Những thông tin phát đi qua các phương tiện truyền thông từ trước Tết Giáp Ngọ đến nay như... xát muối đối với những người quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, đời sống nông dân. Giáp tết, do hàng hóa ế ẩm, nhà vườn vừa bán vừa cho, bán đổ bán tháo, thậm chí vứt bỏ hoa kiểng, dưa hấu, đổ sông đổ biển công sức chăm chút hàng hóa của mình cả mấy tháng trời với niềm mong mỏi “trúng giá” trong dịp tết.
Sau tết, giá cả tại vườn vẫn không nhúc nhích, bà con trồng rau màu ở Tây Nguyên đã cắt hoa, nhổ cà rốt, cà chua, mang rau đổ cho bò ăn vì mang đi bán cũng không đủ trang trải công xá thuê người thu hoạch. Họa vô đơn chí. Cũng thời điểm này, dịch cúm gia cầm bùng phát trên diện rộng. Không chỉ các địa phương có dịch cúm, giá gia cầm rớt thê thảm mà các vùng chưa phát dịch cũng không tiêu thụ được sản phẩm.
Nhiều chủ trang trại đã hạ giá bán 5.000 - 7.000 đồng/kg so với trước kia nhưng vẫn không bán được hàng. Hiện nay giá gà công nghiệp chỉ khoảng 26.000 đồng/kg; giá trứng ở nhiều trang trại chỉ bán được khoảng 1.100 - 1.500 đồng.
Giá cả sản phẩm đầu ra không ổn định một phần do thiên tai nhưng phần lớn do dự báo cung cầu chưa tốt - mà thực tế là không có kênh thông tin đáng tin cậy để nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường - lại do bị thương lái thao túng, nên nông dân luôn gặp bất lợi.
Thực tế hiện nay heo thịt xuất chuồng chỉ 45.000 đồng/kg nhưng thịt bán lẻ ở chợ lên tới 110.000 - 120.000 đồng/kg. Nông dân - người làm ra sản phẩm, lẽ ra phải được định giá nhưng lại phụ thuộc vào người thu mua, bị dìm giá nên thua lỗ triền miên, không còn dám tự đầu tư chăn nuôi. Một nghịch lý khá chua xót là hiện nay nông dân không còn dám “đánh cược” với thị trường, hầu hết các trang trại đều chuyển sang chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài!
Những ngày này, nông dân ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Lẽ ra bà con phấn khởi trước một mùa bội thu do thời tiết thuận lợi nhưng họ như ngồi trên đống lửa do giá lúa giảm ngay từ đầu vụ. Chỉ trong tuần trước, giá rớt khoảng 500 - 700 đồng/kg, tính ra giá lúa IR50404 chỉ còn khoảng trên dưới 4.200 đồng/kg, lỗ trắng mắt. Điều oái oăm là giá giảm nhưng nông dân vẫn không tiêu thụ được hàng.
Do áp lực Thái Lan “xả” kho gạo dự trữ nên cả thương lái, các công ty chế biến, xuất khẩu đều không dám thu mua, tồn trữ. Hiện nay Thái Lan chào bán gạo 5% tấm chỉ khoảng 400 USD/tấn, và có khả năng giảm xuống đến 385 USD/tấn, để nhanh chóng giải quyết nợ cho nông dân. Nếu Thái Lan tiếp tục xuất bán 1 triệu tấn gạo nữa ra thị trường thì không biết giá lúa gạo sẽ giảm xuống mức nào, nhất là với mặt hàng gạo chất lượng thấp của nước ta.
Nông nghiệp, nông thôn có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Nông dân vừa là người làm ra của cải, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa là chỗ dựa vững chắc của thị dân trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế - tài chính vừa qua. Dẫu vậy họ vẫn luôn chịu thiệt thòi.
Một vấn nạn lặp lại nhức nhối trong những năm gần đây là hễ được mùa thì rớt giá, nông dân không được hưởng thành quả chính đáng do mình làm ra. Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Nhiều mặt hàng đã đạt giá trị kim ngạch hơn 1 tỷ USD/năm nhưng nông dân vẫn cứ luôn đối mặt nỗi lo thường trực về sự bếp bênh của đầu ra sản phẩm, đánh cược với sự biến thiên tự phát của thị trường.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng người nông dân cần phải thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, “đón đầu” thị trường trong sản xuất để tránh tình trạng cung vượt cầu, rớt giá; phải chuyển đổi sản xuất từ cây lúa sang cây màu, cung ứng sản phẩm cho ngành thức ăn chăn nuôi; trồng cỏ nuôi gia súc có lãi gấp 4 lần trồng lúa... Nhưng ai là “nhạc trưởng” chỉ đạo việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và mô hình nào để thuyết phục người dân thay đổi cung cách làm ăn theo hướng an toàn, hiệu quả hơn?
Ở các nước nông nghiệp tiên tiến, nông dân sản xuất qua hợp đồng. Hợp đồng ký trước, sản xuất sau - nghĩa là có đầu ra sản phẩm mới tính đến sản xuất. Nhờ vậy họ tránh được rủi ro về giá, bảo đảm thu nhập. Ở ta thì ngược lại, nên nông dân luôn trong thế bấp bênh, không được bảo hiểm đầu ra. Cách nay hơn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 80 về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”, được đánh giá là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân và nhiều người kỳ vọng giá cả sẽ ổn định, góp phần nâng cao đời sống nông dân.
Tuy nhiên qua thực tế triển khai, đến nay tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua hợp đồng trong cả nước đạt rất thấp: lúa gạo chỉ đạt 2,12%; cà phê: 2,5%; trà: 9%, các mặt hàng thủy sản: 9%... Theo mục tiêu đề ra đến năm 2020 sẽ có 80% - 85% lượng mía đường, tôm, cá tra - ba sa được tiêu thụ qua hợp đồng; lượng trà, lúa, trái cây tiêu thụ chiếm 15% - 30%... Với những gì diễn ra trong thực tế, có thể nói mục tiêu trên không thể đạt được.
Để người nông dân không còn đánh cược với những bất trắc của thị trường đòi hỏi có sự vào cuộc mạnh mẽ và thực chất của các cấp, ngành liên quan nhằm xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp dài hơi, phù hợp với sản phẩm từng vùng, miền đặc thù ở nước ta. Điều tiên quyết là có chính sách đòn bẩy hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất theo hướng sản xuất lớn, đáp ứng yêu cầu khắt khe thị trường trong nước và xuất khẩu. nâng cao tính cạnh tranh, tạo đầu ra vững chắc cho nông sản mới nói đến chuyện cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống nông dân. Bằng không, nông dân nước ta vẫn cứ loay hoay với điệp khúc vun trồng - chặt bỏ; trúng mùa, rớt giá; kéo về thành thị làm thuê...
LÊ TIỀN PHONG