể kể đến sự thay đổi trong thói quen ăn uống khi nhiều người dân châu Âu hiện có thiên hướng ăn kiêng hoặc ăn chay. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ thịt giảm. Tiếp theo là nhu cầu sữa nhập ngoại ở Trung Quốc không còn nóng như trong giai đoạn 2013-2014. Có những thời điểm bùng nổ như nửa đầu năm 2014, lượng sữa nhập khẩu vào Trung Quốc tăng gần 70% .
Và một nguyên nhân không thể không nhắc tới, đó là lệnh cấm nhập khẩu nông sản châu Âu của Nga từ tháng 8-2014, đòn trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây nhằm vào Mátxcơva liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Theo ước tính, lệnh cấm của Nga đã khiến thị trường nông sản của châu Âu thiệt hại khoảng 5,5 tỷ EUR/năm. Albert Jan Maat, Chủ tịch Hiệp hội nông dân châu Âu Copa, cho biết gánh nặng đối với ngành nông nghiệp châu Âu từ lệnh cấm của Nga rất lớn và “người nông dân đang phải trả giá cho các toan tính chính trị”. Remy Hulin, một nông dân đến từ vùng Calvados, phía Bắc của Pháp, thì cho hay đã có hàng trăm vụ tự tử do chính sách nông nghiệp của châu Âu.
Trước những diễn biến căng thẳng trên, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ giải ngân 500 triệu EUR trong quỹ khẩn cấp để hỗ trợ nông dân chịu thiệt hại do nông sản mất giá. Phó Chủ tịch EU Jyrki Katainen gọi đây là phản ứng mạnh mẽ và quyết đoán đối với tình hình hiện nay. Tháng 7 vừa qua, EU cũng gia hạn đến năm sau gói hỗ trợ cho nông dân chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm của Nga trị giá hàng triệu EUR.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng tất cả chỉ là các giải pháp tạm thời. Điều mà người nông dân châu Âu cần hiện nay là chính sách phát triển nông nghiệp hợp lý. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Foll, châu Âu đang phải đối diện với thị trường nông nghiệp ngày một xấu đi, đồng nghĩa với việc EC phải hành động. Ngành nông nghiệp châu Âu tạo ra 40 triệu việc làm và lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá hơn 120 tỷ EUR/năm. Vì vậy, tìm kiếm các giải pháp đưa châu Âu thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay là yêu cầu cấp thiết đối với các nhà lãnh đạo của EU.
Trước yêu cầu phải hành động, đại diện của EC cho biết các bộ trưởng nông nghiệp châu Âu sẽ thảo luận về các cách thức cải thiện thị trường nông sản châu Âu hiện nay, trong đó tập trung vào giá sữa. Ngoài ra, cũng sẽ bàn thảo về những tác động đến nông nghiệp của châu Âu từ lệnh cấm nhập khẩu nông sản của Nga. Đưa nông nghiệp châu Âu vượt qua khó khăn hiện nay rất cần đến sự thống nhất của các thành viên trong khối, một tiếng nói chung. Châu Âu vẫn chưa cho thấy điều này khi giải quyết một số vấn đề chung của khối trong thời gian qua mà điển hình là vụ khủng hoảng di cư đang khiến châu Âu phải đau đầu.
Minh Châu