Con đường nhựa quanh co 25km đưa chúng tôi từ Đà Lạt về vùng đất Nam Ban vốn là vùng kinh tế mới (KTM) Hà Nội. Cùng trên chặng đường này có nhiều cặp Tây ba lô cùng đồng hành đến một điểm, đó là Cơ sở ươm tơ dệt lụa Cường Hoàn (Cuong Hoan Silk), tại khu phố Hai Bà Trưng, thị trấn Nam Ban. Cả khách Tây, khách ta đều mê mải ngắm nghía, chụp ảnh bên những né tằm, hộp kén, khung dệt.
Tằm nhả tơ
Anh Hồ Đức, hướng dẫn viên du lịch, cho biết: khách Tây rất thích đi du lịch về vùng quê như thế này. Ở các nước tiên tiến, họ không thiếu những khu du lịch hiện đại, nhưng với họ, du lịch khám phá, sinh thái hấp dẫn.
Chủ nhà, cũng là chủ DNTN Cường Hoàn - anh Phạm Văn Cường, kể cho chúng tôi nghe về con đường đến với kinh doanh dịch vụ du lịch. Năm 1990, sau 4 năm ở bộ đội, lúc xuất ngũ chưa có công ăn việc làm, anh nghĩ đến chuyện trồng dâu nuôi tằm. Quê anh ở Đông Anh, Hà Nội, vùng đất bãi ven sông Hồng vốn có nghề truyền thống này. Vào vùng KTM, người dân cũng mang theo nghề, lại được Tổng công ty Dâu tằm tơ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, nơi đây trở thành vựa kén. Thu mua kén, bán cho các nhà ươm ở Bảo Lộc, anh Cường nghĩ đến chuyện tự mình mở xưởng ươm tơ.
Mới đầu chỉ mang tính chất gia đình, sau “phình” dần ra, thuê thêm nhân công. Là vùng nguyên liệu, lao động rẻ, lại có nghề, nên hoạt động của xưởng khá thuận lợi. “Thế rồi 3 - 4 năm sau, thấy mấy anh Tây lảng vảng thăm hỏi, tôi nghĩ có thể gắn với du lịch. Tôi “thả mồi” bằng cách bày bán một số sản phẩm tơ lụa, giới thiệu sản xuất, khách đến đông hơn, thế là mở rộng thêm xưởng, khép kín từ khâu ươm tơ, dệt lụa, bán hàng” - anh Cường vui vẻ bật mí.
Từ chỗ chỉ có 3 thầy trò, nay lên đến 50 nhân công, giàn máy có thể bao tiêu kén của cả vùng này. Thông qua các tour du lịch, lượng khách ngày càng đông, nhiều người tìm đến qua trang web. “Bây giờ cơ sở sản xuất đã lên doanh nghiệp tư nhân rồi, chị cứ vào Google gõ cuonghoansilk là ra”, Cường thông báo.
Sức hút du lịch khám phá
Nói chuyện với tôi, anh Cường vẫn giữ vẻ chất phác nông dân. Anh bảo phải làm ăn thật thà, có sao nói vậy, mới tồn tại lâu dài. Triết lý của nông dân thật đơn giản. Người tiêu dùng phải được biết rõ chất lượng sản phẩm, loại này 100% tơ tằm, loại kia 80%, loại kia 50%, phải rõ ràng, khách ưng loại nào thì tùy. Với lại đừng có thấy khách Tây mà “chém”, sẽ không có ai quay lại đâu. Để có thể làm quen, nhập cuộc với nghề du lịch, anh Cường phải tìm về làng tơ lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng (Hà Nội) học hỏi kinh nghiệm.
Khách về Bát Tràng được tự tay làm ra cái bát, cái chén; khách đến đây được tận mắt nhìn thấy con tằm, cái kén, biết cách ươm tơ, dệt lụa. Và biết được cái áo đang mặc, cái khăn đang quàng làm từ đâu và biết có sức lao động của con người trong đó. “Thế mới có chuyện khách du lịch Tây phải bỏ tiền ra để được xuống ruộng cày cuốc, trồng lúa, trồng khoai. Phải mất tiền mới được lao động đấy”, Cường nói.
Nói chuyện với chúng tôi, anh Cường chứng tỏ rất am hiểu, anh giải thích cặn kẽ về các khâu sản xuất, về đặc tính của sản phẩm tơ tằm. Tơ tằm của Lâm Đồng (tập trung ở vùng Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc) rất đẹp, dài, bóng, không gai gút. Nếu loại kén ngoài Bắc chỉ cho sợi tơ khoảng 300 - 500m thì kén Lâm Đồng dài đến cả ngàn mét. Vì khí hậu ở đây tốt hơn, con tằm khỏe, cho kén đẹp.
Anh Cường nói rằng cũng học được ở khách rất nhiều: “Khách du lịch nhiều người có trình độ lắm, họ tham quan, rồi còn bày cho tôi nên làm thêm cái này, cái kia. Như cái túi ngủ du lịch là họ chỉ cho làm đấy chứ, mình đâu có tự nghĩ ra được. Mình phải tìm hiểu, chiều ý khách, phải theo nhu cầu thị trường”. Theo anh Cường, mỗi ngày nhà anh đón 200 - 300 khách tham quan.
Trên đường về, chúng tôi ghé trang trại nuôi dế Thiện An ở xã Mê Linh (Lâm Hà). Chủ trang trại Nguyễn Quang Huy (từng học Anh văn, ĐH Đà Lạt) tiếp chúng tôi nồng hậu bằng đĩa dế chiên thơm phức. Chúng tôi lại gặp những đoàn khách Tây, khách ta ở đây, ai cũng thích những tour du lịch thế này. Có người nói lần đầu tiên nhìn thấy con tằm, con dế.
Anh hướng dẫn viên Nguyễn Trung Hạnh cho biết, trên đường về Đà Lạt còn dừng lại làng dân tộc K’ho ở xã Tà Nung, khách Tây rất muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc.
Bình Nguyên