Nông dân đón tết bằng “lương hưu”

Tất cả nông dân từ 60 tuổi trở lên khi đóng đủ tiền bảo hiểm của 20 năm, với mức đóng 20.000 đồng/tháng sẽ được nhận “lương hưu” 300.000 đồng/tháng cho đến hết đời, bắt đầu tính từ tháng 1-2012. Đó là mô hình độc đáo tại một xã ngoại thành của thủ đô Hà Nội.
Nông dân đón tết bằng “lương hưu”

Tất cả nông dân từ 60 tuổi trở lên khi đóng đủ tiền bảo hiểm của 20 năm, với mức đóng 20.000 đồng/tháng sẽ được nhận “lương hưu” 300.000 đồng/tháng cho đến hết đời, bắt đầu tính từ tháng 1-2012. Đó là mô hình độc đáo tại một xã ngoại thành của thủ đô Hà Nội.

  • Niềm vui của tuổi già

Một ngày cuối năm Tân Mão, khi cái tết cổ truyền đã cận kề, hàng trăm nông dân ở xã Thanh Văn thuộc huyện Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội nô nức kéo về trụ sở UBND xã để nhận những đồng “lương hưu” đặc biệt của mình. Lần đầu tiên trong cuộc đời, nông dân ở xã Thanh Văn cũng có “lương hưu” như những cán bộ, công chức nhà nước khi về nghỉ hưu.

Sau hai mô hình tiêu biểu ở xã Dị Sử (Mỹ Hào - Hưng Yên) và thôn Ất, phường Hạp Lĩnh (TP Bắc Ninh) mà Báo SGGP đã từng phản ánh thì quỹ lương hưu dành cho nông dân ở xã Thanh Văn càng thêm khẳng định một cách làm hay và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

UBND xã Thanh Văn tổ chức lễ phát “lương hưu” tháng 1-2012 cho những nông dân trong xã.

UBND xã Thanh Văn tổ chức lễ phát “lương hưu” tháng 1-2012 cho những nông dân trong xã.

Mới 7 giờ 30 sáng mùa đông cuối năm, mặc dù trời lạnh buốt nhưng hàng trăm cụ già từ khắp các xóm trong xã Thanh Văn đã nô nức kéo về hội trường UBND xã để nhận sổ lương hưu mới. Gương mặt ai cũng ánh lên sự phấn khởi. Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Văn, cho biết từ chiều hôm trước xã đã chuẩn bị hội trường, căng phông màn để phát lương hưu cho bà con từ quỹ lương hưu một cách trang trọng, ấm áp. Đúng 8 giờ sáng, UBND xã bắt đầu khai mạc đợt phát lương hưu cho nông dân.

Nhận sổ lương mới từ đại diện Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nông dân xã Thanh Văn, cụ bà Tô Minh Thùy, 74 tuổi, ở thôn Úc Lý rơi nước mắt vì xúc động. Chồng mất sớm, bà ở với con trai cả, mọi chi tiêu đều phụ thuộc vào con cái. Từ khi xã triển khai quỹ bảo hiểm, con trai bà đã đóng một lần 4,8 triệu đồng cho cả 20 năm (mỗi tháng 20.000 đồng) và ngày 19-4-2011, bà đã bắt đầu được hưởng lương hưu của xã. Nhận 300.000 đồng lần này, bà Thùy run run xúc động.

Còn trường hợp ông Nguyễn Trọng Phê, 65 tuổi, ở thôn Bạch Nao thì cả hai vợ chồng đều cùng được lĩnh lương hưu của xã. Ông Phê tâm sự: “Cả 5 đứa con đều đã lập gia đình riêng, chỉ có hai vợ chồng tôi sống với nhau. Mọi chi tiêu đều trông chờ vào đồng ruộng nên cuộc sống chỉ qua ngày. Nhờ có lương hưu, mỗi tháng hai vợ chồng cũng có 600.000 đồng, đủ để chi tiêu rau cà, mắm muối”. Tương tự, hai vợ chồng ông Nguyễn Như Tồn (70 tuổi) và bà Nguyễn Thị Nên (67 tuổi) ở thôn Bạch Nao cũng được nhận một lượt 600.000 đồng để lo ăn tết cổ truyền. Ông Tồn cười bảo: “Có đồng lương hưu, tết này có thể mua chút quà, mừng tuổi cho các cháu nội, ngoại cho chúng vui”.

  • Giới trẻ cũng tham gia

Từ trong hội trường đi ra, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn Quang Văn Tịnh cho chúng tôi biết, Thanh Văn là xã thuần nông thuộc vùng trũng của huyện Thanh Oai, với dân số 6.520 người. Ở đây, bà con chủ yếu làm ruộng. Trăn trở lo cho cuộc sống của nông dân, từ năm 1989, Đảng ủy xã đã có nghị quyết về việc thành lập Quỹ Bảo hiểm nông dân, với mục tiêu tạo ra thu nhập từ nguồn chia sẻ phúc lợi cho những người đã đến tuổi phải nghỉ ngơi hoặc không còn sức lao động. Và để có quỹ, ban đầu HTX nông nghiệp Thanh Văn phải bán 20 tấn thóc, được 10 triệu đồng gửi vào Trung tâm tín dụng của huyện Thanh Oai, toàn bộ lãi được tích lũy để gây dựng, phát triển quỹ.

Ông Tịnh cho biết, đến đầu những năm 2000, Đảng ủy xã Thanh Văn bắt đầu có chủ trương huy động nguồn lực từ tập thể và cá nhân để mở rộng. Đến tháng 4-2011, sau 20 năm đóng góp theo quy định, những nông dân đầu tiên ở Thanh Văn, từ 60 tuổi trở lên, bắt đầu được lĩnh lương hưu từ quỹ, với mức chi trả 100.000 đồng/tháng. UBND xã Thanh Văn đã thành lập Hội đồng quản trị và bắt tay vào triển khai hoạt động của quỹ. Ông Tịnh được giao làm Trưởng ban kiểm tra Quỹ Bảo hiểm và phúc lợi nông dân xã. Trong đó, tính đến tháng 4-2011, quỹ đã thu hút được tổng cộng 264 người trong xã tham gia và tính theo tuổi cũng như năm tháng đóng quỹ thì có 196 người được hưởng lương hưu.

Theo ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Văn, sau khi quỹ lương hưu bắt đầu chi trả, hàng loạt người dân trong xã đã nhận thức được lợi ích của quỹ lương hưu cho nông dân nên đã phấn khởi tham gia. Chỉ trong thời gian ngắn, tính đến ngày 31-12-2011, toàn xã đã có thêm 1.056 người đóng bảo hiểm, không chỉ người già mà còn có cả lớp trẻ. Riêng người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên tham gia có 585 người, đạt 99% tổng số người cao tuổi của xã.

Hiện tại, tất cả người dân từ 16 tuổi trở lên ở Thanh Văn đều đã tham gia đóng bảo hiểm với mức 20.000 đồng/tháng, trong vòng 20 năm để nhận lương sau này. Ngoài nguồn đóng góp của các thành viên, xã còn huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, vận động các tổ chức, cơ sở khác để nâng cao quỹ. Đặc biệt, với các hạng mục công trình xây dựng như đường giao thông, nhà văn hóa, xã khuyến khích các thôn xóm tự thiết kế, thi công, giám sát để tiết giảm chi phí, lấy tiền đưa vào quỹ. Nhờ vậy, đến nay tổng số tiền quỹ bảo hiểm xã đã đạt gần 39 tỷ đồng, được gửi ngân hàng, rút lãi để chi trả lương hưu cho người tham gia.

UBND xã cũng đề ra nghị quyết trong năm 2013 phấn đấu nâng mức chi trả lương hưu cho nông dân lên 350.000 đồng/tháng. Mục tiêu đến năm 2013 có 70% số người trong độ tuổi lao động trong xã tham gia quỹ bảo hiểm. 

VĂN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục